Ngày sức khỏe thế giới 2025: Tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em

Số phụ nữ tử vong khi mang thai và sinh con ở Việt Nam đã giảm gần một nửa

Việc đầu tư vào sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh không chỉ cần thiết cho sức khỏe, mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cứ 1 USD đầu tư vào sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh có thể mang lại lợi nhuận lên tới 20 USD.

Tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em - Ảnh 1.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại VN, trò chuyện cùng bà ngoại đưa cháu đi tiêm chủng định kỳ tại H.Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA WHO

Theo số liệu mới được WHO công bố trong tuần này, số phụ nữ tử vong khi mang thai và sinh con ở Việt Nam (VN) ước tính đã giảm gần một nửa trong những thập niên gần đây, từ 83 phụ nữ tử vong/100.000 trẻ sơ sinh được sinh ra (năm 2000) đã giảm còn 48 ca tử vong/100.000 trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm 2023. Tiến bộ này nhờ vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở, công tác tiêm chủng cho trẻ em và những cải thiện đáng kể về dinh dưỡng, nước sạch và điều kiện vệ sinh. Điều này đạt được do cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, ngành y tế, sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Ngoài sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trong gần 50 năm qua, WHO tại VN đã hỗ trợ nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, điển hình như cung cấp vắc xin, tư vấn về các chiến lược tiêm chủng, cung cấp các thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật về an toàn tiêm chủng cho tiêm chủng mở rộng, đảm bảo cho trẻ em được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin như sởi, bạch hầu, ho gà và viêm não Nhật Bản. VN đã xóa sổ bệnh đậu mùa, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh và được WHO xác nhận là quốc gia không có bệnh bại liệt.

Hơn 80% gánh nặng bệnh tật của Việt Nam là do các bệnh không lây nhiễm

WHO đánh giá vẫn còn tồn tại khoảng cách về sức khỏe trẻ. Sơ sinh và bà mẹ vẫn phải chịu tỷ lệ tử vong cao hơn ở những vùng xa xôi, khó khăn. Hiện hơn 80% gánh nặng bệnh tật của VN là do các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi mãn tính; còn nhiều người mắc bệnh không lây nhiễm chưa nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết để được quản lý bệnh hiệu quả.

Do đó, cần cải thiện dịch vụ chăm sóc tại tuyến y tế cơ sở, tăng cường hơn nữa bảo hiểm y tế, bao gồm cả việc giảm chi phí tự trả của bệnh nhân cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tiếp tục có các can thiệp hiệu quả hơn để giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm như: thói quen hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, dinh dưỡng không hợp lý và hoạt động thể chất không đầy đủ…

Bên cạnh đó, cần tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ phòng ngừa, sàng lọc và điều trị các bệnh như bệnh lao, HIV và viêm gan. Tiếp tục cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, đảm bảo trẻ em được tiêm vắc xin đầy đủ, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ trẻ khỏi tai nạn giao thông và đuối nước; giải quyết các nguy cơ sức khỏe do biến đổi khí hậu, cải thiện các dịch vụ y tế cơ bản, chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại VN, khẳng định WHO tại VN tiếp tục công việc cùng Chính phủ VN trong nỗ lực mang lại sức khỏe tốt hơn cho tất cả mọi người.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao