Sáng 31.3, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố 24.837 đồng, giảm 6 đồng so với cuối tuần qua. Giá USD tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối giữ nguyên khi mua vào 23.651 đồng, bán ra 26.035 đồng. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD đứng yên như ngân hàng Vietcombank tiếp tục mua chuyển khoản 25.400 đồng, bán ra 25.760 đồng; BIDV mua chuyển khoản 25.400 đồng, bán ra 25.760 đồng, tăng 5 đồng… Trong khi đó, giá USD tự do tăng 30 đồng ở chiều mua, lên 25.890 đồng và tăng 10 đồng ở chiều bán ra, lên 25.960 đồng.

Giá USD sáng 31.3 trong các ngân hàng không thay đổi
ẢNH: NGỌC THẮNG
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa mới được công bố, Ngân hàng Standard Chartered đã điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/VND lên 26.000 đồng vào giữa năm (mức dự báo trước đó là 25.450 đồng) và 25.700 đồng vào cuối năm 2025. Lý giải cho sự điều chỉnh này, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế cấp cao Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, đồng Việt Nam đã duy trì xu hướng chung với các đồng tiền thuộc thị trường mới nổi châu Á trong ba năm qua, chịu tác động từ môi trường USD mạnh. Mặc dù biến động thị trường vẫn ở mức thấp, các yếu tố bên ngoài như các động lực thương mại và điều kiện kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá.
Giá USD thế giới vẫn trong xu hướng đi xuống. Chỉ số USD-Index rớt xuống dưới 104 điểm, còn 103,84 điểm. So với cuối tuần qua, USD-Index giảm 0,21 điểm. Đồng bạc xanh đi xuống sau báo cáo cho thấy lạm phát tháng 2 của Mỹ đã tăng trở lại và việc Tổng thống Donald Trump thông qua thuế đối ứng áp vào nhiều nước, dự kiến có hiệu lực vào ngày 2.4. Một số nhà phân tích cho rằng, các khoản thuế thương mại sẽ không nghiêm trọng như lo ngại. Tuy nhiên, kế hoạch áp thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa rõ ràng về chi tiết, thị trường chưa thể đánh giá chính xác tác động thuế quan đến thương mại và nền kinh tế Mỹ, dẫn đến mức giảm của đồng USD không quá mạnh.