Việt Nam lợi thế hình thành nhiều FTZ
Khu thương mại tự do (FTZ) gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thuộc Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Theo đó, TP.HCM thống nhất phương án nghiên cứu, xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành FTZ tại H.Cần Giờ theo hướng là mô hình của "khu phi thuế quan trong khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu".

FTZ gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được Thủ tướng phê duyệt
ẢNH: TL
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chỉ ra rằng thay vì trở thành khu phi thuế quan, cảng Cần Giờ nên định hướng thành FTZ kết nối rộng rãi các vùng. Điều này giúp kết nối một phần Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, hàng hóa sẽ đa dạng hơn.
Tuy đã xác định thương mại dịch vụ là trục kinh tế động lực nhưng TP.HCM không phải địa phương đầu tiên trên cả nước khởi động đề án FTZ. Giữa năm 2024, TP.Đà Nẵng đã được Quốc hội đồng ý cho phép thành lập FTZ gắn với cảng biển Liên Chiểu. FTZ Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Sau Đà Nẵng và TP.HCM, UBND TP.Hải Phòng cũng đang xây dựng đề án chi tiết nhằm hiện thực hóa chủ trương thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội. Điểm nhấn trong dự thảo nghị quyết này chính là đề xuất xây dựng một FTZ thế hệ mới.
Theo cơ quan soạn thảo, FTZ thế hệ mới được kỳ vọng sẽ tạo cú hích phát triển đa dạng các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu là thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực công nghệ sản xuất tiên tiến, dịch vụ thương mại chất lượng cao, đổi mới sáng tạo đột phá, du lịch hấp dẫn, bất động sản tiềm năng và y tế hiện đại. Tương tự, một số tỉnh, TP khác cũng đã được chấp thuận chủ trương hay đưa ra kiến nghị thành lập FTZ như Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Quảng Ninh, Bình Dương...
Tại hội nghị xúc tiến vào tỉnh Bình Định mới đây, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng tỉnh này đã có hướng đi đúng khi kêu gọi đầu tư xây dựng cảng nước sâu ở Phù Mỹ, gắn với các khu công nghiệp và các tỉnh Tây nguyên. Tuy nhiên, ông đề xuất nơi này không nên dừng lại ở một khu công nghiệp thông thường, mà cần tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nghĩa là cần thành FTZ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS Trần Du Lịch phân tích: FTZ phải gắn liền với cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế vì đây là giao thương toàn cầu. Điều kiện của VN có vị trí địa lý hướng biển, thuận lợi cho hàng hải quốc tế, có nhiều nơi đang là cửa ngõ giao thương lớn nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên việc nghiên cứu phát triển mô hình FTZ cần làm sớm để tận dụng thời cơ nhằm nối kết trong chuỗi cung ứng toàn cầu. FTZ nằm trong nội địa nhưng lại áp dụng thông lệ quốc tế, có thể chế vận hành hoàn toàn khác, có hàng rào cứng bao quanh nên các nước gọi mô hình FTZ là quốc gia trong quốc gia. Tại đây, thuế quan, thủ tục hải quan và các rào cản thương mại được nới lỏng hoặc loại bỏ, giúp giảm chi phí giao dịch, tăng tốc độ lưu thông hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài.
"Hiện Trung Quốc phát triển 22 FTZ, với diện tích chỉ chiếm 0,4% so với tổng diện tích đất nước, nhưng đóng góp 18% giá trị xuất khẩu. VN đến nay vẫn chưa có FTZ nào. Tại sao chúng ta không làm? VN đang ở giai đoạn nghiên cứu hình thành các FTZ ở một số địa phương, có thể cho phép một số nơi khác có điều kiện phát triển như TP.HCM, Bình Định thực hiện. Việc hình thành các FTZ sẽ phát huy toàn bộ lợi thế chuỗi ven biển của nước ta", TS Trần Du Lịch nhìn nhận.
"Thỏi nam châm" hút vốn ngoại
Trong đề án hình thành các FTZ, hầu hết các địa phương đều kỳ vọng sẽ có được "liều doping" cho ngành dịch vụ và du lịch, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây khi trình bày kinh nghiệm phát triển các mô hình trung tâm tài chính thành công trên thế giới để liên hệ với TP.HCM, TS Kang Qu, Giám đốc Chiến lược phát triển bền vững của Ngân hàng Trung Quốc (Hồng Kông), đã gợi ý TP.HCM nói riêng cũng như VN có thể học tập mô hình trung tâm tài chính của Thượng Hải (Trung Quốc). Trong đó, họ rất chú trọng hình thành các FTZ với những chính sách đặc biệt cho phép các giao dịch thương mại và tài chính quốc tế được thực hiện tại đây một cách vô cùng thuận lợi, dễ dàng. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết thu hút dòng vốn từ các đối tác nước ngoài đầu tư vào Thượng Hải. Đúng như dẫn chứng của TS Kang Qu, Trung Quốc không phải nước đi đầu trong mô hình này, nhưng lại được nhắc đến như điển hình thành công nhất trong việc phát triển thần tốc các FTZ. Từ thí điểm FTZ đầu tiên ở Thượng Hải (SHFTZ) thành lập tháng 9.2013 Trung Quốc đến nay có 22 khu tương tự. Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, SHFTZ đã trở thành mô hình kinh tế đổi mới tiêu biểu, góp phần đưa quy mô kinh tế Thượng Hải ngày càng mở rộng và giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn. Tính đến cuối năm 2022, tổng cộng có 84.000 doanh nghiệp (DN) mới đã được thành lập tại SHFTZ. Riêng khu mới Phố Đông đã thu hút tới 18.691 dự án đầu tư nước ngoài mới, với số vốn đăng ký lũy kế đạt 217,2 tỉ USD. Quy mô thương mại hàng hóa tăng từ 207,6 tỉ USD năm 2013 lên 340,5 tỉ USD vào năm 2022.

FTZ sẽ góp phần nâng cao thương mại, hút vốn ngoại vào VN
ẢNH: HOÀNG SƠN
Một điểm sáng thành công khác khi áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư phải kể đến Khu kinh tế tự do Incheon của Hàn Quốc (IFEZ). Ra đời năm 2003, IFEZ được đầu tư mạnh về hạ tầng như xây cảng lớn chỉ sau cảng Busan, mạng lưới tàu điện ngầm kết nối thuận lợi tới Seoul và xây dựng các dịch vụ đô thị như bệnh viện, trung tâm thương mại quốc tế, tổ hợp logistics... Các DN tại IFEZ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu, cho phép quyền sở hữu nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, được cung cấp hỗ trợ về tài chính, thủ tục hành chính và dịch vụ một cửa...
Tính đến cuối tháng 7.2023, IFEZ đã thu hút 14,8 tỉ USD vốn FDI, chiếm hơn 70% tổng số vốn FDI thu hút được của 9 khu kinh tế tự do tại Hàn Quốc. Số lượng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã tăng từ 3 công ty lên 206.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, dẫn chứng thêm: Singapore cũng là ví dụ điển hình trong việc áp dụng thành công mô hình tận dụng các FTZ kết hợp với logistics hiện đại để trở thành trung tâm thương mại và trung chuyển toàn cầu. Tương tự, tại UAE, đặc biệt là Dubai, đã xây dựng các FTZ như Jebel Ali thu hút hàng nghìn DN toàn cầu dựa trên các chính sách thuế ưu đãi, môi trường kinh doanh thân thiện và hạ tầng hiện đại. Những kinh nghiệm quốc tế cho thấy FTZ không chỉ thu hút FDI, thúc đẩy xuất khẩu, du nhập công nghệ và tạo việc làm mà còn đóng vai trò nâng cấp mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
"Trong bối cảnh VN còn nhiều nút thắt về thể chế và sự thận trọng trong cải cách, mô hình FTZ có thể trở thành một "phòng thí nghiệm thể chế" hữu hiệu, ở đó cho phép thử nghiệm các chính sách mới trong một phạm vi được kiểm soát, trước khi mở rộng ra phạm vi quốc gia. Đối với VN, đây có thể là cơ hội để thí điểm các cơ chế đột phá, linh hoạt hơn trong quản lý đầu tư, tài chính, lao động, thủ tục hành chính… Từ đó, có thể từng bước "thử - sai - điều chỉnh" nhằm hoàn thiện thể chế trong một môi trường an toàn, trước khi nhân rộng trên toàn quốc", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nêu quan điểm.
Thử nghiệm những cơ chế chưa từng có
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, dù FTZ là mô hình kinh tế ưu việt, song quá trình triển khai cần tránh xu hướng dàn trải và chạy theo phong trào. Việc tỉnh, thành nào cũng đề xuất thành lập FTZ có thể dẫn đến phân tán nguồn lực, trùng lắp chức năng, cạnh tranh không lành mạnh và suy giảm hiệu quả đầu tư.
Bài học từ Trung Quốc cho thấy họ chỉ lựa chọn một số khu vực chiến lược, có sẵn tiềm lực về hạ tầng, kết nối quốc tế và năng lực quản lý để thí điểm, sau đó mới nhân rộng ra nhiều khu khác. VN cũng cần một lộ trình tương tự, đó là lựa chọn có chọn lọc, gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia, ưu tiên các vùng có vị trí chiến lược như cửa ngõ quốc tế, trung tâm logistics và vùng kinh tế trọng điểm.
Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp cận và triển khai cũng cần đặc biệt tránh rơi vào "cái bẫy" của tư duy sao chép máy móc kinh nghiệm quốc tế. Dù các mô hình ở Singapore, Trung Quốc hay UAE đã chứng minh được hiệu quả, song bối cảnh thể chế, trình độ phát triển, vị trí địa lý và đặc điểm kinh tế - xã hội của VN là khác biệt. Chúng ta cần xây dựng mô hình FTZ mang dấu ấn riêng.
"Thay vì là người đi sau, chỉ thực hiện những điều mà các quốc gia khác đã làm, chúng ta cần dám nghĩ lớn, thử nghiệm những cơ chế chưa từng có trên thế giới, từ chính sách thu hút nhân tài quốc tế, ưu đãi tài chính đến ứng dụng công nghệ số trong quản lý. Nếu chỉ đi theo mô hình cũ, chúng ta sẽ luôn bị động trong cuộc cạnh tranh toàn cầu", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.
Với góc nhìn đó, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn đề xuất: Chính phủ cần xây dựng một hệ thống chính sách toàn diện, có tính đột phá và phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Hệ thống này cần được thiết kế dựa trên 5 trụ cột: Đầu tiên là áp dụng cơ chế ưu đãi tài chính và hỗ trợ mang tính chiến lược. Trong điều kiện không còn có thể dựa vào ưu đãi thuế thu nhập DN truyền thống, VN cần chuyển hướng từ "ưu đãi thuế" sang "hỗ trợ tài chính trực tiếp". Có thể thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư chiến lược (SIPF) để trợ cấp tài chính trực tiếp cho các tập đoàn đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu (GMC). Ngoài ra, VN vẫn có thể duy trì một số ưu đãi gián tiếp như miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện, máy móc phục vụ sản xuất xuất khẩu; thực hiện chính sách thuế linh hoạt cho các lĩnh vực thương mại điện tử, logistics xuyên biên giới; cho phép thử nghiệm các mô hình tài chính mới như quỹ đầu tư tư nhân, sandbox cho fintech, tiền kỹ thuật số dưới sự kiểm soát của nhà nước; hoặc miễn, giảm tiền thuê đất và hạ tầng dài hạn, kết hợp với cam kết rõ ràng về ổn định chính sách và bảo hộ đầu tư. Một hệ thống hỗ trợ tài chính thông minh, minh bạch và có mục tiêu sẽ giúp VN tiếp tục thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao.
Đi cùng với đó là môi trường pháp lý linh hoạt và thể chế tiên tiến. Cần mạnh dạn cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, áp dụng mô hình "một cửa tại chỗ" để xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư, đất đai, xuất nhập khẩu… Do đó, việc ủy quyền đầy đủ cho Ban quản lý FTZ là cần thiết, thay vì phải xin ý kiến bộ ngành T.Ư. Đặc biệt, cần áp dụng cơ chế "sandbox thể chế", cho phép thử nghiệm các chính sách chưa từng có trong các lĩnh vực như tài chính số, ngân hàng số; công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn; logistics thông minh và dịch vụ xuyên biên giới; các mô hình kinh tế chia sẻ và nền tảng số.
Thứ ba là cần xây dựng chính sách thu hút nhân tài mang tính cạnh tranh quốc tế, như áp dụng chính sách visa đặc biệt và cư trú dài hạn cho nhà đầu tư, chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ thuật cao; thực hiện cơ chế trả lương theo thị trường, không bị ràng buộc bởi khung lương hành chính nhà nước…
Trụ cột thứ tư là hạ tầng hiện đại và kết nối quốc tế. Ngoài hạ tầng vật chất, cũng cần phát triển hạ tầng số, bao gồm kết nối internet tốc độ cao, mạng 5G, trung tâm dữ liệu, nền tảng số phục vụ điều hành và quản trị. Cuối cùng là cần mô hình quản lý hiện đại và có tầm nhìn toàn cầu. Quản lý FTZ cần tách khỏi tư duy hành chính truyền thống. Chính phủ cần áp dụng chính quyền số, quy trình điện tử toàn diện, từ đăng ký kinh doanh đến giám sát. Đồng thời, nên mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài trong khâu quy hoạch, xây dựng và vận hành khu, học hỏi mô hình từ Dubai (UAE), Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc)...
Thành công của FTZ không chỉ nằm ở chính sách ưu đãi hay vị trí địa lý, mà quan trọng hơn là tầm nhìn thể chế. Chúng ta cần một tư duy dám bứt phá, một tinh thần tiên phong để biến những FTZ thành hạt nhân cải cách, không chỉ về kinh tế mà còn về mô hình quản trị quốc gia. Đó mới là cách để VN không chỉ "bắt kịp" mà có thể "vượt lên" trong làn sóng chuyển dịch kinh tế toàn cầu.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn