Cuộc "di cư" cuối đời
Đứng bên bậu cửa sổ, bà Vũ Thị Hằng, 83 tuổi, trú ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng (phường Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhìn đường phố tấp nập, nói có chút bồi hồi, tiếc nuối khi sắp phải rời xa căn nhà mà bà đã sống gần như cả cuộc đời.

Bà Hằng ủng hộ chủ trương của thành phố, mong chờ cuộc sống mới ở khu tái định cư
ẢNH: MINH NHÂN
Từ ngày về làm dâu phố cổ, bà nhận ra cuộc sống của gia đình mình và hơn 20 hộ dân trong ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng này vốn không hào nhoáng như cái tên khu "đất kim cương".
Ngõ rộng chưa đến một mét, các hộ dân phải dùng chung nhà vệ sinh 3 gian và máy bơm nước. Vì không gian chật hẹp, nhiều gia đình kê đồ đạc bên ngoài, che chắn cẩn thận bằng bạt.

Lối vào ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng, nơi sinh sống của 20 hộ dân trong diện di dời
ẢNH: MINH NHÂN
Thời trẻ, bà Hằng kết hôn với một thầy giáo cấp 3, chuyển từ quê nhà Bát Tràng (H.Gia Lâm) về phố cổ sinh sống. Gian nhà của vợ chồng bà rộng 27 m2, nằm trên tầng 2, lợp mái ngói. Cầu thang gỗ chật hẹp dẫn lên căn nhà từng sập 1 lần, thiếu ánh sáng tự nhiên. Ngày trước, bà phải xếp hàng đợi đến lượt đi vệ sinh, xách từng xô nước lên nhà sử dụng.
Dù cuộc sống khá bất tiện, nàng dâu phố cổ vẫn cảm nhận "được nhiều hơn mất": được sống giữa trung tâm thủ đô, gần các bệnh viện trung ương, đi lại thuận tiện, các con được học trường điểm.

Không gian sống chật hẹp của 4 thành viên nhà bà Oanh
ẢNH: MINH NHÂN
Năm 2001, gian nhà xuống cấp nghiêm trọng, vợ chồng bà Hằng làm đơn xin tu sửa, lợp mái bằng, lát sàn gỗ, cơi nới tầng 2. Nghe tin hộ dân tầng 1 chuẩn bị chuyển đi, muốn bán lại gian nhà 13 m2, bà bàn tính với chồng mua lại, cải tạo thành bếp và nhà vệ sinh, từ đó sống theo mô hình khép kín.
Khi các con trưởng thành và chuyển ra ngoài sinh sống, bà Hằng nghĩ rằng cả cuộc đời sẽ gắn bó mãi với mảnh đất này, cho đến tháng 3 vừa rồi, bà nghe tin về chủ trương cải tạo phía đông hồ Gươm, di dời 40 hộ dân trên diện tích 2,1 ha, trong đó có những gia đình sống trong ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng.
Với các hộ dân nằm trong phạm vi triển khai dự án phải di dời, Hà Nội áp dụng chính sách đền bù cao nhất, bố trí tái định cư bằng đất tại huyện Đông Anh đối với trường hợp đủ điều kiện được bồi thường bằng đất ở.

Cầu thang gỗ chật hẹp, xuống cấp dẫn lên nhà bà Hằng
ẢNH: MINH NHÂN
Thành phố sẽ bố trí nhà tạm cư cho các hộ dân (trong thời gian chờ giao đất tái định cư) và bán nhà tái định cư cho trường hợp không đủ điều kiện được tái định cư bằng đất.
"Tôi đã sống hơn 60 năm ở đây, cuối đời lại có một cuộc "di cư" đến vùng đất mới. Tôi rất mong chờ điều này, mong muốn thay đổi môi trường sống", bà Hằng nói.
Xếp hàng đi vệ sinh "như thời bao cấp"
Trong con ngõ chật chội, do không có chi phí cải tạo, nhiều hộ dân vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh chung, như trường hợp bà Thanh (70 tuổi).

Bà Thanh sống trong căn nhà 60 m2, bán trà đá đầu ngõ
ẢNH: MINH NHÂN
Là đời thứ 5 sống trong căn nhà rộng 60 m2, bà nói đã quen với nếp sống phố cổ. Theo thời gian, đồ đạc ngày chất đống, trong khi căn nhà xuống cấp, trở nên ẩm thấp và thường xuyên mưa dột. Cơn bão số 3 (bão Yagi) hồi tháng 9 năm ngoái đã cuốn bay mái nhà, khiến bà phải che chắn khu bếp tạm bợ bằng bạt để tránh mưa nắng.
"Tôi định sửa lại mái nhà, nhưng hoãn lại khi nghe tin sắp phải di dời. Tôi ủng hộ chủ trương của thành phố, mong được bồi thường xứng đáng và đảm bảo cuộc sống", bà Thanh nói.

Cơn bão số 3 năm ngoái đã cuốn bay mái nhà bà Thanh
ẢNH: MINH NHÂN
Nhiều năm qua, người phụ nữ bán trà đá đầu ngõ, thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Bà mong khi chuyển sang huyện Đông Anh, sẽ được chính quyền hỗ trợ tạo việc làm phù hợp.
Cạnh nhà bà Thanh, gia đình bà Lê Oanh (56 tuổi) phải lắp cầu thang nhôm dễ dàng tháo lắp, để di chuyển lên gác lửng. Căn hộ chật chội, tối tăm là nơi sinh sống của 4 thành viên, không chỉ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống mà còn khó khăn sắp xếp đồ đạc. Gia đình bà còn lắp đặt hệ thống camera xung quanh nhà và dưới con ngõ, thường xuyên mở lên theo dõi, đề phòng trộm cắp.
Bà Oanh về đây làm dâu từ năm 1989, đã quen với cuộc sống phố cổ gần 40 năm, song ủng hộ chủ trương của thành phố.

Không gian sống chật hẹp của 4 thành viên gia đình bà Oanh
ẢNH: MINH NHÂN
"Tôi hiểu rằng phố cổ không thể mãi gánh chịu mật độ dân cư đông đúc, khi những con ngõ chật hẹp, nhà cửa xuống cấp và hạ tầng ngày càng quá tải", người phụ nữ cho hay.
Bà Thanh Nga (53 tuổi) sinh ra và lớn lên trong gian nhà khoảng 20 m2 "không thấy mặt trời". Trải qua hàng chục năm, căn nhà được cơi nới thêm tầng 2, nay là nơi sinh sống của 10 thành viên.
"Gia đình tôi đã trải qua nhiều thế hệ, nhiều kỷ niệm tuổi thơ đều gắn bó với nơi này", bà nói.
Theo bà Nga, người dân tại đây đã quen nếp sống chật chội đặc trưng của phố cổ, những căn nhà san sát, cơ sở hạ tầng xuống cấp, cầu thang có thể sập bất cứ lúc nào, cảnh xếp hàng đi vệ sinh "như thời bao cấp". Họ cứ thế sống qua nhiều thế hệ, nên có chút bồi hồi và chấp nhận đánh đổi để chuyển đến nơi ở mới theo chủ trương của thành phố.

Khu vệ sinh chung 3 gian của các hộ dân trong ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng
ẢNH: MINH NHÂN
Không chỉ quan tâm điều kiện sinh sống tại nơi ở mới, nhiều hộ dân lo lắng mất kế sinh nhai. Nhiều năm qua, họ kiếm tiền từ chính mảnh đất này như bán trà đá, hàng rong, đồ lưu niệm nhờ vị trí đắc địa, lượng khách du lịch xung quanh hồ Gươm đông đúc. Nhiều người nói "bán trà đá có thể nuôi sống cả gia đình".
Những ngày đầu sống ở phố cổ, bà Lê Oanh đã buôn bán từ đồ chơi, hàng ăn uống đến cho thuê xe hoa phục vụ khách du lịch. Sắp tới, khi rời đi, bà trăn trở không còn khách hàng, công việc kinh doanh cũng khó duy trì.
"Khu vực này đã quá chật hẹp, việc rời đi chỉ là sớm muộn, nên những hộ dân trong diện di dời như chúng tôi đều ủng hộ. Nhưng gánh nặng mưu sinh lại là nỗi lo mới khi chúng tôi không thể tiếp tục bán hàng", bà Oanh lo lắng.
Cũng giống các hộ dân khác, bà Thanh Nga mong rằng chính quyền sẽ có phương án đền bù và chính sách hỗ trợ việc làm khi bà con đến khu tái định cư.
"Chuyển đến nơi khác, chắc chắn phải mất vài năm để thích nghi, dù muốn hay không cũng phải cố gắng vì tương lai con cháu sau này. Tôi xem đây là bước ngoặt trong cuộc sống, hy vọng sự thay đổi này sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị", người phụ nữ nói.