Bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hệ thống cảng biển Đà Nẵng gồm khu bến Tiên Sa; Liên Chiểu; Thọ Quang; Mỹ Khê; bến cảng biển huyện đảo Hoàng Sa và các khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão.

Cảng biển Tiên Sa - Đà Nẵng đón tàu du lịch
ẢNH: NGUYỄN TÚ
Đến năm 2030, cảng biển Đà Nẵng được quy hoạch có hàng hóa từ 23 - 29 triệu tấn hàng hóa thông qua (trong đó hàng container từ 1,33 - 1,71 triệu TEU, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế); hành khách từ 532.300 - 597.000 lượt khách.
Đặc biệt, sau năm 2030 sẽ từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư, khai thác khu bến Liên Chiểu.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Đà Nẵng tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5 - 5,5%/năm. Ngoài ra, sẽ hoàn thành đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu có quy mô định hướng phát triển tổng thể 22 bến cảng.
Trước đó, hồi đầu tháng 1.2025, UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT tháo gỡ vướng mắc, sớm cho phép cảng Tiên Sa được tiếp nhận tàu khách ở 3 bến còn lại, nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch tàu biển. Hiện cảng Tiên Sa chỉ được đón tàu du lịch biển ở 2 bến trong khi lượng tàu khách tăng trưởng mạnh. Việc bổ sung 3 bến cảng còn lại tiếp nhận tàu du lịch biển là yêu cầu cấp thiết.
Bộ Xây dựng ước tính nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Đà Nẵng đến năm 2030 khoảng 23.335 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 6.505 tỉ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 16.830 tỉ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Việt Nam có thêm 8 bến cảng mới
Theo danh mục bến cảng thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam vừa được Bộ Xây dựng công bố, cả nước hiện có 306 bến cảng, tăng 8 bến so với năm 2024.
Các bến cảng mới bao gồm: Hải Phát - giai đoạn 1 (tỉnh Quảng Ninh); bến cảng số 5,6 khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng); bến cảng xăng dầu Xuân Giang (giai đoạn 1), bến cảng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 (tỉnh Hà Tĩnh); bến Đình (Quảng Ngãi); bến cảng công viên du thuyền quốc tế (Khánh Hoà); bến cảng Phước An (Đồng Nai); bến cảng tổng hợp Cái Côn - giai đoạn 1 (tỉnh Sóc Trăng).
Tại khu vực phía bắc, Hải Phòng có nhiều bến cảng nhất cả nước với 51 bến; khu vực miền Trung, tỉnh Khánh Hòa có nhiều bến cảng nhất với 18 bến. Tại khu vực phía nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng đầu với 48 bến cảng, TP.HCM có 41 bến.