Nguy cơ động đất ở Việt Nam có đáng lo?

TP.HCM bị ảnh hưởng bởi nhiều trận động đất

Buổi trưa ngày 28.3, khi rung chấn trận động đất 7,7 độ Richter ở Myanmar ảnh hưởng tới TP.HCM, người dân tại chung cư Saigon South Residences (H.Nhà Bè) ghi nhận tại block D có tiếng động mạnh rồi xuất hiện một vết nứt dài.

Đến sáng 30.3 tại chung cư Diamond Riverside (P.16, Q.8) ghi nhận gần 350 căn hộ bị ảnh hưởng vì động đất. Đặc biệt, căn hộ của chị Võ Thị Mộng Tuyền (tầng 27, tòa khu C1) qua kiểm tra sơ bộ bằng mắt thường phát hiện đến 27 vết nứt trên tường, nhiều vị trí nền gạch bong tróc, sàn bị cong vênh. Không chỉ block C mà cả khu A cũng ghi nhận những trường hợp tương tự. Anh Đào Kim Luân, ở tầng 15, khu A cho biết những vết nứt hình thành theo chiều dọc, dài trung bình từ 1 - 2 m.

Nguy cơ động đất việt nam có đáng lo không khi TP . HCM bị ảnh hưởng? - Ảnh 1.

Người dân TP.HCM di tản khỏi các tòa nhà cao tầng vì ảnh hưởng của trận động đất ở Myanmar ngày 28.3.2025

Ảnh: Đình Sơn

Động đất ở Việt Nam: Nguy cơ thật sự hay nỗi lo xa?

Ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Ban quản trị chung cư Diamond Riverside, cho biết: Sau khi tiếp nhận phản ánh của cư dân về các hiện tượng trên, ban quản lý đã khảo sát tình hình cụ thể cũng như phối hợp với cơ quan chức năng ghi nhận sự việc. Theo thống kê tính từ

11 giờ ngày 29.3, có đến 342 căn hộ báo bị nứt tường, 32 vị trí bong gạch, toàn bộ gạch sân thượng bị phồng dột, hành lang các tầng đều bị nứt. Hiện ban quản trị đang tiếp tục thống kê hư hỏng. "Có những căn khe hở vết nứt khá sâu, hở kéo dài 1 - 2 m, có nhà chỉ là những vết nhỏ", ông Bình cho hay. Tuy nhiên, không có căn hộ nào bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu cũng như an toàn khi ở. UBND P.16, Q.8 cũng đã nắm được tình hình ở chung cư Diamond Riverside, đang phối hợp với cơ quan chuyên môn đến khảo sát tình hình cụ thể.

Nguy cơ động đất việt nam có đáng lo không khi TP . HCM bị ảnh hưởng? - Ảnh 2.

Người dân TP.HCM chạy ra khỏi nhà vì động đất năm 2005

Ảnh: Đàm Huy

Ngoài TP.HCM, rung chấn từ động đất còn được ghi nhận ở một số địa phương khác như Hà Nội và TP.Cần Thơ. Tại Hà Nội, rung lắc mạnh xảy ra ở các quận như Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa... khiến nhiều người hoảng hốt tìm chỗ lánh nạn. Một số tòa nhà cao tầng, công sở ở trung tâm TP.Cần Thơ rung lắc, nhiều người phải tháo chạy xuống đất để đảm bảo an toàn.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân TP.HCM bị ảnh hưởng bởi động đất nhưng có lẽ là lần ghi nhận ảnh hưởng đáng kể nhất. Trước trận động đất ngày 28.3, lần gần nhất người dân TP.HCM cảm nhận tác động của động đất là vào trưa 28.7.2024. Chị Nguyễn Khanh ở Q.4 kể lại khi đó chị đang ngồi ở bàn làm việc tại tầng 15, tầng cao nhất của chung cư H1 bỗng cảm thấy chao đảo. Ban đầu chị còn tưởng bị choáng nhưng sau đó mới biết là do ảnh hưởng của trận động đất ở Tây nguyên. Nhiều người khác ở TP.HCM thời điểm đó cũng có cảm nhận tương tự. Cụ thể, trận động đất mạnh 5 độ Richter được xác định xảy ra tại H.Kon Plông (Kon Tum) lúc 11 giờ 35 phút ngày 28.7, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Trước đó, khoảng 11 giờ 17 phút một trận động đất có độ lớn 4,1 độ Richter cũng xảy ra tại khu vực trên.

Lùi lại 20 năm trước, vào năm 2005, người dân TP.HCM đã nhiều lần hốt hoảng vì động đất. Tư liệu cho thấy khoảng 8 giờ 30 ngày 17.10.2005, người dân ở nhiều tòa nhà tại TP.HCM như Giầy Việt Plaza (số 180 - 182 Lý Chính Thắng, Q.3); 13A Kỳ Đồng (Q.3) và Hội sở của Sacombank (278 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) hốt hoảng chạy tán loạn vì rung chấn. Theo Viện Vật lý địa cầu (nay là Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học trái đất), có đến 2 trận động đất vào hôm đó; trận thứ nhất xảy ra lúc 8 giờ mạnh 2,9 độ Richter, còn trận thứ hai xảy ra lúc 8 giờ 28 phút có cường độ tới 4,3 độ Richter. "Động đất này thực chất là dư chấn của trận động đất đã xảy ra đêm 5.8, mạnh 4,5 độ Richter, có tâm chấn ngoài khơi Vũng Tàu", các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu cho biết.

Đến 0 giờ 15 phút, ngày 8.11.2005, người dân ở các quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức… lại ghi nhận tình trạng rung lắc mạnh vì động đất. Viện Vật lý địa cầu xác định cường độ trận động đất này là 5,1 độ Richter. Ngoài TP.HCM, tình trạng động đất và dư chấn rung lắc được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành khu vực phía nam như: Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Cần Thơ... tọa độ trận động đất ở 10 độ vĩ bắc, 108 độ kinh đông, ngoài khơi Biển Đông cách bờ biển Vũng Tàu 100 km. Tâm chấn nằm trong vùng giao nhau của các đới đứt gãy Nam Côn Sơn, Thuận Hải - Minh Hải - Cà Mau và đứt gãy kinh tuyến 110 ngoài khơi Biển Đông.

Nguy cơ động đất của Việt Nam nhỏ và ít

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần (Viện Các khoa học trái đất, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), các dữ liệu về động đất cho thấy tại VN đã nhiều lần xuất hiện động đất, có nguồn xa nguồn gần nhưng về cơ bản đều là những trận nhỏ. So với các nước trong khu vực nói riêng và châu Á nói chung, nguy cơ động đất ở Việt Nam cũng nhỏ và ít hơn. Bởi thông thường, động đất sẽ nằm ở những khu vực ranh giới các mảng lục địa lớn. Khi các mảng xô húc với nhau sẽ gây ra động đất khủng khiếp. Myanmar hay Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia rơi vào trường hợp này. Ngoài ra, còn có động đất xảy ra ở các vành đai núi lửa như tại Nhật Bản, Philippines, Indonesia... 

"Có thể thấy, động đất thường xảy ra ở các vùng có địa hình phức tạp, nơi giáp ranh giữa đồng bằng xen lẫn đồi núi, đa dạng về độ cao. Nên ở Việt Nam, tâm một số trận động đất thường ở khu vực Tây Bắc và Tây nguyên. Việt Nam cũng nằm sâu trong khu vực nội mảng của các ranh giới lục địa và không có vành đai lửa nên rủi ro động đất của chúng ta là nhỏ và ít so với các nước khác", ông Xuân Anh giải thích.

Nguy cơ động đất việt nam có đáng lo không khi TP . HCM bị ảnh hưởng? - Ảnh 3.

Căn hộ tại chung cư Diamond Riverside (P.16, Q.8) bị ảnh hưởng bởi rung chấn

Ảnh: Phạm Hữu

Dù vậy, TS Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo Việt Nam vẫn cần có giải pháp cụ thể, thích hợp cho từng khu vực, công trình cụ thể. Thực tế, một trận động đất 7,7 độ Richter có khả năng gây thiệt hại đến an toàn của 250.000 người, gây hư hại nhiều hoặc tất cả các công trình xây dựng trên nhiều vùng. Trong đó, một số công trình sẽ sụp đổ một phần hoặc bị hư hại nghiêm trọng. Ngay cả các công trình được thiết kế tốt vẫn có khả năng bị ảnh hưởng. Trong trận động đất ở Myanmar vừa rồi, TP.HCM dù cách tâm chấn khoảng 1.700 km cũng ghi nhận thiệt hại thì ngoài yếu tố khoảng cách và cường độ của trận động đất còn phụ thuộc vào nền đất của từng khu vực và đặc biệt là phụ thuộc vào từng công trình cụ thể. Những công trình được thi công tốt, có độ kháng chấn cao sẽ ít bị ảnh hưởng hơn và ngược lại.

"Ví dụ như Myanmar, nơi có nguy cơ cao thì cần phải xây dựng những công trình kiên cố để chống được các trận động đất mạnh. Việt Nam tuy có nguy cơ động đất không quá cao nhưng khi xây dựng các công trình, đặc biệt là công trình lớn thì cần đánh giá môi trường đặc biệt là nguy cơ động đất, sóng thần vì đây là bài toán kinh tế quan trọng và dài hạn", TS Xuân Anh nói và cho rằng sau trận động đất vừa qua, chúng ta có thể nhận ra TP.HCM có nhiều công trình nguy cơ rủi ro cao. Chính vì vậy cần phải có một chương trình đánh giá rủi ro liên quan đến động đất để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đối với những chung cư, công trình cao tầng sau này nên có thiết bị quan trắc để đánh giá mức độ kháng chấn. Người dân cũng nên trang bị kiến thức về phòng chống động đất để khi xảy ra sự cố sẽ biết cách ứng phó phù hợp.

Cần bổ sung quy chuẩn chống động đất trong xây dựng công trình?

PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết: Ảnh hưởng trận động đất ở Myanmar, tại TP.Cần Thơ cũng ghi nhận tình trạng rung lắc nhẹ ở một vài tòa nhà cao tầng. Theo các tài liệu khoa học và lịch sử ghi nhận ở Việt Nam, khả năng động đất xuất hiện ở khu vực Tây Bắc và một số nơi ở Tây nguyên. Động đất ở Tây nguyên những năm gần đây thường do ảnh hưởng từ các hồ chứa thủy điện gây ra hiện tượng động đất kích thích. Động đất kích thích theo thời gian sẽ giảm dần khi lớp vỏ trái đất ở khu vực đó ổn định trở lại. 

"Dù Việt Nam không phải là nơi có nguy cơ cao về động đất nhưng tôi nhớ ở Trường ĐH Cần Thơ có một số công trình hợp tác với Nhật Bản, khi xây dựng họ cũng áp dụng các tiêu chuẩn chống động đất. Hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn này trong xây dựng. Trận động đất vừa rồi có thể là một lời cảnh báo cho chúng ta, đặc biệt là trong việc triển khai xây dựng các công trình có quy mô lớn ở những nơi có nền đất yếu", PGS-TS Lê Anh Tuấn đề xuất.

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng có nhận định tương tự: Lịch sử ở VN cho đến nay chưa ghi nhận xuất hiện động đất lớn nên yếu tố thiết kế ngăn ngừa nguy cơ động đất chưa được đưa vào quy chuẩn xây dựng. Hiện nay, những tòa nhà cao tầng ở Việt Nam hầu như không đặt nặng yếu tố chống động đất. "Trong bối cảnh hiện nay có nhiều biến đổi về khí hậu và cả địa chất, tôi nghĩ cần có sự chuẩn bị để ứng phó những nguy cơ này. Như ở San Francisco (California, Mỹ) đã hứng những trận động đất phá hủy khu vực trung tâm thành phố. Sau đó khi xây dựng lại đều đưa quy chuẩn chống động đất vào các công trình. Quy chuẩn xây dựng của họ khá chi tiết, nhà ở của dân cư thông thường không khuyến khích xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép mà chủ yếu bằng các vật liệu nhẹ, đặc biệt là gỗ. Đối với những nhà cao tầng đều có thiết kế ngăn ngừa động đất", ông Nam Sơn dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, Việt Nam cũng không nên vội vàng áp dụng các quy chuẩn nói trên một cách máy móc. Vì chống động đất có nhiều cách nhưng đa phần những giải pháp này khá tốn kém nên cũng không nên thấy nguy cơ mà vội vàng áp dụng các tiêu chuẩn rất cao và rộng khắp cả nước hay với mọi loại công trình. Thay vào đó, cần nghiên cứu đánh giá một cách sâu rộng trên phạm vi quốc gia. "Đối với Việt Nam, tôi cho rằng bước đầu tiên, các cơ quan địa chất nên cung cấp những nghiên cứu khoa học về nguy cơ động đất nằm trong ngưỡng nào. Đặc biệt là tần suất xảy ra trong 100 năm ra sao, vùng nào, mức độ bao nhiêu… Phải có đánh giá nguy cơ động đất ở từng tỉnh thành trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, vùng nào có nguy cơ động đất trong 100 năm tới? Trên cơ sở đó bổ sung những quy chuẩn phù hợp cho từng khu vực cụ thể và với từng loại công trình", chuyên gia này đề xuất. 

Trận động đất ở Myanmar là vết trượt dài 200 km

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), thông thường, tâm một trận động đất sẽ được biểu thị dưới dạng 1 điểm trên bản đồ nhưng trận động đất ở Myanmar vừa qua, tâm chấn là vết trượt trên khu vực đứt gãy lớn có chiều dài khoảng 200 km và rộng khoảng 20 km.

Trước đó, khu vực này đã ghi nhận 6 trận động đất khác trên 7 độ Richter. Trận động đất gần đây nhất có cường độ 7 độ Richter xảy ra vào tháng 1.1990, khiến 32 tòa nhà sụp đổ. Tháng 2.1912, một trận động đất có cường độ đến 7,9 độ Richter xảy ra ở phía nam trận động đất ngày 28.3 vừa qua.

Thách thức sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm

Bên cạnh yếu tố động đất, TP.HCM cũng là một trong số nhiều đô thị lớn ở châu Á đang đối mặt với tình trạng sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm quá mức. Tình trạng nước ngầm bị hút ra khỏi lòng đất với số lượng lớn tạo ra những khoảng trống ngầm dưới mặt đất. Tại TP.HCM cũng có nhiều công trình lớn ở phía trên đè xuống dẫn đến nguy cơ sụt lún mặt đất. Để bảo vệ cơ sở hạ tầng, những đô thị như TP.HCM phải cấm khai thác nước ngầm.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao