Cảnh báo thị hiếu lệch lạc 'hóng drama': Cần siết chặt kiểm soát nội dung mạng xã hội

Cần nuôi dưỡng "khẩu vị thông tin" lành mạnh

Theo thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): "Người trẻ cần nuôi dưỡng "khẩu vị thông tin" lành mạnh cho bản thân. Càng tiêu thụ nhiều drama, não bộ càng dễ bị kích thích bởi cảm xúc tiêu cực. Thay vì lặp lại vòng xoáy hóng hớt mỗi ngày, người dùng có thể lựa chọn những nội dung tích cực, truyền cảm hứng, giúp ích cho cuộc sống và công việc. Có thể ẩn hoặc bỏ theo dõi các tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung gây tranh cãi, thay vào đó là theo dõi các trang đăng nội dung tích cực. Việc chủ động làm sạch không gian mạng sẽ giúp người dùng giữ được sự an yên và tỉnh táo trong thế giới trực tuyến đầy biến động".

Còn thạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phó trưởng bộ môn Truyền thông (Trường ĐH Văn Hiến), cho rằng thói quen hóng drama khiến giới trẻ dễ bị cuốn vào những câu chuyện gây sốc, gây mất thời gian theo dõi, hoặc tham gia các luồng ý kiến tranh cãi không hồi kết. Từ đó sẽ bỏ qua những thông tin tích cực, những vấn đề xã hội đáng quan tâm, có ảnh hưởng thiết thực đến cuộc sống của bản thân. Dưới góc độ truyền thông, ông Tiến lo ngại tình trạng hóng drama với những thông tin chưa được kiểm chứng sẽ tạo ra một không gian mạng xã hội độc hại.

Cảnh báo thị hiếu lệch lạc 'hóng drama': Cần siết chặt kiểm soát nội dung mạng xã hội- Ảnh 1.

Tham gia các hoạt động thể dục thể thao cũng là cách để giảm bớt theo dõi tin tiêu cực trên mạng xã hội

ẢNH: THANH NAM

"Người trẻ cần xây dựng thói quen chọn lọc thông tin từ những nguồn tin uy tín, báo chí chính thống. Cần có tư duy phản biện, đánh giá, phân tích thông tin một cách khách quan, biết phân biệt giữa thông tin giải trí và thông tin mang tính giáo dục, phản ánh các vấn đề xã hội quan trọng. Người trẻ nên có thời gian sử dụng mạng xã hội phù hợp. Thay vì chỉ theo dõi các scandal, hãy dành thời gian tìm hiểu những vấn đề xã hội, tham gia các hoạt động để phát triển bản thân…", ông Tiến nói.

Nhiều hệ lụy về sức khỏe

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (TP.Hà Nội), cho biết việc hóng drama, những tin tiêu cực sẽ làm tiêu hao sự chú ý, năng lượng và sức khỏe tâm thần mỗi ngày.

Bác sĩ Thu nói: "Việc hóng drama, xem tin tiêu cực thâu đêm suốt sáng sẽ phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên, làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, dẫn đến các hiện tượng đầu óc lơ mơ, kém tập trung vào hôm sau, dễ cáu gắt, lo âu, mất kiên nhẫn và làm suy giảm trí nhớ ngắn hạn, ảnh hưởng khả năng học tập, làm việc… Hệ lụy sau đó có thể là tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu và các vấn đề tâm lý nghiêm trọng, suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn tiêu hóa và đau dạ dày. Đặc biệt là nguy cơ "lệch chuẩn đạo đức" và chai lỳ cảm xúc. Việc thường xuyên tiếp xúc và hóng drama có thể khiến giới trẻ bình thường hóa các hành vi như mỉa mai, chửi bới, lật mặt, đấu tố, dẫn đến làm mất khả năng đồng cảm…".

Cảnh báo thị hiếu lệch lạc 'hóng drama': Cần siết chặt kiểm soát nội dung mạng xã hội- Ảnh 2.

Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo và có chọn lọc khi tiếp cận thông tin

ẢNH: HOÀNG THANH QUYÊN

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Chính trị khu vực 2, đề xuất: "Để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, cần đẩy mạnh các sự kiện giáo dục lành mạnh, cung cấp những thông tin có giá trị và hữu ích. Bên cạnh đó, cần xây dựng các công cụ kiểm soát an ninh mạng, cần quan tâm hơn những tác động tiêu cực về mặt tinh thần, xử lý kịp thời những buổi livestream nhảm nhí và ngăn ngừa thông tin độc hại".

Tiến sĩ Thúy nhấn mạnh cần có sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong việc giáo dục các giá trị đạo đức, hình thành nhân cách và định hướng cho thế hệ trẻ. Nếu không có thể sẽ xuất hiện một thế hệ chỉ biết sống trong sự nhạt nhẽo, thiếu động lực, không còn đủ sức mạnh để đối mặt với những thách thức của cuộc sống hiện đại.

Nên có chế tài mạnh và nghiêm khắc hơn

Theo thạc sĩ, luật sư Trần Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), xu hướng hóng drama hay tham gia các vụ tranh cãi trên mạng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực sâu rộng đối với xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh mạng xã hội trở thành nền tảng quan trọng trong giao tiếp và tương tác.

Luật sư Tuấn cho rằng: "Việc cơ quan chức năng đưa ra những chế tài mạnh mẽ và nghiêm khắc hơn để xử lý những người tạo ra drama, scandal và phát tán tin tiêu cực trên mạng xã hội là nên được xem xét. Nếu các chế tài hiện hành không đủ mạnh hoặc không được thực thi nghiêm túc sẽ dẫn đến những hành vi tiêu cực này ngày càng phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội. Việc xử lý mạnh mẽ và nghiêm khắc không chỉ giúp ngăn chặn việc lan truyền các thông tin gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của người khác mà còn răn đe những người có ý định tạo ra drama hoặc phát tán tin tiêu cực. Cần có sự kết hợp giữa các biện pháp xử lý hành chính, hình sự và sự hợp tác với các nền tảng mạng xã hội để đảm bảo các thông tin xấu được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời bảo vệ quyền lợi và quyền riêng tư của cá nhân…".

Luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú (Trưởng phòng Quản lý đào tạo Viện Nghiên cứu pháp luật phía nam) cũng cho rằng cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi lan truyền thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. "Cần nâng mức phạt lên cao hơn để răn đe. Bên cạnh đó, các nền tảng chủ động siết chặt kiểm soát nội dung, nên có cơ chế lọc nội dung chặt hơn để ngăn chặn tin giả, nội dung tiêu cực. Cơ quan có thẩm quyền nên "để ý" các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, tăng mức phạt, thậm chí rút giấy phép nếu để tình trạng tin tiêu cực tràn lan, đảm bảo các nội dung lành mạnh trên mạng xã hội. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. Và người dùng cần hiểu rõ về hậu quả pháp lý khi phát tán thông tin sai lệch…", luật sư Tú nói.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao