Đột phá cải thiện môi trường đầu tư

100% thủ tục thực hiện qua mạng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phê duyệt chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026. Theo đó, trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp (DN) sẽ được thực hiện trực tuyến; năm 2026 cắt giảm và đơn giản hóa 100% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết hoặc mâu thuẫn, bãi bỏ hoàn toàn các điều kiện đầu tư kinh doanh chồng chéo...

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN cơ khí điện TP.HCM, cho rằng khi 100% thủ tục cho DN được thực hiện qua online, chắc chắn bộ máy hành chính sẽ khác hoàn toàn. "Nếu các khó khăn được cơ quan quản lý xử lý, gỡ vướng với tâm thế phục vụ, vì sự phát triển của đất nước, DN sẽ sẵn sàng mở rộng đầu tư, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng để có thể làm chủ phần nào sân chơi kinh tế toàn cầu. Khi đó, chắc chắn sẽ có sự đột phá từ DN và nền kinh tế", ông Tống tự tin.

Bất động sản là lĩnh vực vướng thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý có thể nói là nhiều nhất. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận xét: Việc chuyển đổi số, thực hiện chính phủ điện tử của VN đã khởi động thông qua Đề án 06 - Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Đề án đã từng bước giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…Hiện nay nhiều thủ tục hành chính cũng đã thực hiện online và người dân, DN đều thấy được sự tiện lợi, giảm chi phí, thời gian thực hiện khá nhiều. "Nếu 100% thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến thì chi phí sẽ giảm mạnh. Đặc biệt là khi DN không còn phải tiếp xúc trực tiếp nhiều với cán bộ thì sẽ không còn tình trạng xin - cho, từ đó giúp chi phí không chính thức dần bị triệt tiêu", ông Châu kỳ vọng.

Đột phá cải thiện môi trường đầu tư- Ảnh 1.

Người dân làm hồ sơ trực tuyến tại TP.HCM

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Theo PGS-TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), đây là Nghị quyết mang tính đột phá trong cải cách hành chính mà toàn dân, DN rất mong muốn, ủng hộ. "Lâu nay chúng ta đã thực hiện nhiều thủ tục hành chính qua trực tuyến, tuy nhiên công chức vận hành hệ thống trực tuyến còn mang tư duy trực tiếp, nên hiệu quả không cao. Trong thực tế, người dân và DN vẫn bị "hành" khi có việc đến gõ cửa công. Vì thế, nếu 100% thủ tục cho DN, người dân có được từ việc thực hiện thủ tục qua trực tuyến có kết nối, lợi ích kinh tế, xã hội thu lại rất lớn", PGS-TS Đinh Xuân Thảo nhận xét.

Theo ông Thảo, muốn thực hiện 100% thủ tục với DN qua trực tuyến ngay trong năm nay, phải đặt ra quyết tâm thật lớn. "Chúng ta đã chứng kiến thủ tục nhập cảnh tính bằng giây của Ả Rập Xê Út, Singapore... Thế nên, tôi kỳ vọng với chỉ đạo sát sao của Chính phủ, mục tiêu đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương, cải cách hành chính mang tính đột phá này sẽ thực hiện được", PGS-TS Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh.

Muốn nhanh, thủ tục phải đơn giản

Muốn thủ tục hành chính nhanh thì phải đơn giản. Đó là quan điểm của cả giới chuyên gia kinh tế cũng như các DN.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, muốn nhanh thì thủ tục phải đơn giản. Trên thực tế, vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của DN nằm ở khâu thủ tục hành chính. Ở lĩnh vực bất động sản, pháp luật liên quan rất phức tạp nhưng tính đồng bộ lại chưa cao. Một dự án thường cần đến 38 - 40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian… Ví dụ, để được chấp thuận chủ trương đầu tư một dự án, DN phải làm hồ sơ gửi đến chính quyền địa phương. Sau đó, lãnh đạo chính quyền giao xuống văn phòng, từ văn phòng mới gửi đi 5 - 6 sở, ngành. Đến lúc phê duyệt để ra quyết định chấp thuận đầu tư thì Sở Quy hoạch kiến trúc tiếp tục đi hỏi lại 5 - 6 sở, ngành liên quan. Cứ một khâu lại cần đến 5 - 6 con dấu nên một dự án cần đến 38 - 40 con dấu mới xong.

Đột phá cải thiện môi trường đầu tư- Ảnh 2.

Khi 100% thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch

ẢNH: NHẬT THỊNH

Tương tự, địa phương gửi văn bản xin chỉ đạo lên bộ, ngành liên quan và cả T.Ư khi có một số vấn đề không thuộc thẩm quyền của tỉnh. Rồi bộ, ngành trả lời lại cũng không rõ ràng, hay lại hỏi ý kiến các bộ, ngành liên quan... Chỉ riêng hỏi qua hỏi lại như vậy đã mất 6 - 7 tháng và thậm chí rơi vào bế tắc.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh: Thời gian vừa qua có những ngành còn bị tăng thêm các thủ tục không chính thức khiến DN rất khổ. Nguyên nhân chính là các văn bản, quy định của chúng ta không rõ ràng, gây mất thời gian và ranh giới giữa việc làm đúng và sai rất mong manh. Điều đó khiến cán bộ hành chính lo lắng và ngay cả lãnh đạo sở, ngành hay TP cũng không quyết định được mà cứ hỏi qua hỏi lại.

"Cộng đồng DN rất mong Chính phủ đã đề ra mục tiêu nhưng cần có chương trình cụ thể để thực hiện, thực sự cắt giảm, tinh gọn thủ tục hành chính. Việc này sẽ giúp giảm được thời gian cho DN rất nhiều và từ đó giảm chi phí rất lớn. Bởi trong hoạt động kinh doanh, chi phí trực tiếp làm thủ tục là nhỏ nhưng khi dự án bị kéo dài, chờ đợi thì chi phí sẽ tăng rất mạnh, nhất là chi phí tài chính", ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu cho biết, cộng đồng DN đang rất phấn khởi với mục tiêu về cắt giảm, tinh gọn thủ tục hành chính mà lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã đưa ra. Thủ tục hành chính của VN đang được xếp ở nhóm trung bình của thế giới. Nếu phấn đấu lên được top 30 quốc gia hàng đầu và lên top 20 quốc gia hàng đầu thì năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ nâng cao. 

"Tại châu Á, Singapore là nước có nền hành chính công mang tính phục vụ nằm trong top 5 thế giới. Nếu VN đạt được mục tiêu cắt giảm 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết và tiến tới 100% thủ tục hành chính liên quan đến DN được thực hiện trực tuyến, thông suốt thì sẽ theo kịp được với Singapore. Từ đó, sẽ thu hút được các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước", ông Châu kỳ vọng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay, trung bình thủ tục đầu tư cho một dự án bất động sản khoảng 3 năm, nhiều dự án lên đến 5 - 6 năm hay cá biệt thì không biết khi nào xong. Việc này khiến chi phí dự án bị đội lên rất nhiều. Ví dụ chi phí tín dụng cho một dự án chiếm 5% nhưng khi dự án bị kéo dài thì có thể tăng lên 10%, hoặc đến 15 - 20%. Chi phí đội thêm này sẽ được DN tính vào giá thành và người dân phải gánh chịu.

Chính phủ đang thực hiện tinh gọn bộ máy, tổ chức hành chính thì các tỉnh, thành sẽ mở rộng không gian phát triển. Cơ sở dữ liệu liên thông quốc gia được hoàn tất và việc thực hiện 100% thủ tục hành chính liên quan DN qua mạng là không khó. Khi đó VN thật sự chuyển nền hành chính công sang hành chính phục vụ người dân và DN.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

"Chính phủ đang thực hiện tinh gọn bộ máy, tổ chức hành chính thì các tỉnh, thành sẽ mở rộng không gian phát triển. Cơ sở dữ liệu liên thông quốc gia được hoàn tất và việc thực hiện 100% thủ tục hành chính liên quan DN qua mạng là không khó. Khi đó VN thật sự chuyển nền hành chính công sang hành chính phục vụ người dân và DN. Chắc chắn lúc đó chi phí của DN, nhất là chi phí không chính thức, bôi trơn trước đây sẽ giảm mạnh. Cộng đồng DN sẽ tự tin, mạnh dạn kinh doanh. Năm 2025 chúng ta hoàn thành điều này thì thật sự là năm bản lề để tạo đột phá đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới", ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.

Giấc mơ số hóa của người dân

TS Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI), phân tích: Mục tiêu thực hiện 100% thủ tục qua mạng là đơn giản xác nhận các thủ tục online thay vì vẫn phải bắt DN thực hiện thủ công, sử dụng nhiều giấy tờ. Trong đó, các đơn vị liên quan phải tham gia xác nhận online với nhau. Những giấy tờ thủ tục khi đã được lưu trữ trên hệ thống thì không cần phải đối chiếu, xác nhận của cơ quan phường, xã hay các sở, ngành, từ đó cắt giảm được thời gian thực hiện. 

Song song đó, nếu các điều kiện, thủ tục cũng được giảm thì quy trình thực hiện thủ tục sẽ càng đơn giản, tiến tới 100% làm qua mạng nhanh hơn. Hiểu đơn giản là khi đi từ điểm A đến điểm B nếu không có nhiều chốt chặn thì sẽ nhanh hơn. Còn khi có nhiều chốt thì đôi khi người ta phải đi đường vòng nên mất nhiều thời gian. Việc tiến tới 100% thủ tục liên quan DN được thực hiện qua mạng và đơn giản, giảm điều kiện là hai việc khác nhau nhưng cũng mang tính hỗ trợ. Theo ông Minh, để thực hiện được mục tiêu này thì mấu chốt phải có cơ chế để đơn vị tư pháp tham gia vào quá trình rà soát điều kiện, quy định. Từ đó mới chỉ ra được những quyết định nào đang trái luật, những điều kiện nào ngoài luật gây khó cho DN. Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng tham gia chỉ ra những quy định gây cản trở hoạt động để bộ, ngành cắt bỏ.

Đột phá cải thiện môi trường đầu tư- Ảnh 3.

Cần cắt giảm, tinh gọn thủ tục hành chính với lĩnh vực bất động sản nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng

ẢNH: NGỌC THẮNG

TS Đinh Tuấn Minh chỉ thẳng: Nếu chỉ để các cơ quan Chính phủ rà soát và cắt giảm quy định, điều kiện liên quan hoạt động DN thì quá trình sẽ chậm. Thậm chí có thể 10 - 20 năm sau cũng sẽ lặp lại việc giảm được quy định này nhưng lại có thêm điều kiện khác. Bởi xu hướng của một số cơ quan hành chính là sẽ đưa ra thêm quy định để họ thực hiện dễ dàng và không bị rủi ro. Còn để các cơ quan tư pháp tham gia thì sẽ có khả năng "tuýt còi" ngay những văn bản đưa ra dưới luật chưa đúng và có thể gây ra thiệt hại cho DN và người dân. Từ đó cũng khiến các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ thận trọng hơn khi ban hành các quy định mới.

"VN đang có thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số thì việc thực hiện 100% thủ tục kinh doanh qua mạng là không khó. Nhưng phải đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản thủ tục và các điều kiện theo hướng chuyển sang hậu kiểm. Chỉ khi nào cơ quan quản lý nghi ngờ có những chỗ nào vi phạm thì sẽ hậu kiểm và xử phạt theo quy định. Từ đó không chỉ giúp giảm chi phí mà thật sự tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. DN sẽ mạnh dạn hoạt động và chấp hành cao hơn. Nếu thật sự chúng ta đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra thì môi trường kinh doanh của VN sẽ cải thiện rất tốt. Đó là một trong những điều kiện để tăng tốc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy kinh tế cả nước trong giai đoạn tới", TS Đinh Tuấn Minh chia sẻ thêm.

PGS-TS Đinh Xuân Thảo bổ sung: Năm nay cũng thực hiện sáp nhập và tinh giảm cấp trung gian, bắt buộc phải thực hiện trực tuyến các thủ tục vì từ cấp cơ sở là xã, phường, lên tận TP, tỉnh rất xa. Như vậy, đội ngũ công chức hành chính cần những con người vừa có hiểu biết về công nghệ thông tin, vừa có tâm thế vì dân phục vụ.

"Thủ tướng đang triển khai chương trình bình dân học vụ số, xóa mù số cho người dân. Tôi nghĩ đây là chính sách rất hay trong bối cảnh hiện nay, phải xóa mù số hóa cho người dân thì mọi thủ tục mới trực tuyến 100% được. Thứ hai là hạ tầng kết nối giữa người dân và cơ quan quản lý, người dân phải có điện thoại thông minh hay máy tính để kết nối. Vậy thì với người khó khăn có được hỗ trợ không? Tại cấp xã, phường, cần trang bị máy tính để người dân đến thao tác kết nối nộp hồ sơ, được hướng dẫn như các trung tâm dịch vụ hành chính công mà các nước đã và đang làm. Phải tổ chức các bộ phận có chuyên môn tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc, tố cáo…; phân loại và chuyển cơ quan thẩm quyền giải quyết cho người dân ngay tại một cửa cấp cơ sở. Tinh gọn, nhưng phải hiệu quả; quyết liệt nhưng chặt chẽ, đồng bộ và liên thông. Đó là giấc mơ của người dân đối với hệ thống hành chính nước nhà", PGS-TS Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh.

Cần làm quyết liệt

Nên tham khảo cách xây dựng các trung tâm hành chính công đã quản lý hiệu quả số hóa một nền kinh tế đồ sộ ở Trung Quốc hay Singapore. Quan trọng là một cửa phải trao quyền cho người xử lý sự việc ngay tại một cửa đó, công cuộc cải cách hành chính mới hiệu quả. Phải làm quyết liệt và có đầu tư cả vật chất lẫn con người. Bên cạnh đó, phải có cơ quan độc lập giám sát minh bạch, công khai để việc tinh gọn bộ máy đạt hiệu quả. Mục đích làm thế nào mà DN tốn ít chi phí nhất, tốn ít thời gian nhất, vẫn giải quyết xong thủ tục. Thời gian và tiền bạc còn lại, để dành vào đầu tư, cải tiến, sáng tạo sản phẩm… Nếu làm được song song và đúng cách, kết quả lần tinh gọn, sáp nhập này sẽ giúp nhà nước quản lý, phục vụ người dân tốt hơn.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

VN năm 2024 xếp thứ 71 về Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của Liên Hiệp Quốc, được xếp vào nhóm cao và đang tiếp tục cải thiện. Thế nên, để làm được nhanh thì ý chí của hệ thống cán bộ công chức là quan trọng. Nhà đầu tư nước ngoài vào VN vẫn đang được các địa phương tạo điều kiện rất lớn, cái họ e ngại là hệ thống luật lệ và giấy phép con. Thế nên, song song mục tiêu 100% thủ tục hành chính trực tuyến, phải cắt bỏ giấy phép con không cần thiết. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ rất lớn cho các DN tư nhân trong nước, nhất là các hộ kinh doanh, các DN nhỏ và vừa. Khu vực này khá yếm thế, do hiểu biết pháp lý kinh doanh có giới hạn, nên thường phải tốn các chi phí bôi trơn khi tiếp xúc bộ máy công quyền.

GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao