Tăng tốc đường sắt: Quản lý các siêu dự án như thế nào?

Hoàn thành được trọng trách phát triển đường sắt đô thị hai thành phố vào năm 2035 theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, đồng nghĩa trong 10 năm tới, mỗi thành phố phải giải ngân khoảng 30 - 40 tỉ USD. Tính ra, trung bình mức giải ngân mỗi năm khoảng 3 - 4 tỉ USD, tức trên dưới 100.000 tỉ đồng. Đây phải gọi là con số khổng lồ bởi hiện nay, mỗi năm, Ban quản lý dự án của hai thành phố chỉ giải ngân khoảng 3.000 - 5.000 tỉ đồng, bằng khoảng 5% con số dự kiến trong những năm tiếp theo.

Tăng tốc đường sắt: Quản lý các siêu dự án như thế nào?- Ảnh 1.

Đường sắt đô thị là các siêu dự án mở ra kỷ nguyên mới cho 2 thành phố lớn nhất Việt Nam

ẢNH: MINH HÒA

Thông thường ở các quốc gia khác, mỗi tuyến metro cần thời gian khoảng 5 năm để thi công, chưa kể thời gian chuẩn bị. Mặc dù thủ tục chuẩn bị đầu tư đã được rút gọn và ủy quyền cho hai thành phố theo điều 5 của Nghị quyết 188, nhưng công tác chuẩn bị như lập dự án, thiết kế, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, lựa chọn các tư vấn, nhà thầu thi công cũng sẽ mất khoảng 1 - 2 năm.

Bên cạnh đó, trên thực tế, không phải tất cả các tuyến metro đều có thể khởi công cùng lúc, mà còn phụ thuộc vào việc sắp xếp nguồn vốn cho từng dự án. Do đó, để hoàn thành công tác thi công cơ bản các tuyến metro của hai thành phố trước năm 2035 theo kết luận 49 đòi hỏi một sự thay đổi mang tính cách mạng về công tác triển khai và quản lý dự án.

Rủi ro trong quản lý thi công

Việc thi công công trình trong khu vực nội đô đông dân cư vốn đã phức tạp, lại phải thi công trong lòng đất, càng phức tạp hơn. Theo Nghị quyết 188, việc triển khai các dự án đường sắt có thể kết hợp chỉnh trang hay phát triển đô thị, tức đồng thời xây dựng các cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại xung quanh để kết nối các nhà ga nên quy mô, tính chất, cách thức tổ chức triển khai xây dựng lại càng thách thức hơn nữa.

Nếu trong 10 năm tới, tất cả các dự án đường sắt đô thị cùng triển khai thì cả khu vực nội đô của hai thành phố sẽ thành hai "đại công trường", ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh hoạt, đi lại của người dân. Đơn cử, chỉ một sự cố do khảo sát không kỹ các giếng ngầm còn sót lại của tuyến metro số 3 ở Hà Nội gần đây đã gây mà ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, sinh hoạt của phố Giang Văn Minh trong nhiều ngày.

Nói vậy để thấy, công tác khảo sát, thiết kế, biện pháp tổ chức thi công các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới phải được thực hiện hết sức khoa học, cẩn trọng. Bất cứ sự cố nhỏ nào cũng có thể gây ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến chất lượng, tiến độ, an toàn của dự án mà còn với cuộc sống của người dân hai thành phố.

Tăng tốc đường sắt: Quản lý các siêu dự án như thế nào?- Ảnh 2.

Nhà thầu SMC4 ( Sumitomo Mitsui - Cienco 4) thi công nhà ga trung tâm Bến Thành của tuyến metro số 1 TP.HCM

ẢNH: MAUR

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đầy đủ về công tác giải phóng mặt bằng cho các tuyến metro đi ngầm. Đối với tuyến metro số 1 ở TP.HCM, để xây dựng đoạn đi ngầm, UBND TP có chủ trương giải phóng, đền bù tất cả nhà dân phía trên đỉnh hầm. Trong khi đó, ở tuyến metro số 3 ở Hà Nội, phương án này không được áp dụng thực hiện, TP.Hà Nội cho phép nhà dân tồn tại. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi triển khai, dự án đã phải dừng nhiều năm chỉ để thành phố đi thương lượng với từng nhà dân, đưa ra các giải pháp cho từng ngôi nhà.

Thực tế, tình trạng này cũng đã xảy ra ở nhiều quốc gia khác do mỗi nơi có cách thức quản lý đất đai khác nhau, dẫn tới mỗi nơi có cách giải quyết khác nhau, mỗi nơi có cách thương lượng với người dân khác nhau. Đây là vấn đề rất riêng trong thi công các dự án đường sắt đô thị, cũng là vấn đề khó khăn nhất, không phải ở Việt Nam mà ở tất cả các thành phố khác trên thế giới. Nếu không làm tốt việc này, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, khả năng gây ra khiếu nại, khiếu kiện là rất lớn.

Quản lý hợp đồng hướng đến tính chuyên nghiệp

Các hợp đồng triển khai thi công thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM đều là các hợp đồng áp dụng mẫu của hợp đồng FIDIC (Hiệp hội tư vấn kỹ sư quốc tế). Nếu áp dụng trong điều kiện Việt Nam còn khó hơn vì vừa phải đảm bảo hợp đồng FIDIC, vừa phải đảm bảo quy định pháp luật của trong nước. Nếu chỉ làm theo hợp đồng thôi thì có nhiều chuyện có thể giải quyết rất nhanh nhưng sẽ chưa đúng, thậm chí sai với quy định pháp luật.

Với các quốc gia trong khu vực, hợp đồng các dự án đường sắt được quản lý theo cách riêng, với một mẫu hợp đồng riêng biệt do chính chủ đầu tư xây dựng theo cách nhằm đảm bảo lựa chọn được nhà thầu tốt nhất, giảm sự can thiệp tối đa của chủ đầu tư, hạn chế tối đa các rủi ro, tranh chấp và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho chủ đầu tư, cho nhà nước. Chủ đầu tư cũng được giao quyền tối đa để giải quyết các vướng mắc trong quá trình quản lý hợp đồng.

Để hỗ trợ chủ đầu tư, ở một số quốc gia, chủ đầu tư có thể thuê một đơn vị Tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp, vừa để thay mặt chủ đầu tư điều hành dự án, vừa để điều phối công việc, giao diện giữa các nhà thầu, thậm chí giữa các dự án khi có nhiều tuyến metro được thi công đồng thời.

Công tác quản lý chất lượng được giao hoàn toàn cho các nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát bởi thực tế, chủ đầu tư dự án thường không đủ nhân sự, thời gian và có thể cả kiến thức chuyên môn để quản lý việc này. Các điều khoản chung của Hợp đồng EPC đã quy định rõ trách nhiệm về chất lượng công trình cho các nhà thầu. Các tập đoàn xây dựng, các nhà cung cấp thiết bị lớn trên thế giới họ luôn ý thức được việc này vì bất cứ sự cố nào về mặt chất lượng xảy ra với dự án sẽ ảnh hưởng đến uy tín và cơ hội của họ ở các dự án tiếp theo.

Tăng tốc đường sắt: Quản lý các siêu dự án như thế nào?- Ảnh 3.

Nhà ga Trung tâm Hồng Kông được quản lý bởi MTRC (Mass Transit Railway Corporation), một trong những tập đoàn vận hành đường sắt và phát triển TOD hàng đầu thế giới

ẢNH: NQH

Nghị quyết 188 cho phép các thành phố quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu. Như vậy, công tác chuẩn bị và quản lý hợp đồng lại phải càng chặt chẽ, khách quan. Mặt khác, chúng ta đang hướng đến việc tăng cường chuyển giao công nghệ, nâng cao dần tỷ lệ nội địa hóa, nghĩa là hồ sơ đề xuất, hợp đồng, đàm phán hợp đồng, tiêu chuẩn kỹ thuật phải làm sao tạo thuận lợi nhất cho hàng hóa trong nước, để các doanh nghiệp trong nước tham gia nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, an toàn của dự án.

Để làm được việc này, chính quyền hai thành phố phải xây dựng được một đội ngũ chuyên gia, cố vấn thực sự giỏi về mặt quản lý hợp đồng ngay từ bây giờ, cần thiết thì thuê đơn vị Tư vấn quản lý dự án để hỗ trợ.

Nếu chúng ta chuẩn bị kỹ về mặt hợp đồng, quản lý chuyên nghiệp, sòng phẳng thì các nhà thầu lớn về đường sắt trên thế giới sẽ quan tâm nhiều hơn, tạo cơ hội lựa chọn được những nhà thầu chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn. Đồng thời, các tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại như các dự án đường sắt đô thị gần đây sẽ ít hơn, hoặc nếu có, thì cách thức giải quyết các tranh chấp cũng sẽ dễ dàng hơn.

(Còn nữa)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao