Kỷ lục cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp Việt - Nhật khai thác dầu khí

Chiều 31.3, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), JVPC - công ty con 100% của ENEOS Xplora Nhật Bản và Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) đã tiến hành ký kết hợp đồng chia sản phẩm dầu khí đối với lô 15-2, bể Cửu Long.  

Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí đã ký giữa JVPC và PVEP có hiệu lực từ ngày 7.4, có thời hạn trong 25 năm. JVPC được hưởng 45% và PVEP hưởng 55%. Ngoài ra, JVPC giữ vai trò điều hành hoạt động tại lô dầu khí 15-2.

Kỷ lục cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp Việt - Nhật khai thác dầu khí - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định, dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài

ẢNH: H.P

Ông Lê Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Petrovietnam, cho biết đây là hợp đồng đầu tiên được ký kết theo quy định mới của luật Dầu khí năm 2022.

Trước đó, tháng 9.2023, JVPC và PVEP đã trình đề xuất ký hợp đồng dầu khí mới tại lô 15-2, với mong muốn được tiếp tục triển khai hoạt động dầu khí và tăng cường nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ mới để gia tăng hệ số thu hồi dầu, tối đa tận thu tài nguyên theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam. 

Đến ngày 25.12.2024, Chính phủ Việt Nam phê duyệt chỉ định tổ hợp nhà thầu ký hợp đồng dầu khí mới tại lô 15.2.

"Chỉ trong 96 ngày, tổ hợp nhà thầu nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đây là khoảng thời gian kỷ lục", ông Sơn nói và cho biết, ngay trong năm nay, các nhà thầu đầu tư khoảng 55 triệu USD, giúp sản lượng khai thác tăng thêm khoảng 1,9 triệu thùng dầu và 8 tỉ bộ khối khí.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định, dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước hợp tác với các đối tác giàu kinh nghiệm như Nhật Bản trong thăm dò, khai thác dầu khí, cùng với trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sẽ góp phần nâng cao vị thế của ngành dầu khí Việt Nam trên bản đồ năng lượng khu vực và thế giới.

Theo Petrovietnam, lô dầu khí 15-2 có diện tích khoảng 415,9 km², nằm ngoài khơi khu vực Đông Nam bộ, thuộc phần trung tâm và phía đông bắc của bể trầm tích Cửu Long, gồm 2 mỏ dầu khí lớn: Rạng Đông và Phương Đông, có độ sâu trung bình 57 - 60 m. 

Với sản lượng hơn 250 triệu thùng dầu được khai thác tại lô dầu khí này, ngân sách đã thu được 7,75 tỉ USD.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao