SNgười trẻ thời công nghệ: Sống cùng... trend

Mê mạng xã hội

Hoàng Thanh Bình (22 tuổi), ngụ ở ấp 3, xã Thạnh Phú Đông (H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), hài hước kể: "Tài khoản ngân hàng thì mình chỉ có một, nhưng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội có rất nhiều".

SNgười trẻ thời công nghệ: Sống cùng... trend- Ảnh 1.

Với nhiều người trẻ, khi chọn nơi ăn, sẽ nhờ... TikTok tìm quán, sau đó phải chụp ảnh đăng mạng xã hội

Ảnh: Phát Tiến tạo bằng AI

Bình cho biết sử dụng hầu như đầy đủ các mạng xã hội như: Facebook, Instagram, TikTok, Threads, Zalo… "Mình sống chung với những mạng xã hội ấy hằng ngày. Nếu không có internet để truy cập, thật sự rất khó chịu", Bình nói.

Lê Nguyệt Như, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói: "Với mình, mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Lướt TikTok để xem video cập nhật trend (xu hướng - PV), clip đang viral (phổ biến nhanh chóng, được lan truyền nhiều trên mạng xã hội - PV). Dạo Facebook để cập nhật tin tức giải trí. Vào Zalo để kết nối với bạn bè… Thật khó để hình dung nếu một ngày vắng bóng mạng xã hội. Có lẽ là rất bứt rứt".

Cũng theo Như, vì mê mạng xã hội, nên đôi khi chia sẻ ảnh trên Threads, đăng video lên TikTok, bản thân đã tự tạo áp lực "phải có nhiều like", "phải có nhiều lượt xem", "phải được nhiều người tương tác". "Khi mong muốn không thành sự thật, ít người tương tác, mình khá buồn, thậm chí stress", Như nói.

Đỗ Trúc Quỳnh (24 tuổi), làm việc tại một công ty trên đường Phổ Quang (Q.Tân Bình, TP.HCM), kể rằng đã bị mạng xã hội "hớp hồn" mà không thể nào ngừng mê. Quỳnh nói: "Minh chứng rõ nét nhất là mỗi khi ăn, mình đều phải chụp hình để đăng Facebook. Dù bị ba mẹ hay đồng nghiệp nhắc nhở hoài, nhưng hành động ấy trở thành thói quen. Mình muốn được đăng chia sẻ với bạn bè trên Instagram, Facebook".

Nguyễn Trà My, sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết mỗi ngày sử dụng mạng xã hội khoảng 13 tiếng đồng hồ. Hầu như lúc rảnh là cầm điện thoại truy cập mạng xã hội. "Những ngày cuối tuần được nghỉ học, thời gian nhiều hơn, có khi… lướt nguyên đêm", My thừa nhận.

Bấu víu vào ChatGPT...

My kể bản thân cũng có thói quen phụ thuộc vào mạng xã hội và các ứng dụng AI. Chẳng hạn như mỗi khi đến bữa ăn, thay vì tự suy nghĩ chọn lựa, nữ sinh này luôn dành ít nhất 30 phút truy cập TikTok để xem "món ăn nào đang là xu hướng", "quán ăn nào ngon", "nơi nào đang được đánh giá cao"…

SNgười trẻ thời công nghệ: Sống cùng... trend- Ảnh 2.

Có những người trẻ cho biết không bỏ qua bất kỳ mạng xã hội nào, nhằm để giải trí, cập nhật tin tức, trò chuyện...

ẢNH: HOÀNG THANH QUYÊN

"Còn khi có thắc mắc về một vấn đề gì đó, như: đau đầu phải làm sao? làm gì để hết cô đơn? cách để không còn stress... mình thường hỏi trên Meta AI (công cụ tích hợp trí tuệ nhân tạo trên khung chat messenger - PV) hoặc cậy nhờ ChatGPT trả lời", My cho hay.

Nguyễn Thành Vinh (27 tuổi), làm việc tại một doanh nghiệp trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết ChatGPT chính là "trợ lý". "Đều đặn mỗi ngày, tôi đều sử dụng ChatGPT. Tìm chỗ vui chơi giải trí, để hiểu rõ thêm về các loại bệnh, thắc mắc về vấn đề tâm lý…, tôi đều nhờ ChatGPT giải đáp", Vinh cho hay.

Vinh cũng thú thật: "Tôi là người sợ bỏ lỡ, nhất là những xu hướng thịnh hành. Tôi có thói quen chỉ mua những loại quần áo hay giày dép đang "phủ sóng" trên mạng xã hội, du lịch ở những nơi đang được bàn tán nhiều trên Facebook, TikTok".

Chẳng riêng gì My hay Vinh, nhiều người trẻ cũng chia sẻ, họ "sống cùng trend". "Có lẽ những loại ẩm thực "hot trend" nổi bật suốt thời gian qua mình đều đã từng thưởng thức. Nào là: nước dừa kem matcha, trà sữa hành lá, milo nấm, hay là lạp xưởng nướng đá, bánh phô mai sữa nướng… Những trào lưu ẩm thực độc đáo ấy, mình đều không bỏ lỡ", Lê Như Hằng, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, nói.

"Không riêng mình, mà với nhiều bạn bè cũng tương tự, có hội chứng FOMO (Fear of Missing Out - sợ bỏ lỡ). Bản thân luôn nơm nớp lo rằng sẽ bị bỏ lỡ điều gì đó quan trọng, thú vị cả trong cuộc sống lẫn trên mạng xã hội. Sợ rằng người khác có những trải nghiệm thú vị còn mình không có thì sẽ trở nên… lạc hậu, bị bỏ lại phía sau. Mình luôn bật chế độ thông báo từ mọi fanpage, các ứng dụng mạng xã hội đã cài đặt. Chỉ để khi có thông báo là vội xem nhằm không bị bỏ lỡ thông tin hoặc sót những sự kiện quan trọng".

"Con dao hai lưỡi"

Theo thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Minh Khuê, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm (TP.Thủ Đức, TP.HCM), công nghệ phát triển mạnh mẽ mang lại cho người trẻ nhiều cơ hội. Đó là tiếp cận tri thức nhanh chóng, cập nhật những xu hướng, mở rộng cơ hội học tập. Không những học được từ lớp học, giảng đường, người trẻ có thể học qua Google, các ứng dụng AI, YouTube… Sống trong thời đại công nghệ, người trẻ cũng được tiếp cận nhiều cơ hội nghề nghiệp, những công việc linh hoạt, phù hợp với khả năng của bản thân. Trong khi đó, mạng xã hội giúp câu chuyện giao tiếp không còn khoảng cách. Nhu cầu mua sắm, giải trí… trở nên tiện lợi hơn nhờ công nghệ, mạng xã hội.

"Cần nhớ mạng xã hội là công cụ, không phải là cuộc sống thật. Chỉ nên tận dụng, sử dụng hợp lý chứ đừng nên lạm dụng. Nếu sống không thể "thoát" mạng xã hội là "con dao hai lưỡi", tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Khi "nằm dài" trên mạng xã hội, sẽ không còn thời gian dành cho công việc, học tập. "Nghiện" mạng xã hội chắc chắn ảnh hưởng đến cuộc sống, ngại giao tiếp ngoài đời thực", bà Khuê nói.

Cũng theo bà Khuê, cứ mãi cậy nhờ vào công nghệ, các ứng dụng AI, như muốn biết cách tỏ tình cũng nhờ ChatGPT, muốn ăn gì phải xem TikTok, tìm lời khuyên về bệnh trên ứng dụng AI… thì sẽ khiến lười suy nghĩ, khả năng tập trung giảm sút, không còn tư duy phản biện, có nguy cơ bị phụ thuộc vào những câu trả lời có sẵn, giảm khả năng suy luận cũng như tự giải quyết vấn đề, dễ bị ảnh hưởng bởi tin giả…

Bà Khuê cho rằng những người trẻ nếu đang mê mạng xã hội, thường có thói quen bấu víu vào ChatGPT giải quyết mọi vấn đề, cần phải bước ra ngoài đời thực, tập cuộc sống không công nghệ, dành nhiều thời gian gặp gỡ, tương tác trực tiếp với người thân, bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, nhóm cộng đồng…

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Phương, làm việc tại Phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1 (Q.10, TP.HCM), lưu ý: "Việc sống cùng trend có thể giúp người trẻ trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị. Tuy nhiên cần phải cẩn thận trước những những trào lưu có ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, an toàn thực phẩm. Thực tế đã từng có trường hợp "đu trend" tắm nước đá và bị bệnh. Hoặc có người chạy theo trend thưởng thức những loại ẩm thực quái lạ đã bị ngộ độc. Phải tỉnh táo trước mỗi "hot trend" để không rước họa vào thân". (còn tiếp)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao