Kể từ khi xuất hiện trên chính trường, ông Trump luôn là một nhân vật gây tranh cãi. Phong cách lãnh đạo phi truyền thống, những phát ngôn gây sốc, tuyên bố bất nhất, và cách tiếp cận nặng tính "giao dịch", "mặc cả" khiến nhiều người tin rằng ông thiếu một chiến lược rõ ràng và lâu dài.
Tuy nhiên, qua giai đoạn tranh cử và quá trình lãnh đạo trong hơn 2 tháng qua thì có thể nhận diện tầm nhìn dài hạn của ông. Trong đó, chiến lược của Tổng thống Trump đơn giản là tập trung xây dựng, củng cố sức mạnh cứng của nước Mỹ, thay vì theo đuổi các giá trị mà ông cho là chỉ có tính lý tưởng, sức mạnh mềm nhưng kém hiệu quả.

Ông Donald Trump khi còn là ứng viên tổng thống, vận động tranh cử tại bang MIchigan vào tháng 11.2024 trước những người ủng hộ giơ bảng số 47
ẢNH: REUTERS
Nghị sự 47
Nghị sự 47 (Agenda 47) là trọng tâm nghị sự chiến lược của Tổng thống Trump nhiệm kỳ 2, thể hiện rõ nét mục tiêu khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu và phục hồi sức mạnh nội tại của nước Mỹ. Khái niệm này đại diện cho kế hoạch chi tiết nhằm đảo ngược những chính sách mà đương kim chủ nhân Nhà Trắng đánh giá là đã làm suy yếu nước Mỹ dưới thời người tiền nhiệm Joe Biden.
Agenda 47 không chỉ bao gồm các biện pháp cứng rắn về kinh tế như tái lập thuế quan, tăng cường bảo hộ công nghiệp, mà còn đề cập sâu rộng đến các lĩnh vực quan trọng như an ninh năng lượng, kiểm soát biên giới, cải tổ bộ máy hành chính liên bang, và quyết liệt cạnh tranh với Trung Quốc trên tất cả các mặt trận trong đó quan trọng nhất là công nghệ, thương mại và quốc phòng.
Agenda 47 bắt nguồn từ đánh giá của ông Trump với quan điểm Mỹ đã đánh mất ưu thế cạnh tranh, dễ tổn thương hơn trước các biến động toàn cầu và đang tụt hậu trong cuộc cạnh tranh chiến lược. Các chính sách mềm mỏng hơn với Trung Quốc, các thỏa thuận quốc tế về khí hậu, hay nới lỏng các quy định về nhập cư đã làm suy yếu nền tảng nội tại và ảnh hưởng lợi ích chiến lược dài hạn của Mỹ.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump thúc đẩy Agenda 47 để khôi phục "niềm tự hào quốc gia", củng cố vị thế toàn cầu, đồng thời thiết lập lại trật tự theo hướng nước Mỹ chủ động hơn, dựa vào chính sức mạnh nội tại thay vì các cam kết đa phương mà ông cho rằng không còn hiệu quả.
Sức mạnh bắt nguồn từ nội tại, nền tảng
Một trong những trụ cột quan trọng nhất trong chiến lược Trump 2.0 là chính sách tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự nội tại của Mỹ bằng việc thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp sản xuất trọng điểm, công nghệ cao và đóng tàu quân sự.
Chính sách này được Tổng thống Trump đặc biệt chú trọng bởi ông nhận thức rõ ràng rằng sức mạnh quân sự và vị thế địa chính trị của Mỹ gắn liền với năng lực công nghiệp quốc gia. Việc ông Trump thúc đẩy mạnh mẽ ngành sản xuất trong nước thông qua các ưu đãi thuế quan, tái phân bổ nguồn lực chính phủ, và yêu cầu chuỗi cung ứng các sản phẩm chiến lược phải trở về nội địa, là nhằm mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc vào các quốc gia như Trung Quốc - một đối thủ chiến lược hàng đầu của Mỹ.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, nhận ra rằng đây là chiến trường sống còn cho duy trì ưu thế sức mạnh Mỹ, chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 2, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp 14179 về Gỡ bỏ các rào cản với sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, ông Trump phê phán Đạo luật CHIPS (Chips Act) của chính quyền tiền nhiệm vì cho rằng Mỹ nên sử dụng thuế quan, giảm bớt thủ tục, rào cản hành chính để thúc đẩy sản xuất trong nước thay vì tiêu tốn hàng chục tỉ USD trợ cấp cho các công ty công nghệ. Trong quá trình tranh cử, ông Trump cũng cam kết sẽ giảm thuế doanh nghiệp từ 21% về 15% để kích thích sản xuất tại Mỹ.
Tổng thống Trump cũng cam kết tái lập nước Mỹ là một cường quốc về sản xuất, khôi phục các ngành công nghiệp trọng yếu. Đây là lý do chính Mỹ tăng thuế một cách chọn lọc với các sản phẩm sắt thép, nhôm và ô tô nhập khẩu để khuyến khích các tập đoàn đầu tư sản xuất tại Mỹ. Ngày 19.3 vừa qua, ông đã gặp lãnh đạo của các công ty năng lượng, khẳng định sẽ thúc đẩy sản xuất dầu nội địa, tăng cường lưới điện để đáp ứng nhu cầu thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Tổng thống Trump trong chuyến thăm tàu sân bay Gerald Ford hồi năm 2017
ẢNH: REUTERS
Sản xuất thép, nhôm và năng lượng là xương sống cho các ngành công nghiệp, trong đó có quốc phòng, đóng tàu. Chính quyền Tổng thống Trump đang lên kế hoạch vực dậy công nghiệp đóng tàu của Mỹ thông qua tăng phí đối với tất cả các tàu hàng được sản xuất từ Trung Quốc cập cảng Mỹ. Washington không thể làm chủ đại dương nếu có nền công nghiệp đóng tàu èo uột.
Sau hơn 2 tháng cầm quyền, các động thái của chính quyền Trump 2.0 phản ánh tư duy chủ nghĩa dân tộc, coi trọng sức mạnh vật chất và tự chủ chiến lược. Theo đó, sức mạnh vừa nêu phải đến từ nội tại nước Mỹ, giảm phụ thuộc từ bên ngoài, kể cả các đồng minh. Chiến lược chủ yếu của Tổng thống Trump hướng tới mục tiêu này là thông qua thuế quan để tận dụng tối đa lợi thế mặc cả của thị trường lớn nhất thế giới. Ngay cả hệ thống quản trị của Mỹ cũng cần "đại tu" sau nhiều thập niên phình to và trì trệ, tốn kém nhưng kém hiệu quả. Nói cách khác, Mỹ cần thực sự cạnh tranh để duy trì lợi thế tương đối với các cường quốc khác.
Tuy nhiên, chiến lược có phần "vị kỷ", được triển khai "vội vàng" nên ẩn chứa điểm yếu vốn có thể phá vỡ các chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng lạm phát, tạo ra nhiều khó khăn tạm thời cho doanh nghiệp Mỹ, gây ra chia rẽ trong nội bộ và trong quan hệ với đồng minh, đối tác. (còn tiếp)
(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả