
Theo chuyên gia, thuật toán đề xuất của các nền tảng mạng xã hội luôn hướng đến một mục tiêu là giữ chân người dùng ở lại càng lâu càng tốt
ẢNH: HOÀNG THANH QUYÊN
Thuật toán của các nền tảng mạng xã hội thường ưu tiên điều gì ?
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, nhà sáng lập truyền thông Trăng Đen, thuật toán của các nền tảng mạng xã hội là "người gác cổng vô hình" quyết định ai sẽ thấy gì.
"Đó là một quyền lực khổng lồ. Những nền tảng như TikTok, Instagram, Facebook hay Threads… đều hoạt động dựa trên thuật toán cá nhân hóa: Nội dung nào càng có nhiều tương tác thì càng được đẩy mạnh đến nhiều người hơn. Thuật toán không phân biệt nội dung tốt hay nội dung xấu, chỉ ưu tiên những gì có khả năng giữ chân người dùng", ông Long phân tích.
Ông Long nói thêm, một đoạn video "bóc phốt", một bài viết mỉa mai, hay một màn cãi vã nảy lửa thường có khả năng được đề xuất nhiều hơn các nội dung tích cực, lành mạnh nhưng ít drama. Thuật toán lúc này không còn là công cụ trung gian mà trở thành bệ phóng cho những cuộc tranh cãi. Ngoài ra, các nền tảng còn dựa trên thói quen lướt của từng cá nhân. Nếu một người tương tác nhiều với bài viết về drama, tiêu cực… thì họ sẽ càng được đề xuất thêm những nội dung tương tự.
Cùng quan điểm, ông Hạ Hồng Việt, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông chiến lược Sellator (Hà Nội), cho biết thuật toán đề xuất của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Threads, Facebook… luôn hướng đến một mục tiêu tối thượng, đó là giữ chân người dùng ở lại càng lâu càng tốt.
"Thuật toán mạng xã hội vừa phân tích hành vi người dùng, vừa phân loại nội dung để đề xuất chính xác những gì họ quan tâm. Drama, bê bối hay tin tiêu cực chỉ lan rộng khi có lượng người theo dõi đủ lớn. Thuật toán không chỉ phân loại tốc độ lan truyền mà còn phản ánh mối quan tâm thực sự của đám đông ngày nay", ông Việt nói.
Lo lắng vì những tin tiêu cực
Vấn nạn những tin tiêu cực dường như có xu hướng che lấp những nội dung tích cực khiến nhiều phụ huynh, giáo viên lo lắng.
Bà Triệu Vẽ, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11, TP.HCM), cho biết rất lo ngại khi những drama, scandal, tin tiêu cực lan tràn có thể làm ảnh hưởng đến học sinh nói riêng và các bạn trẻ nói chung.

Một bộ phận người trẻ thích hóng drama
ẢNH: NGUYỄN ĐIỀN
Chị Phạm Thị Yến (33 tuổi), làm việc tại Q.Tân Phú (TP.HCM), bày tỏ: "Con tôi đang tuổi dậy thì, tâm sinh lý rất nhạy cảm, mỗi ngày đi học về là ôm điện thoại, lướt mạng. Mà nội dung bây giờ thì nhiều thứ "đáng sợ". Tôi sợ con mình bị ảnh hưởng, bị lệch lạc trong nhận thức về tình yêu, đạo đức, về cách ứng xử. Tôi thật sự trăn trở khi những nội dung độc hại lại được lan truyền một cách quá dễ dàng".
Nhiều người cũng nêu thắc mắc, hiện tượng hóng drama, scandal, tin tiêu cực trên mạng xã hội có phải là một hành vi mang tính bản năng hay do môi trường mạng xã hội thúc đẩy?
Theo tiến sĩ Hà Thanh Vân, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, hành vi "hóng" drama, scandal và tin tiêu cực trên mạng xã hội là kết quả của cả bản năng tự nhiên lẫn sự tác động từ môi trường số. Trong đó, các nền tảng như Facebook, TikTok, Twitter hoạt động dựa trên sự tương tác. Những nội dung tiêu cực, gây sốc thường nhận nhiều bình luận, chia sẻ, giúp chúng lan truyền rộng rãi.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân cho rằng để các nội dung tích cực, bổ ích và nhân văn có thể thu hút nhiều sự quan tâm hơn trên mạng xã hội, cần kết hợp chiến lược truyền thông thông minh với hiểu biết về tâm lý người dùng.
"Chẳng hạn tạo nội dung hấp dẫn, kích thích cảm xúc. Con người dễ bị thu hút bởi những thứ giàu cảm xúc hơn là thông tin khô khan. Vì vậy, nội dung tích cực cần kể chuyện (storytelling). Một câu chuyện đầy cảm xúc, có cao trào, nhân vật và bài học sẽ dễ lan tỏa hơn. Thay vì chỉ nói về lòng tốt, hãy kể câu chuyện thật về một người tử tế đã thay đổi cuộc sống ai đó. Bên cạnh đó, hãy sử dụng yếu tố hài hước bởi những thông điệp nhân văn nhưng được truyền tải bằng nội dung hài hước sẽ có sức lan tỏa cao hơn", bà Vân nói.
Để nội dung tích cực không bị "chìm nghỉm"…
Cũng theo tiến sĩ Hà Thanh Vân, nên tận dụng thuật toán mạng xã hội một cách thông minh. Muốn nội dung tích cực không bị "chìm nghỉm", phải làm nó hấp dẫn, cảm xúc, dễ chia sẻ và phù hợp với cơ chế lan truyền trên mạng xã hội. Thay vì chỉ trích mạng xã hội vì quá tiêu cực, hãy tận dụng chính những cơ chế viral của nó để lan tỏa những điều tốt đẹp.

Người trẻ nên dành thời gian cho nhiều hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao bổ ích hơn việc quan tâm các câu chuyện tiêu cực
ẢNH: THANH NAM
"Khi thuật toán của Facebook, TikTok, YouTube ưu tiên nội dung có nhiều tương tác, thì cần khuyến khích bình luận, tranh luận. Đặt câu hỏi gợi mở, tạo các chủ đề thảo luận thay vì chỉ đăng tải thông tin đơn thuần. Hoặc có thể tạo thử thách, những thử thách vui vẻ, tích cực như: làm điều tốt, thử thách sáng tạo, tự phát triển bản thân… thường dễ lan truyền. Và hãy chọn khung giờ vàng để đăng bài, như buổi tối (19 - 22 giờ) là thời gian người dùng hoạt động nhiều nhất. Cũng có thể kết hợp đa phương tiện, video ngắn có sức lan tỏa cao hơn văn bản hoặc hình ảnh đơn thuần", bà Vân chia sẻ.
Bà Vân nói thêm: "Và đừng quên tận dụng sức mạnh của những người có tầm ảnh hưởng để giúp nội dung nhân văn tiếp cận nhiều người hơn. Ngoài ra, nên cộng đồng hóa nội dung tích cực. Xây dựng các nhóm, fanpage về nội dung ý nghĩa. Cũng có thể biến nội dung tích cực thành một phần văn hóa giải trí như: sản xuất phim ngắn, tiểu phẩm, podcast có yếu tố tích cực nhưng không giáo điều, kết hợp với âm nhạc, nghệ thuật, thời trang để tạo ra các sản phẩm…".
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, thực tế đã chứng minh rất nhiều nội dung tử tế, nhân văn vẫn viral mạnh mẽ vì chúng được thể hiện đúng cách. "Như 1977Vlog, với lối dựng phim đen trắng, lời thoại cổ phong nhưng đầy chất thời sự và hài hước, đã biến văn học xưa thành món ngon thị giác mà gen Z đón nhận nồng nhiệt", ông Long chia sẻ.
Trên TikTok, nhiều kênh chọn cách quay lại khoảnh khắc các bạn trẻ âm thầm tặng quà, lì xì, hoặc trao hỗ trợ bất ngờ cho người lao động nghèo - những nội dung này vừa xúc động, vừa đời thường, lại dễ lan tỏa vì chạm đến lòng trắc ẩn của cộng đồng, như kênh Fabo Nguyễn, Xế nhông nhông Daily, Nguyễn Việt Anh...
Hoặc các video ngắn ghi lại khoảnh khắc xúc động trong chương trình "Hành trình ước mơ" luôn nhận về hàng triệu lượt xem, chứng minh rằng khi được kể bằng cảm xúc thật và ngôn ngữ gần gũi, điều tử tế vẫn chạm đến trái tim số đông.
"Điều quan trọng là người làm nội dung phải dũng cảm đổi mới hình thức thể hiện mà không đánh mất cốt lõi tử tế, hãy dùng sự hài hước, xu hướng, công nghệ… như phương tiện để chuyên chở thông điệp tích cực một cách nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, người dùng cần chủ động chia sẻ, tương tác, và nâng đỡ những nội dung tích cực. Chúng ta vẫn hay phản ứng rất mạnh với drama, nhưng lại vô tình im lặng trước những điều đẹp đẽ. Nếu muốn không gian mạng thay đổi, chính người dùng phải thay đổi thói quen tiêu thụ và lan truyền nội dung của mình", ông Long chia sẻ.
Thạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phó trưởng bộ môn truyền thông, Trường ĐH Văn Hiến, cho biết những video của các kênh như Sài Gòn Xanh (ý thức, lối sống), An Đen (lối sống, truyền cảm hứng), Khánh Vy (tiếng Anh, MC), Giao Cùn (lịch sử), cô Ngô Thúy Trình (dạy ngữ văn)... xứng đáng được chú ý và ghi nhận hơn nữa vì những đóng góp tích cực cho cộng đồng. (còn tiếp)