Trong thông báo gửi đến các nhân viên WHO, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng tổ chức đang mất đi nguồn tiền lên đến 600 triệu USD vì các nước giảm tài trợ, do đó không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm ngân sách, theo AFP. WHO đề xuất ngân sách tài khóa 2026 - 2027 giảm 21%, từ 5,3 tỉ USD xuống còn 4,2 tỉ USD. Ngoài ra, WHO cũng đang cân nhắc cắt giảm nhân sự.
Vào hôm 29.3, Reuters dẫn một thông báo từ WHO, nêu rằng sau quyết định rút của Mỹ, cùng với đó một số quốc gia giảm tài trợ cho WHO để tăng chi tiêu quốc phòng, đã khiến tình hình tài chính tại tổ chức thêm khó khăn. Đại diện WHO chưa chính thức bình luận về vụ việc.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi WHO đã tác động đáng kể đến nguồn ngân sách cho tổ chức y tế này. Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ cũng đóng băng nhiều nguồn viện trợ nước ngoài, trong đó có tài trợ cho những dự án y tế toàn cầu.
Ông Trump rút Mỹ khỏi WHO, y tế toàn cầu bị ảnh hưởng ra sao?
Cho đến nay, Mỹ là nhà tài trợ chính cho WHO, đóng góp khoảng 18% tổng nguồn tài trợ. Phần lớn tài trợ của Mỹ đến từ các khoản đóng góp tự nguyện cho những dự án cụ thể, thay vì phí thành viên cố định.
Không lâu sau khi ông Trump nhậm chức và tuyên bố rút khỏi WHO, ban điều hành tổ chức này đã đề xuất giảm ngân sách giai đoạn 2026 - 2027 từ 5,3 tỉ USD xuống còn 4,9 tỉ USD. Tuy nhiên, những đánh giá mới nhất buộc WHO phải giảm sâu hơn nữa, xuống còn 4,2 tỉ USD.
“Triển vọng hỗ trợ phát triển đã xấu đi, không chỉ đối với WHO mà còn với toàn bộ hệ sinh thái y tế quốc tế”, ông Tedros nói.
Hồi đầu tháng 3, tổng giám đốc WHO đã đề nghị Washington xem xét lại việc cắt giảm tài trợ, cho rằng Mỹ đột ngột quay lưng sẽ đe dọa đến tính mạng hàng triệu người không được tiếp cận các chương trình y tế.