Doanh nghiệp bớt lo, chờ đàm phán

Kỳ vọng thuế nhập khẩu vào Mỹ ở mức thấp

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết năm 2024 công ty xuất khẩu (XK) rau quả vào thị trường Mỹ đạt 62 triệu USD, chiếm đến 60% tổng kim ngạch XK của công ty. Riêng số lượng hàng hóa xuất sang Mỹ trong tháng 2 - 3 vẫn đang trên biển với hơn 40 container khiến ông đứng ngồi không yên. Mới đây, thông báo từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) về các trường hợp miễn trừ thuế đối ứng cho những sản phẩm đã được xếp lên tàu tại cảng xếp hàng và đang trong quá trình vận chuyển nhập cảnh vào Mỹ trước 12 giờ 1 phút sáng (giờ EDT - giờ miền Đông) ngày 5.4 khiến ông Tùng quẳng được gánh lo trước mắt. 

"Những trao đổi, đàm phán của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước với phía Mỹ có thể sẽ mang lại kết quả tích cực trong vài ngày tới. Ngành rau quả VN đang nhập siêu từ Mỹ, chúng ta nhập khẩu 540 triệu USD nhưng chỉ bán vào nước này 360 triệu USD. Vì vậy, tôi hy vọng mức thuế đối ứng sẽ không quá cao so với thuế nhập khẩu vào Mỹ hiện tại là từ 0 - 5%", ông Tùng nói.

Doanh nghiệp bớt lo, chờ đàm phán - Ảnh 1.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản để xuất khẩu

ẢNH: Đào Ngọc Thạch

Giám đốc một doanh nghiệp (DN) thủy sản cũng bày tỏ lạc quan mức thuế đối ứng áp cho ngành này sẽ thấp hơn nhiều so với mức đã công bố. Bởi các mặt hàng thủy hải sản của VN hầu như sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu minh bạch, không có chuyện gian lận xuất xứ. Đây là thực tế sẽ được phía Mỹ đánh giá cao khi xem xét đưa ra thuế đối ứng cho từng nhóm sản phẩm. Công ty ông đang XK cá rô phi vào thị trường Mỹ với thuế suất bằng 0%, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch XK hằng năm. "Hiện sản phẩm cá rô phi của VN vẫn cạnh tranh chính với sản phẩm từ Trung Quốc vì các đối thủ từ Mexico, Indonesia sản lượng không cao. Nếu thuế đối ứng sản phẩm thủy sản của VN vào Mỹ không quá cao thì vẫn có thể cạnh tranh được", vị này nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty CP quốc tế Dony, cho hay đến nay các đơn hàng cũ xuất đi Mỹ đã làm gần xong nhưng đang tạm ngưng để chờ đợi tình hình. Công ty đang tập trung cho những đơn hàng đi Trung Đông, châu Âu - những thị trường mới khai thác được sau dịch Covid-19. "Chúng tôi cũng có kế hoạch nếu bị đánh thuế hàng sang Mỹ, có thể chia sẻ phần nào khoản thuế nhập khẩu với DN để cả hai bên cùng tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, mức chia sẻ cũng nằm trong giới hạn cho phép. Trong thực tế, đơn hàng đi Mỹ vừa lấy có mức lãi rất thấp, thậm chí 1 chiếc áo lãi 1.000 - 2.000 đồng, chúng tôi cũng chấp nhận", ông Nguyễn Quang Anh chia sẻ thêm.

Thoát khỏi chiếc áo gia công

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định bối cảnh hiện nay cũng là một cơ hội để VN tái cấu trúc nền kinh tế. "Cần nói rõ VN XK sang Mỹ hơn 100 tỉ USD hàng hóa mỗi năm, và chỉ nhập khẩu khoảng hơn 10 tỉ USD, là hệ quả tất yếu của mô hình phát triển dựa vào sản xuất công nghiệp định hướng XK. Nhưng phần lớn hàng hóa ấy do các DN FDI - trong đó có không ít DN Mỹ - sản xuất tại VN rồi tái xuất sang Mỹ", TS Dũng lưu ý. Cụ thể, một chiếc điện thoại thông minh gắn mác "Made in Vietnam" xuất sang thị trường Mỹ có thể trị giá 500 USD, nhưng VN chỉ giữ lại được

15 - 20 USD giá trị gia tăng. Số còn lại quay về các trung tâm thiết kế, phát triển, thương hiệu và phân phối - phần lớn đặt tại Mỹ. Như vậy, cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu cho VN, nhưng cán cân giá trị lại nghiêng về phía Mỹ. Ở góc độ người tiêu dùng Mỹ, từ đôi giày Nike sản xuất tại VN đến chiếc ghế gỗ trong phòng khách, hay chiếc laptop giá rẻ - tất cả đều giúp người dân Mỹ sống thoải mái hơn với đồng lương của mình. Tiếp theo là các tập đoàn công nghệ và thời trang Mỹ. Họ chuyển dịch nhà máy sang VN vì đó là quyết định chiến lược, giúp giảm chi phí, ổn định chuỗi cung ứng… "Nói cách khác, nếu gọi mối quan hệ này là một trò chơi, thì đây là trò chơi mà cả hai bên cùng thắng, và có thể Mỹ thắng nhiều hơn", TS Dũng nhấn mạnh.

Trước thách thức từ mức thuế quan mới, ông cho rằng VN cần chủ động triển khai một loạt giải pháp thiết thực. Đó là đa dạng hóa thị trường, VN cần khẩn trương tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông - những nơi có sức mua lớn và đang thiếu hụt nguồn cung thay thế Trung Quốc - là đích đến chiến lược. Đồng thời phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuyển từ gia công sang kiến tạo, thoát khỏi chiếc áo gia công, nâng tầm lên chuỗi giá trị cao hơn. Muốn vậy, cần tăng đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), tự động hóa sản xuất, và nhất là xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm "Made by Vietnam". Đồng thời, cần thay đổi tư duy từ "sản xuất vì XK" sang "sản xuất vì thị trường" - cả trong nước và quốc tế. Tức là chủ động thiết kế sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế, chứ không đơn thuần dựa vào đơn hàng nước ngoài. VN cũng phải thúc đẩy phát triển thị trường nội địa - là nền tảng đủ lớn để duy trì sản xuất và tiêu dùng trong thời điểm khó khăn.

GS Agustine Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế - tài chính, nhận xét: Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump là bước đi ngoại giao quan trọng, không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang nhiều ý nghĩa chiến lược, thể hiện thiện chí rất lớn từ phía VN trong bối cảnh Mỹ đang muốn tái cân bằng thương mại. VN đi trước một bước với quan điểm sẵn sàng đưa thuế nhập khẩu về 0% có thể tạo tiền đề để Mỹ xem xét lại mức thuế đối ứng, ít nhất là cho một số mặt hàng cụ thể. 

"Nếu thuế dành cho sản phẩm của Mỹ vào VN xuống 0%, hàng hóa nội địa cùng loại có thể chịu áp lực cạnh tranh lớn. Nhưng nếu nhìn hướng tích cực thì đây là cơ hội cho DN nhỏ và vừa đổi mới, nâng cấp chất lượng hoặc mở rộng thị trường. Thuế giảm khiến ngân sách nhà nước thất thu, tuy nhiên thuế giá trị gia tăng có thể tăng do lượng tiêu dùng tăng; hoặc thuế thu nhập của các DN thương mại tăng do cơ hội bán hàng nhiều hơn. Qua đó, thúc đẩy XK ngược sang Mỹ, thu từ dịch vụ logistics… tăng", GS Hà Tôn Vinh phân tích và lưu ý để tiến tới cân bằng thương mại một cách bền vững và có lợi cho VN, chỉ nhập hàng Mỹ thôi là chưa đủ. Chiến lược mang tính bền vững nhất là cần những dự án lớn có giá trị thương mại cao, mở cửa cho DN Mỹ tham gia các dự án lớn; quy hoạch một vài khu công nghiệp có cơ chế ưu tiên nhà đầu tư Mỹ gắn với những thế mạnh họ có và chúng ta đang cần như bán dẫn, công nghệ cao, chip, AI…

Tôi nghĩ rằng không đến nỗi quá bi quan. Với những nỗ lực trao đổi, đàm phán của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với chính quyền Tổng thống Donald Trump thì khả năng thuế đối ứng cho hàng hóa VN vào Mỹ sẽ giảm hơn mức 46% đã công bố. Tuy nhiên đây cũng là lúc VN chủ động hơn nữa để triển khai một loạt giải pháp thiết thực, không chỉ nhằm giảm thiểu thiệt hại trước mắt, mà còn tận dụng cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững và tự chủ hơn.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Theo Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP), các mặt hàng, sản phẩm của bất kỳ quốc gia nào mà đã được xếp lên tàu tại cảng xếp hàng và đang trong quá trình vận chuyển bằng phương thức vận tải cuối cùng trước khi nhập cảnh vào Mỹ trước 12 giờ 1 phút sáng (giờ EDT) ngày 5.4; và được làm thủ tục nhập khẩu để tiêu thụ, hoặc rút khỏi kho để tiêu thụ, vào hoặc sau 12 giờ 1 phút sáng (giờ EDT) ngày 5.4 sẽ được miễn trừ thuế bổ sung 10% (chính thức áp dụng từ ngày 5.4). Tuy nhiên, CBP chỉ cho phép khai báo mã mục 9903.01.28 đối với hàng hóa được nhập khẩu để tiêu thụ, hoặc rút khỏi kho để tiêu thụ, trong khoảng thời gian từ sau 12 giờ 1 phút sáng (giờ EDT) ngày 5.4 đến trước 12 giờ 1 phút sáng (giờ EDT) ngày 27.5.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao