Các nhà khoa học đã thu được ADN từ 2 cá thể con người nhiều khả năng đã sống cách đây 7.000 năm tại khu vực ngày nay là Libya. Hai người này được cho là thuộc một dòng dõi bí ẩn chưa từng được biết đến, sống tách biệt với những cư dân vùng cận Sahara và lục địa Á - Âu trong hàng ngàn năm, Reuters đưa tin.
ADN từ hài cốt 2 người phụ nữ được chôn tại hang đá ở vùng mang tên Takarkori, nằm ở phía tây nam Libya. Nhà khảo cổ Johannes Krause, từ Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Đức), đề cập trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 2.4 rằng Takarkori từng là thảo nguyên xanh tươi với hồ nước gần đó, trái với cảnh quan sa mạc ngày nay.

Hài cốt một phụ nữ có niên đại 7.000 được phát hiện tại vùng Takarkori ở Libya
ẢNH: REUTERS
“Điều ấn tượng là người ở vùng Takarkori không cho thấy ảnh hưởng di truyền đáng kể nào từ các quần thể cận Sahara và các nhóm châu Âu thời tiền sử. Điều này cho thấy họ vẫn bị cô lập về mặt di truyền, dù vẫn có hoạt động chăn nuôi gia súc, một sáng kiến văn hóa có nguồn gốc bên ngoài châu Phi”, ông Krause nói.
Không chỉ riêng vùng Takarkori, cách đây khoảng 5.000 - 14.500 năm, Sahara từng là một thảo nguyên xanh tươi, nhiều hồ nước và đa dạng sự sống. Những biến đổi tự nhiên sau hàng ngàn năm đã biến Sahara ngày nay được biết đến như sa mạc khô cằn, hoang vắng trên trái đất, trải dài qua 11 quốc gia Bắc Phi.

Những mỏm đá ở vùng Takarkori, phía tây nam Libya
ẢNH: REUTERS
Tổ tiên của hai cá thể Takarkori nói trên được phát hiện có nguồn gốc từ dòng dõi Bắc Phi tách khỏi quần thể cận Sahara khoảng 50.000 năm trước. Ông Krause nói dòng dõi người Takarkori có thể đại diện cho tàn dư của sự đa dạng di truyền có ở Bắc Phi. Ông nêu thêm quần thể Takarkori đã hoàn toàn biến mất cách đây khoảng 5.000 năm, dù vậy dấu vết tổ tiên dòng dõi này vẫn còn tồn tại trong nhiều nhóm người Bắc Phi ngày nay. "Di sản di truyền của họ mang đến một góc nhìn mới về lịch sử sâu xa của khu vực này", ông Krause nói.