Cú sốc thuế quan của Mỹ và Tam giác Thái Bình Dương của Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất từ chính sách áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong phát biểu ngày 2.4 (3 giờ sáng ngày 3.4, theo giờ Việt Nam).

Đối với Mỹ, Việt Nam là nước xuất siêu lớn thứ ba. Hơn nữa, dưới mắt của Mỹ, Việt Nam là nước trung chuyển hàng công nghiệp xuất từ Trung Quốc vì hàng công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng nhập khẩu hàng sơ chế, linh kiện và nhiều sản phẩm trung gian khác từ Trung Quốc rất cao. Ngoài ra, từ khi Mỹ có chính sách áp thuế và kiềm chế Trung Quốc (từ 2018), đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng nhiều.

Cú sốc thuế quan của Mỹ và Tam giác Thái Bình Dương của Việt Nam- Ảnh 1.

Chính sách áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng đến Việt Nam

ẢNH: LQP

Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 46% trên hàng nhập từ Việt Nam, không khí bất an bao trùm, giá cổ phiếu (VN-Index) giảm 8% vào cuối ngày 4.4 so với 2 ngày trước đó. Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donald Trump vào tối 4.4 là bước đi chiến lược khôn khéo, kịp thời, trong đó mở ra khả năng thương lượng với Mỹ để tránh ảnh hưởng lớn từ sự kiện này.

Tuy nhiên, dù tránh được ảnh hưởng nhất thời, Việt Nam nên nhân cơ hội này thay đổi ngay chiến lược công nghiệp hóa gia công, lắp ráp mà kết quả là năng suất lao động thấp và cơ cấu ngoại thương bất ổn.

Từ nhiều năm nay tôi dùng khái niệm Tam giác mậu dịch Thái Bình Dương để hình dung tính chất của cơ cấu ngoại thương Việt Nam và đề xuất các chính sách để thay đổi tính chất này. Trong thời gian qua, công nghiệp hóa càng tiến hành và xuất khẩu hàng công nghiệp càng tăng nhanh, Việt Nam càng phụ thuộc nhập khẩu linh kiện, hàng sơ chế và các sản phẩm trung gian khác từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sau khi lắp ráp, gia công các sản phẩm trung gian nhập khẩu, Việt Nam xuất khẩu thành phẩm cuối cùng, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn. Mỹ chiếm độ 30% tổng xuất khẩu của Việt Nam, nếu chỉ tính hàng tiêu dùng thì Mỹ chiếm khoảng 40%. Đặc biệt xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ rất lớn (năm 2023 là 83 tỉ USD) nhưng nhập siêu với Trung Quốc (50 tỉ) và Hàn Quốc (30 tỉ) cũng lớn, tổng nhập siêu từ 2 nước này xấp xỉ xuất siêu với Mỹ.

Tôi gọi cơ cấu mậu dịch nói trên là Tam giác mậu dịch Thái Bình Dương trong đó Việt Nam là một góc, góc thứ hai là Trung Quốc và Hàn Quốc, và góc bên kia Thái Bình Dương là Mỹ. Tôi đã viết về vấn đề này trên các báo ở Việt Nam trong mấy năm qua (gần đây nhất là trên số báo Xuân 2025 của Thanh Niên).

Cơ cấu này cho thấy tính chất của công nghiệp hóa hiện nay và đây là cơ cấu không ổn định. Tính không ổn định nhìn từ Mỹ thì đã rõ. Công nghiệp hóa tùy thuộc nhiều vào nhập khẩu từ hai nước cũng không ổn định khi có thay đổi trong nội bộ nước xuất khẩu. Nhưng yếu tố sâu xa và quan trọng hơn là tính chất lắp ráp, gia công của công nghiệp hóa.

Cú sốc thuế quan của Mỹ và Tam giác Thái Bình Dương của Việt Nam- Ảnh 2.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn

ẢNH: LQP

Thay đổi ngay chiến lược công nghiệp hóa

Nguyên nhân của tình trạng kể trên là Việt Nam thiếu chính sách công nghiệp (industrial policy) đi kèm theo chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Việt Nam chỉ quan tâm cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI nên FDI vào một cách tự phát. Lẽ ra phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (supporting industries) để doanh nghiệp trong nước liên kết với FDI tạo thành cơ cấu công nghiệp vững chắc đi vào chiều sâu và công nghệ dễ chuyển giao từ FDI sang doanh nghiệp trong nước.

Nhưng rất tiếc là cho đến nay chúng ta không có những chính sách như vậy. Doanh nghiệp nhà nước dễ tiếp cận với vốn, với đất để đầu tư nhưng không quan tâm các ngành công nghiệp hỗ trợ. Các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn tư nhân cũng vậy. Hai loại hình doanh nghiệp này chủ yếu quan tâm bất động sản, dịch vụ hoặc công nghiệp nặng. Trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó tiếp cận vốn và đất để đầu tư, và luôn trực diện với những thủ tục hành chính nhiêu khê.

Từ hơn 20 năm trước tôi đã thấy vấn đề và đã viết trên báo cũng như đã kiến nghị trực tiếp với thủ tướng. Trong cuốn sách Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2005), tôi đã dành 1 chương phân tích vai trò của công nghiệp hỗ trợ, xem đây là mũi đột phá chiến lược mà nhà nước cần quan tâm để thúc đẩy công nghiệp hóa theo chiều sâu.

Trong 8 - 9 năm gần đây tôi cũng tiếp tục kiến nghị với chính phủ về vấn đề này. Đặc biệt từ khi có làn sóng FDI mới di chuyển từ Trung Quốc sau khi chiến tranh kinh tế Mỹ Trung bắt đầu, tôi có kiến nghị cần tránh tình trạng dòng thác FDI vào Việt Nam một cách tự phát mà phải tích cực định hướng, chỉ chọn lựa những dự án giúp làm thâm sâu và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao.

Tiếc là cho đến nay bộ máy nhà nước không chuyển động tích cực. Với tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo hiện nay, trong đó vai trò của doanh nghiệp tư nhân được chú trọng, hy vọng tình hình sẽ thay đổi trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam nên từng bước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung vào Mỹ.

Nên hướng phần lớn xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do như Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP), Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khung hợp tác vì thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương (IPEF), và Hiệp định thương mại tự do EU - Vietnam.

Cú sốc thuế quan của Trump có thể trở thành cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao