Giá thịt heo VN cao hơn nhiều so với khu vực
Trong những tuần gần đây, cơn sốt giá thịt heo đã hạ nhiệt đáng kể so với lúc cao điểm đầu tháng 3 song vẫn còn tương đối cao so với thu nhập của người dân cũng như so với các nước trong khu vực. Theo khảo sát của Thanh Niên, hiện nay giá thịt xay khoảng 120.000 đồng/kg, nạc đùi 125.000 đồng/kg, nạc dăm 160.000 đồng/kg, ba rọi 165.000 đồng/kg… Nhiều người dân ở TP.HCM cho biết giá thịt bán lẻ phổ biến giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với lúc cao điểm và họ bắt đầu quay trở lại với các món ăn yêu thích từ thịt heo. Song, so với nhiều sản phẩm khác thì mặt bằng giá thịt heo vẫn tương đối cao.

Giá thành chăn nuôi cao khiến giá thịt lẻ đắt đỏ
ẢNH: Chí Nhân
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-MT), cho biết: Trong giai đoạn sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, giá heo hơi liên tục tăng và lên mức phổ biến từ 75.000 - 80.000 đồng/kg; thậm chí một số nơi có thời điểm đến 83.000 đồng/kg, mức cao nhất 3 năm qua. So với các nước trong khu vực, mặt bằng giá heo hơi của VN còn tương đối cao. Cụ thể, giá heo hơi trung bình quý 1 tại Trung Quốc là 63.000 đồng/kg, còn Thái Lan chỉ có 56.000 đồng/kg. Nếu so với Campuchia, giá heo hơi của VN cũng cao hơn.
Giá cao trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo xếp thứ 4 thế giới với bình quân đầu người là 37 kg/năm và đang tăng khoảng 3,8% mỗi năm nên thịt heo vẫn luôn nằm trong danh sách các mặt hàng bình ổn giá lúc cao điểm. Về cơ bản, ngành chăn nuôi trong nước vẫn đang phát triển tốt. Đến cuối năm 2024, tổng đàn heo cả nước đạt 31,08 triệu con, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 2.2025, tổng đàn tăng thêm 3,2% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh, bên cạnh đó là các thỏa thuận thương mại giữa VN với các nước nên mỗi năm chúng ta nhập khẩu một lượng thịt tương đối lớn.
Năm 2024, nhập khẩu 292.000 tấn thịt heo các loại với tổng giá trị 460 triệu USD, tăng 13% về lượng so với cùng kỳ năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm 2025, nhập khẩu 25.500 tấn, trị giá gần 50 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2024. Nga đang là đối tác cung cấp thịt heo lớn nhất cho VN với hơn 22% tổng lượng nhập khẩu, tiếp theo là Brazil, Đức, Hà Lan và Ba Lan. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là thịt đông lạnh như vai, thịt mỡ, sườn và phụ phẩm. Chất lượng sản phẩm nhập khẩu ngày càng được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của VN. Có thể thấy heo ngoại nhập đang ngày càng thách thức với thịt heo nội địa.
Cơ hội tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi
Với hơn 100 triệu dân và lượng khách du lịch đông đảo, nhu cầu tiêu thụ thịt heo của VN rất cao, đồng nghĩa với dư địa phát triển của ngành này rất lớn. Tuy nhiên, hiện ngành chăn nuôi heo trong nước cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề về năng suất, giá thành và dịch bệnh.

Các sản phẩm thịt nhập khẩu từ Mỹ được người tiêu dùng VN ưa chuộng
ẢNH: Chí Nhân
Mới đây nhất, ngày 4.4, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 31/CĐ yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Nguyên nhân là trong 3 tháng qua đã phát hiện 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh, thành phố; 84 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố; 7 tỉnh có ổ dịch bệnh lở mồm long móng; 5 tỉnh có ổ dịch viêm da nổi cục. Gần 20.000 con gia cầm và 5.200 con heo bị tiêu hủy. Bên cạnh việc tập trung các giải pháp phòng chống dịch, Công điện cũng yêu cầu các bộ ngành chức năng và lãnh đạo các địa phương phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.
Còn Cục Chăn nuôi và Thú y đánh giá năng suất sinh sản của đàn nái vẫn còn khá thấp so với khu vực và thế giới, chất lượng giống và sản phẩm chăn nuôi không đồng đều. Hiện nay, năng suất chăn nuôi nái của nước ta mới đạt 18 - 20 con xuất chuồng/nái/năm; một số trang trại cải thiện lên từ 21 - 25 con/năm. Trong khi đó, năng suất sinh sản heo của một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan đã đạt tới 24 - 28 con/năm. Ngoài ra, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, đặc biệt là chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất. Dù gần đây giá thức ăn chăn nuôi có giảm nhưng nếu xét từ năm 2021 thì chi phí thức ăn có xu hướng tăng. Việc này đã góp phần khiến lợi nhuận của người chăn nuôi heo giảm mạnh, thậm chí có những nông hộ và trang trại bị thua lỗ, phải bỏ trống chuồng. Bên cạnh đó, xu hướng nhập khẩu thịt từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến là xu hướng tất yếu khi VN tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Chính vì vậy, việc gia tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi là yêu cầu cấp thiết.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, "thủ phủ" chăn nuôi heo vẫn không ngừng học hỏi, tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến của ngành chăn nuôi thế giới để áp dụng vào thực tế sản xuất tại địa phương. "Anh em trong hiệp hội thường góp tiền để nhập khẩu heo giống ở các nước về nhằm nâng cao chất lượng nguồn giống. Đối với một trong những nguồn giống uy tín và chất lượng là Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có triển khai chương trình GSM-102, chương trình cung cấp bảo lãnh tín dụng để khuyến khích xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Mỹ với lãi suất trả chậm chỉ 1%/năm. VN có 6 ngân hàng được tham gia chương trình này. Tuy nhiên, 7 năm trước, khi chúng tôi tiếp cận chương trình thông qua các ngân hàng VN thì được báo lãi suất lên đến 5%/năm. Do lãi suất không hợp lý nên từ đó về sau chúng tôi phải sử dụng tiền mặt để nhập con giống. Nếu được tiếp cận với lãi suất trả chậm 1%/năm như chương trình sẽ góp phần nâng cao năng lực của ngành chăn nuôi VN", ông Công nói.
Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhận xét thêm Mỹ là nguồn cung cấp rất tuyệt vời các mặt hàng đầu vào cho nông nghiệp VN như đậu nành và khô đậu nành, bắp, DDGS (bã rượu khô)… Ngoài ra, Mỹ còn là nơi cung cấp con giống heo chất lượng cao. Tính bình quân một trại nuôi heo giống của VN mỗi năm nhập khẩu 250 con giống heo cụ kỵ (GGP) trị giá đã khoảng 0,5 triệu USD. Việc có chính sách tín dụng tốt và hạ giá thành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ giúp ngành này tăng sức cạnh tranh trong sân chơi hội nhập sâu rộng với thế giới và góp phần cân bằng cán cân thương mại với thị trường Mỹ. Đây cũng là giải pháp "tiện cả đôi đường" trong bối cảnh chúng ta đang tìm giải pháp hạ nhiệt thuế đối ứng của Mỹ hiện nay.