TP.HCM - đầu tàu tăng trưởng suốt nhiều thập niên

Đất lập nghiệp của người dân cả nước

Những người đã từng nghe đến hay chứng kiến khu chợ Cầu Muối nổi tiếng nằm ngay trung tâm Q.1 của TP.HCM giờ không thể nào mường tượng sự thay đổi ngoạn mục của khu vực này. Những căn nhà lụp xụp, vựa rau củ chất đống với các con hẻm bên trong luôn ngập ngụa rác, bốc mùi quanh năm giờ đã trở thành những căn nhà tươm tất, đường thông thoáng, sạch sẽ… Tương tự, hơn 10.000 căn nhà lụp xụp, ổ chuột trên dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé kéo dài qua các quận 5, 6, 8… đã được thay thế bằng đại lộ Võ Văn Kiệt và sau này nối đại lộ Mai Chí Thọ; đời sống của nhiều người đã hoàn toàn được thay đổi, từ kinh tế đến môi trường sống.

TP.HCM - đầu tàu tăng trưởng suốt nhiều thập niên- Ảnh 1.

Qua 50 năm, TP.HCM đã phát triển trở thành trung tâm kinh tế của cả nước

Ảnh: Độc Lập

Đó chỉ là một số thành tựu của TP.HCM được TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế (nay là Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) - người đã gắn bó lâu năm và cũng tham gia các chính sách nghiên cứu, phát triển cho thành phố, nhắc tới. Theo ông Lịch, tuy tính quá trình 50 năm từ ngày đất nước thống nhất nhưng thực chất thành phố chỉ mới phát triển khoảng 35 năm. Giai đoạn 15 năm tính từ 1975, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, thành phố cũng chỉ chèo chống để vượt đói nghèo. Giai đoạn 1976 - 1980, tăng trưởng GRDP của TP.HCM chỉ đạt 2,18%/năm, nhưng sau đó là bắt đầu giai đoạn phát triển mạnh.

Đặc biệt, trong 300 năm lịch sử Sài Gòn - Gia Định, đô thị hóa chỉ đạt khoảng 140 km² trong tổng diện tích hơn 2.000 km². Nhưng đến nay, TP.HCM đã đô thị hóa gấp 4 lần và văn minh, hiện đại hơn nhiều. Trong đó, bức tranh chỉnh trang đô thị là thấy rõ nhất.

"Đầu những năm 1990, khi Ngân hàng Thế giới có kế hoạch tài trợ cho thành phố để cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, họ cũng lo ngại sẽ không giải tỏa được các nhà ven kênh. Thế nhưng thành phố làm cái vèo là xong và ta có một dòng kênh sạch đẹp như ngày nay. Cũng như việc trước đây ai ở Q.1 bước qua Q.4 sẽ thấy ngại ngần thì nay hoàn toàn khác, từ cảnh quan, đường sá đến nhà cửa, con người…", TS Trần Du Lịch dẫn chứng.

Giai đoạn sau Đổi mới, từ 1990 - 1995, kinh tế thành phố tăng tốc ngoạn mục, đạt tăng trưởng với mức 2 con số, bình quân hơn 12%. Lực lượng kinh tế tư nhân phát triển mạnh và thành phố đã trở thành nơi lập nghiệp của người dân cả nước. TP.HCM cũng một thời gian dài đóng góp 30% ngân sách cả nước, đứng đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, nhiều mô hình kinh tế, chính sách mang tính chất đột phá được thí điểm tại đây. Chẳng hạn, mô hình khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam được triển khai thực hiện tại Tân Thuận (Q.7) để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Thành phố cũng là địa phương đầu tiên đề xuất thành lập Quỹ đầu tư phát triển đô thị và thí điểm phát hành trái phiếu đô thị trước khi có khung pháp lý về trái phiếu của chính quyền địa phương. TP.HCM cũng chủ động nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện vật chất cần thiết để lập Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - HOSE), đánh dấu sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Bên cạnh đó còn có hàng loạt những chính sách khác như phát triển hạ tầng theo hình thức BT, BOT… Từ thực tiễn những mô hình, chính sách kinh tế tiên phong của thành phố đã đóng góp vào quá trình hình thành mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Những điều đó đưa GRDP bình quân đầu người tại TP.HCM tăng từ 700 USD (1996) lên xấp xỉ 5.000 USD (2010), năm 2024 đạt 7.600 USD và sẽ phấn đấu trong năm 2025 đạt khoảng 8.500 USD.

Ngoài sự bứt phá về kinh tế, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh: TP.HCM là địa phương đi đầu trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình thương tình nghĩa. Thành phố đi đầu tổ chức lực lượng Thanh niên Xung phong từ năm 1978 để đến nay có kỳ tích là Rừng Sác - Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ… và thành phố đã xây dựng được truyền thống năng động, sáng tạo, là đô thị "văn minh, hiện đại, nghĩa tình".

Cơ hội trở thành trung tâm công nghệ, sáng tạo

Dù đã có nhiều thập niên phát triển mạnh, nhưng từ năm 2021 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế TP.HCM suy giảm rõ rệt. TS Trần Du Lịch lý giải có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, nhiều địa phương phát triển nhanh về công nghiệp, trong khi thành phố bị hạn chế vì giá đất quá cao; chuyển đổi mô hình thâm dụng lao động chậm và phần đông các ngành công nghiệp của thành phố cũng tương tự nhiều tỉnh thành khác. Cùng với đó, mô hình quản lý đã là "chiếc áo quá chật", bộ máy hành chính còn trì trệ kéo dài nên thành phố đã bị chựng lại một thời gian.

Nhưng thành phố đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới bởi luôn nhận được sự quan tâm của T.Ư, thể hiện qua nhiều nghị quyết riêng, đặc thù. Cụ thể, Nghị quyết 31/2023 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vai trò của TP.HCM là hạt nhân phát triển của cả nước và Nghị quyết 98/2023 đã đưa ra những cơ chế mạnh hơn. TS Trần Du Lịch phân tích thêm: Nghị quyết 57 về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khoa học công nghệ vừa được Bộ Chính trị ban hành là cơ hội để TP.HCM phát triển, chuyển đổi kép gồm chuyển đổi xanhchuyển đổi số. Bởi thúc đẩy khoa học công nghệ cũng là phù hợp với xu hướng phát triển của thành phố. Cùng với việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, cảng trung chuyển Cần Giờ và mở rộng không gian hành chính đô thị nữa thì thành phố sẽ càng thuận lợi, có nhiều dư địa phát triển.

"Năm nay, T.Ư giao chỉ tiêu tăng trưởng của TP.HCM là 8,5% thì những năm sau phải đạt 2 con số, ít nhất là trong giai đoạn 10 năm tới. Nếu không làm như vậy thì thành phố sẽ không thể trở thành một đô thị có vị trí toàn cầu. Chúng ta cần tận dụng giai đoạn dân số trẻ, phát triển khoa học công nghệ để trở thành một đô thị lớn", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh. Theo ông, thành phố phải là nơi tổ chức thành công nhất Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và phải hình thành sớm nhất thị trường công nghệ, thương mại hóa được các nghiên cứu khoa học công nghệ; thí điểm những quỹ đầu tư mạo hiểm; Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương để phát triển cho doanh nghiệp, tạo ra hệ sinh thái, vệ tinh của các tập đoàn lớn.

Chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm thông qua Nghị quyết 57 là cơ hội và thành phố phải chớp được thời cơ này. Mục tiêu tăng trưởng 2 con số là khát vọng và phải làm trên sức mình. TP.HCM phải trở thành nơi sáng tạo, khởi nghiệp không chỉ của cả VN mà cả thế giới. Phải tạo ra được hệ sinh thái khởi nghiệp về khoa học, công nghệ chứ không phải những người muốn khởi nghiệp lại nghĩ đến chuyện qua Singapore.

TS Trần Du Lịch

TP.HCM - đầu tàu tăng trưởng suốt nhiều thập niên- Ảnh 2.

ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao