Bộ Quốc phòng Nga ngày 31.3 tuyên bố trong vòng 24 giờ trước đó, các lực lượng Nga đã tấn công một sân bay quân sự của Ukraine, các xưởng lắp ráp máy bay không người lái (UAV) và kho đạn dược trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo Hãng tin TASS.
"Máy bay tác chiến/chiến thuật, máy bay không người lái tấn công, binh sĩ phụ trách tên lửa và pháo binh của các nhóm lực lượng Nga đã tấn công các cơ sở hạ tầng của sân bay quân sự, xưởng sản xuất và địa điểm phóng máy bay không người lái, đạn dược, kho vũ khí và vật tư của quân đội Ukraine và các khu vực triển khai tạm thời của các đội hình vũ trang Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài tại 147 địa điểm", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
Ukraine giành lại ngôi làng đầu tiên ở Luhansk sau ba năm xung đột
Bộ Quốc phòng Nga còn tuyên bố trong vòng 24 giờ trước đó, các lực lượng Nga đã gây tổng cộng gần 1.000 thương vong cho quân đội Ukraine, phá hủy 150 UAV và 5 quả bom thông minh JDAM.
Cùng ngày, Tỉnh trưởng Vyacheslav Gladkov của tỉnh Belgorod thuộc Nga viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng quân đội Ukraine đã tấn công 7 huyện của tỉnh này bằng 63 quả đạn và 25 UAV trong 24 giờ, khiến 1 dân thường bị thương, theo TASS.

Quân nhân Ukraine khai hỏa pháo tự hành 2S1 Gvozdika về phía binh sĩ Nga ở tiền tuyến, tại tỉnh Kherson (Ukraine) ngày 23.3
Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Không quân Ukraine cáo buộc Nga đã phóng 131 UAV và 2 tên lửa đạn đạo Iskander-M do Nga phóng trong đêm 30.3 và rạng sáng 31.3, theo Reuters.
Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 57 chiếc UAV Nga và 45 chiếc khác không đạt được mục tiêu, có thể là do các biện pháp tác chiến điện tử. Quân đội Ukraine không nêu rõ điều gì đã xảy ra với 29 chiếc UAV còn lại.
Đến tối 31.3 chưa có thông tin về phản ứng của Nga cũng như Ukraine đối với cáo buộc và tuyên bố trên của bên kia. Chưa thể xác minh thông tin diễn biến chiến sự do hai bên đưa ra.
Xem thêm: Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga?
Điện Kremlin nói gì sau khi ông Trump "rất giận" ông Putin?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài NBC News hôm 30.3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông "rất giận" khi người đồng cấp Nga Vladimir Putin chỉ trích uy tín lãnh đạo của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời nói thêm rằng lời chỉ trích đó "không đúng chỗ".
"Nếu Nga và tôi không thể đạt được thỏa thuận về việc chấm dứt đổ máu ở Ukraine, và nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga - điều này có thể không đúng - nhưng nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga, tôi sẽ áp dụng thuế quan thứ cấp đối với dầu, đối với tất cả dầu xuất khẩu từ Nga", ông nói thêm.
Ông Trump "bực bội" vì ông Putin, dọa áp thuế dầu Nga nếu không đạt thỏa thuận ngừng bắn
Khi được phóng viên ngày 31.3 hỏi về phát ngôn trên của ông Trump, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow vẫn tiếp tục làm việc với Washington và ông Putin vẫn để ngỏ khả năng liên lạc với ông Trump.
"Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với phía Mỹ, trước hết là để xây dựng mối quan hệ song phương vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng trong chính quyền trước (của Mỹ). Và chúng tôi cũng đang triển khai một số ý tưởng liên quan đến giải quyết vấn đề Ukraine. Công việc này đang được tiến hành, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể nào mà chúng tôi có thể hoặc nên cho các bạn biết", ông Peskov nói.
Ông Peskov cho biết thêm một cuộc gọi giữa hai ông Trump và Putin có thể được sắp xếp trong thời gian ngắn nếu cần thiết, dù không có cuộc gọi nào được lên lịch trong tuần này.
Xem thêm: Ông Putin đề xuất lập chính quyền lâm thời ở Ukraine để ký thỏa thuận hòa bình
Thụy Điển công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson ngày 31.3 tuyên bố Thụy Điển sẽ cung cấp cho Ukraine một gói viện trợ quân sự trị giá gần 1,6 tỉ USD, theo trang tin The Kyiv Independent.
Ông Jonson cho hay gói viện trợ mới bao gồm hỗ trợ năng lực phòng không, pháo binh, truyền thông vệ tinh và hàng hải của Ukraine. Gói viện trợ này cũng bao gồm thiết bị trị giá 912 triệu USD sẽ được mua từ ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Điển và chuyển giao cho Ukraine trong 24 tháng.
Đây là gói viện trợ quân sự lớn nhất của Thụy Điển dành cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022, theo ông Jonson.
Với gói viện trợ mới, khoản hỗ trợ của Thụy Điển dành cho Ukraine kể từ năm 2022 lên tới 8 tỉ USD, bao gồm pháo tự hành Archer, xe tăng Strv 122 và xe chiến đấu bộ binh CV90.
Tổng thống Ukraine bất ngờ dè dặt chưa ký thỏa thuận khoáng sản với Mỹ
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans và Ngoại trưởng Gijs Tuinman ngày 31.3 thông báo Hà Lan sẽ phân bổ 2 tỉ euro (2,2 tỉ USD) để hỗ trợ Ukraine vào năm 2025, theo The Kyiv Independent.
Ông Brekelmans cho biết thêm khoản hỗ trợ mới sẽ bao gồm 500 triệu euro cho dự án Drone Line của Ukraine. Bộ Quốc phòng Ukraine vào tháng 2 đã công bố dự án Drone Line, giới thiệu đây là sáng kiến quân sự mới nhằm tích hợp các hệ thống máy bay không người lái vào các hoạt động tiền tuyến.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022, Hà Lan đã cung cấp cho Kyiv tổng cộng 7,33 tỉ euro (7,87 tỉ USD) tiền hỗ trợ, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel.
Xem thêm: Tổng thống Biden công bố gói viện trợ quân sự 'cuối cùng' cho Ukraine