TP.Đà Nẵng: 3 tháng, ghi nhận gần 3.100 ca sốt phát ban nghi bệnh sởi

Ngày 31.3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng cho biết đơn vị và các ngành liên quan vừa có báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế về tình hình bệnh sởi trên địa bàn.

Trước đó, vào ngày 29.3, đoàn công tác Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác thu dung điều trị và phòng, chống bệnh sởi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Tại đây, Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thị Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết từ tháng 11.2024 đến ngày 27.3, bệnh viện đã thu dung điều trị nội trú 1.921 ca bệnh sởi.

Hiện bệnh viện có 4 khoa đang điều trị sởi, gồm: khoa Y học nhiệt đới điều trị sởi mức độ nhẹ, trung bình, cần hỗ trợ thở oxy; khoa Nhi tự nguyện chuyển sang điều trị sởi mức độ nhẹ; Hồi sức Nhi điều trị các ca bệnh sởi nặng, bệnh suy hô hấp cần can thiệp thở máy, thở CPAP; khoa Nhi sơ sinh hồi sức tích cực và bệnh lý điều trị trẻ bệnh sởi nhỏ hơn 29 ngày tuổi từ nhẹ đến hồi sức tích cực.

Đà Nẵng: 3 tháng, ghi nhận gần 3.100 ca sốt phát ban nghi bệnh sởi- Ảnh 1.

Tình hình bệnh sởi tại TP.Đà Nẵng đang diễn biến phức tạp

ẢNH: CDC ĐÀ NẴNG

Bệnh viện đã phân luồng bệnh sởi ngay khi vào sảnh chính bệnh viện; triển khai khu cách ly; phân luồng tiếp nhận bệnh nhân; chuẩn bị sẵn sàng nhân sự, vật tư trang thiết bị, thuốc, dịch truyền…

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng Nguyễn Đại Vĩnh cho biết thêm, đến ngày 28.3, TP.Đà Nẵng ghi nhận 3.074 ca sốt phát ban nghi sởi (có 1.845 ca chưa có kết quả).

Đặc điểm của các ca phát ban nghi sởi năm 2025 là có 25,73% ca mắc sởi đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin; 6,21% trường hợp chưa đến tuổi tiêm, 14,2% trường hợp không nhớ tiền sử tiêm chủng và 54,03% trường hợp chưa tiêm vắc xin.

Độ tuổi các ca sốt phát ban nghi sởi là trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 6,21%; trẻ 9 tháng - 24 tháng tuổi chiếm 11,59 %; trẻ trên 24 tháng tuổi - 5 tuổi chiếm 17,96%; trẻ trên 5 tuổi - 11 tuổi chiếm 31,23% và hơn 11 tuổi chiếm 32,82%.

Đà Nẵng: 3 tháng, ghi nhận gần 3.100 ca sốt phát ban nghi bệnh sởi- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu chỉ đạo công tác chống dịch bệnh sởi vào ngày 29.3 vừa qua tại TP.Đà Nẵng

ẢNH: CDC ĐÀ NẴNG

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, Đà Nẵng là địa phương có số lượng người di dân nhiều nên cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trong mọi tình huống, không chỉ với bệnh sởi mà cả các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Theo ông Thuấn, các bệnh viện cần xây dựng quy trình ứng phó khi phát hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm từ phân luồng, cách ly điều trị đến kiểm soát nhiễm khuẩn, nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Các đơn vị tăng cường tập huấn, đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, đặc biệt là về kỹ năng phát hiện, chẩn đoán và điều trị sởi.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, trung tâm kiểm soát bệnh tật phải lường trước mọi tình huống, tăng tốc tiêm vắc xin sởi để phòng ngừa dịch xảy ra; các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ thuốc men và thiết bị y tế để phục vụ công tác thu dung, điều trị…

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao