Vì sao nhiều cặp đôi trẻ hoãn đám cưới?

Sợ mang nợ sau đám cưới

Theo kế hoạch ban đầu, chị Đỗ Phương Kiều (31 tuổi), ngụ ở 32 Võ Văn Hát (TP.Thủ Đức, TP.HCM) sẽ lên xe hoa để làm cô dâu vào ngày 1.3 vừa qua. Tuy nhiên, chị và chồng sắp cưới đã thay đổi ý định. "Tôi chưa biết sẽ tổ chức đám cưới vào thời gian nào", chị nói.

Chị kể rằng: "Lý do đột ngột hoãn cưới là vì… đau đầu bởi vấn đề tài chính. Khi biết tin tạm thời chưa tổ chức đám cưới, nhiều người thân bất ngờ. Họ khuyên cứ làm đám cưới, vì đây là sự kiện trọng đại trong cuộc đời, mặc kệ chi phí tổ chức có thể nhiều tiền. Thế nhưng người trong cuộc như chúng tôi cảm thấy rất áp lực vì chuyện tiền bạc".

Vì sao nhiều cặp đôi trẻ hoãn đám cưới?- Ảnh 1.

Có những cặp đôi đã chụp ảnh cưới nhưng... trì hoãn đám cưới vì áp lực tài chính

ẢNH: THANH NAM

Không riêng chị Kiều, có những người trẻ từng dự định làm vợ, làm chồng, cũng hủy bỏ kế hoạch trở thành tân nương, tân lang. Nguyên nhân chỉ có một. Đó là chi phí tổ chức tiệc cưới vượt ngoài khả năng tài chính của họ.

"Khi còn khoảng 2 tháng nữa là tới ngày cưới theo dự định, chúng tôi cảm thấy lo lắng vì đối mặt với áp lực tài chính quá lớn. Thế là cả hai quyết định hủy bỏ kế hoạch làm lễ thành hôn", anh Trần Phúc Trường (33 tuổi), ngụ ở hẻm 17 đường Dương Văn Cam (TP.Thủ Đức, TP.HCM) kể.

Chia sẻ về gánh nặng tài chính từ ngày trọng đại như ngày cưới, Nguyễn Tiến Nhân (28 tuổi), ngụ ở 112 Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết: "Nhà hàng yêu cầu phải đặt 70 triệu đồng. Đấy là chưa tính đến tiền trang phục, trang trí ở cả hai bên gia đình. Tiền chụp ảnh cưới cũng tốn nhiều… Thử nhẩm tính, chúng tôi thấy tổng chi phí khoảng 350 triệu đồng. Không thể hy vọng "lấy tiền mừng cưới để bù chi phí". Suy đi tính lại, chúng tôi không muốn vừa cưới xong đã mang nợ, nên chuyện đám cưới cứ để từ từ".

Trên mạng xã hội Threads cũng có nhiều bài viết của người trẻ chia sẻ chuyện tranh cãi với gia đình chỉ vì chuyện đám cưới. "Chúng tôi muốn tổ chức với quy mô nhỏ gọn, nhưng gia đình bắt buộc phải làm đám cưới rình rang, phải thuê nơi tổ chức sang trọng để "nở mặt nở mày" với dòng họ, người quen. Nếu làm theo ý của gia đình, rất dễ rơi vào tình cảnh nợ nần sau đám cưới. Nên chúng tôi chọn phương án hoãn cưới", chị Nguyễn Thị Thảo Trinh (32 tuổi), làm việc ở Khu công nghiệp Đức Hoà 3 (tỉnh Long An) cho hay.

Vì sao nhiều cặp đôi trẻ hoãn đám cưới?- Ảnh 2.

Theo nhiều người trẻ, để tổ chức đám cưới, cần số tiền không nhỏ để chi trả: tiền chụp ảnh cưới, trang trí tiệc cưới, thuê nhà hàng...

ẢNH: THANH NAM

Để không áp lực nên ưu tiên phong cách tối giản

Ghi nhận của người viết ở một số trung tâm tổ chức tiệc cưới ở TP.HCM cho thấy chi phí ngày càng cao. Chẳng hạn, giá nhà hàng tiệc cưới ở một địa chỉ trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) lên đến 6 triệu đồng/bàn. Trong khi đó, giá nhà hàng tiệc cưới ở một địa chỉ trên đường Lý Chính Thắng (Q.3) lên đến gần 7 triệu đồng/bàn.

"Giả sử mời khoảng 250 – 300 khách, với giá mỗi bàn trung bình khoảng 6 triệu đồng, là tốn khoảng 150 – 180 triệu đồng. Đấy là chưa kể dịch vụ chụp ảnh cưới khoảng 15 – 20 triệu đồng. Tiền trang trí tiệc cưới cũng không nhỏ, khoảng 20 – 30 triệu đồng. Tiền thiệp cưới, tiền thuê đồ, cùng nhiều chi phí phát sinh khác… Có nghĩa để lo đám cưới phải có vài trăm triệu đồng. Số tiền này khiến những người có thu nhập thấp, lương ở mức trung bình, cảm thấy áp lực", anh Vũ Tiến Khoa (31 tuổi), ngụ ở chung cư Đức Khải (Q.7, TP.HCM) nói.

Cũng theo anh Khoa: "Tôi và bạn gái từng dự định tổ chức đám cưới vào tháng 2 vừa qua. Mường tượng về một đám cưới tuyệt vời. Nhưng nhìn vào những chi phí phải chi trả, chúng tôi hơi… hoang mang. Nhiều chi phí quá cao, vượt khỏi khả năng tài chính của chúng tôi nên đành tạm dừng đám cưới. Chúng tôi không muốn tổ chức một tiệc cưới linh đình rồi phải "cày" trả nợ suốt nhiều năm sau".

Vì sao nhiều cặp đôi trẻ hoãn đám cưới?- Ảnh 3.

Có thể tổ chức đám cưới theo phong cách tối giản nhằm đỡ áp lực tài chính

ẢNH: THANH NAM

Anh Đỗ Thanh Bình (36 tuổi), làm việc tại 54 Liễu Giai (Q.Ba Đình, Hà Nội), cho rằng: "Nếu các cặp đôi cảm thấy tài chính chưa đủ thì tạm ngừng tổ chức đám cưới là điều cần thiết. Bởi tôi đã từng phân vân nên tổ chức đám cưới hay không. Và khi quyết định tổ chức đã phải vay tiền nhiều nơi. Sau đó phải liên tục chi tiêu tiết kiệm trong nhiều năm liền nhằm để có tiền trả nợ".

Anh Bình nói thêm: "Từ câu chuyện của bản thân, tôi thấy rằng nhiều người trẻ hiện nay rất áp lực vì gia đình có quan niệm "đời người chỉ có một lần đám cưới, phải làm tiệc cưới sao cho linh đình". Quan niệm này khiến nhiều người trẻ "nhắm mắt nhắm mũi" tổ chức đám cưới thật hoành tráng. Và cái kết là phải chìm trong nợ nần".

Một thành viên trên mạng xã hội Threads cho hay: "Sau khi chính thức trở thành vợ chồng đã phải liên tục cãi vã vì chuyện nợ tiền từng vay mượn để tổ chức đám cưới. Từ đó, những áp lực và mâu thuẫn kéo dài đã dẫn đến ly thân, sau đó ly hôn, cách ngày cưới chỉ vài tháng".

Vì sao nhiều cặp đôi trẻ hoãn đám cưới?- Ảnh 4.

Theo nhiều ý kiến, cần thay đổi những quan niệm như "đám cưới là phải tổ chức hoành tráng", "phải đặt nhiều bàn tiệc"...

ẢNH: THANH NAM

Theo chuyên gia tâm lý Đỗ Thảo Hạnh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chuyện nhiều cặp đôi trì hoãn đám cưới vì áp lực tài chính đè nặng là có thật.

"Tôi nghĩ rằng cả người trẻ lẫn phụ huynh thời hiện đại cần thay đổi những quan niệm "phải làm đám cưới sao cho rình rang, hoành tráng". Đừng cố tổ chức những lễ cưới xa hoa, tốn kém bằng tiền vay mượn chỉ để "không ngại, không bẽ mặt với dòng họ, bạn bè". Thay vào đó, có thể tổ chức một đám cưới đơn giản nhưng ý nghĩa. Vì điều sau cùng hướng đến của đám cưới là mong muốn có được một cuộc sống hôn nhân bền vững, hạnh phúc. Chứ không phải đã từng có một đám cưới hoành tráng với chi phí tổ chức lên đến vài trăm triệu đồng", chị Hạnh nói.

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, đám cưới là của cô dâu và chú rể, nên họ có toàn quyền quyết định về quy mô tổ chức.

"Hiện nay, có không ít cặp đôi tổ chức đám cưới theo phong cách tối giản. Họ tự chụp ảnh bằng điện thoại hoặc nhờ bạn bè chụp giúp. Họ tự tay thiết kế không gian cưới. Rồi tổ chức ở những không gian nhỏ, ấm cúng. Họ cũng thu nhỏ quy mô, chỉ mời khách là bà con họ hàng, những người thật sự thân thiết. Nhờ vậy, đã giảm đi được những chi phí đắt đỏ", chị Hạnh cho hay.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao