Phía sau cảnh bà nội chạy theo xe hoa tiễn cháu về nhà chồng

Mạng xã hội chia sẻ hình ảnh xúc động khi bà nội ôm chặt, lưu luyến trước giây phút cháu gái lên xe hoa. Trong suốt lễ cưới, bà cụ không dám nhìn cháu vì sợ không kìm lòng được. Khoảnh khắc cháu rể đến rước cháu gái, hai bà cháu xúc động ôm chầm lấy nhau. Sau đó, bà chạy theo xe hoa, chào tạm biệt vương vấn mãi không thôi. Những hình ảnh thân thương chạm đến cảm xúc của nhiều người, ai nấy nhắc cô dâu về thăm bà khi có thời gian rảnh.

Hình ảnh thân thương

Nhân vật chính trong câu chuyện là chị Lê Thị Hằng (28 tuổi) và bà nội Bùi Thị Tháu (90 tuổi), quê ở Thanh Hóa. Chị Hằng cho biết bản thân không ở với bố mẹ, được bà nội nuôi dạy từ khi 5 tháng tuổi. Quê mẹ chị ở Hà Nam, mẹ muốn bù đắp cho chị và tổ chức đám cưới ở đó nhưng vì tình cảm dành cho bà nội quá lớn nên đám cưới diễn ra ở Thanh Hóa.

Phía sau cảnh bà nội chạy theo xe hoa tiễn cháu về nhà chồng - Ảnh 1.

Bà Tháu không kìm được nước mắt khi cháu gái về nhà chồng

ẢNH: NVCC

Phía sau cảnh bà nội chạy theo xe hoa tiễn cháu về nhà chồng - Ảnh 2.

Hai bà cháu ôm chầm lấy nhau

ẢNH: NVCC

Bà Tháu không đủ can đảm lên sân khấu nên đã nhờ người thân trao chiếc kiềng vàng làm quà cho cháu gái. Khi chào mọi người để ra xe hoa, chị Hằng quay ra ôm chầm bà nội.

"Mình có nhiều sự lựa chọn nhưng lựa chọn tuyệt vời là tổ chức đám cưới tại nhà bà. Bà trên cả tuyệt vời, con không biết dùng từ ngữ gì để diễn tả hết được", cô dâu bày tỏ.

Anh Nam Đàn, người chụp hình cho đám cưới của chị Hằng, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên trong mấy năm làm nghề phải khóc theo cô dâu. Mình thấy thương bà nội của cô dâu và nhớ như in tình cảm mà dân làng dành cho hai bà cháu. Mình vừa chụp ảnh vừa lau nước mắt vì xúc động".

Cha chị Hằng rời quê vào miền Nam làm ăn từ thời còn trẻ, vì điều kiện khó khăn nên ít khi liên lạc với gia đình. Cha gặp mẹ cũng ở miền Nam, hai người lấy nhau và sinh ra chị Hằng. Vì một vài lý do, chị Hằng được gửi về quê nhờ bà nội chăm sóc.

Tình cảm đong đầy

Ở Thanh Hóa, bà Tháu đón nhận, yêu thương cháu nội dù kinh tế không mấy dư dả. Sau khi trao cháu cho bà, cha chị Hằng tiếp tục xa quê đi làm ăn. Bà Tháu làm ruộng, bươn chải đủ việc để có tiền nuôi cháu.

"Trong một lần đi thăm ruộng, bà không may bị đụng xe nên ngã xuống mương, tay phải bà bị gãy, đến giờ không vận động được. Năm mình học lớp 9, bà ngã khi bước xuống sân, bị tụ máu trong đầu. Bà giấu mọi người cho đến khi trở nặng phải đi bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán khả năng sống chỉ được khoảng 2%. Tuy nhiên, như có phép màu xảy ra, bà vẫn sống được và bình phục để tiếp tục bên cạnh mình", chị Hằng nhớ lại.

Phía sau cảnh bà nội chạy theo xe hoa tiễn cháu về nhà chồng - Ảnh 3.

Bà chạy theo xe hoa nhìn cháu về nhà chồng

ẢNH: NVCC

Phía sau cảnh bà nội chạy theo xe hoa tiễn cháu về nhà chồng - Ảnh 4.

Bà nội yêu thương cháu gái

ẢNH: NVCC

Sau khi chị Hằng tốt nghiệp cấp 3, dù không khá giả nhưng bà nội vẫn động viên cháu cố gắng thi đại học. Suốt cả thời thơ ấu và tuổi trẻ, chị sống trong tình thương vô bờ của bà.

Cách đây khoảng 5 năm, một ngày đẹp trời khi hai bà cháu đang ở nhà, một người họ hàng đem điện thoại đến và nói có cha muốn gặp. Sau này, việc liên lạc diễn ra dễ dàng hơn nên chị được gặp lại cha mẹ sau khoảng thời gian dài xa cách.

Bà Tháu chia sẻ: "Tôi thương cháu thiệt thòi, thiếu vắng tình thương bố mẹ từ nhỏ và luôn mong cháu lập gia đình, tìm được một điểm tựa vững chắc. Từ ngày cháu có gia đình mới, được chồng yêu thương tôi cũng rất yên tâm, nếu chẳng may có nhắm mắt xuôi tay sẽ không còn lo lắng. Giờ cháu gái lấy chồng xa tôi cũng rất thương và hy vọng cháu rể sẽ mãi quan tâm, chăm sóc cháu gái".

Trong khoảnh khắc xúc động, bà Tháu đọc lại bài thơ tự mình sáng tác ngày con trai bế cháu về.

"Miền Nam cháu có dừa xanh

Cháu về miền Bắc cơm canh với cà

Hôm ấy cháu về đến nhà

Bà con chòm xóm đến nhà đông vui

Tàu xe cháu mệt nhọc rồi

Cháu khóc một hồi

Làm cho bà nội rụng rời tay chân…".

Phía Sau cảnh bà nội và cháu gái xúc động trong ngày cưới tại thanh hóa - Ảnh 1.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao