Hôm qua (31.3, giờ VN), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan đối ứng với mọi quốc gia, chứ không dừng lại ở nhóm nước mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ như vẫn tưởng.
Ngày Mỹ "đòi sự công bằng"
Trao đổi với các nhà báo trên chuyên cơ ngày 30.3, chủ nhân Nhà Trắng cho hay ngày 2.4 sẽ công bố thuế quan đối ứng để điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng lâu nay trong hoạt động thương mại giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Khi được hỏi nước nào sẽ bị áp thuế quan đối ứng, Tổng thống Trump xác nhận động thái mới của Mỹ sẽ được áp dụng không phân biệt đối tác thương mại. "Chúng tôi đang nói đến mọi quốc gia, chứ không phải là một nhóm nước cụ thể nào", ông Trump cho biết.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng cường hợp tác trước nguy cơ thuế quan từ ông Trump
Trước đó, đợt áp thuế mới nhất của chính quyền Washington được cho sẽ nhằm vào 15% số đối tác duy trì tình trạng mất cân bằng thương mại kéo dài với Mỹ, mà theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent gọi là "Nhóm 15". Tuy nhiên, xác nhận từ ông Trump đã đánh tan mọi hy vọng rằng Mỹ sẽ giảm bớt mức độ áp thuế, hoặc biện pháp mới sẽ chỉ nhằm vào một nhóm nước cụ thể.
Bên cạnh đó, thuế quan đối với ô tô và xe tải hạng nhẹ nhập khẩu cũng có hiệu lực từ ngày 3.4. Phát biểu trên Đài Fox News hôm 30.3, ông Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, ước tính Mỹ sẽ thu về khoảng 100 tỉ USD/năm từ thuế ô tô và 600 tỉ USD/năm từ những khoản thuế khác

Chỉ số Nikkei giảm mạnh trong ngày 31.3
ẢNH: REUTERS
Chứng khoán thế giới rung chuyển
Sau thông tin từ Mỹ, các thị trường giao dịch ở châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến giá chứng khoán lao dốc. Theo Đài CNBC, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 4,05% xuống còn 35.617,56 điểm khi sở giao dịch đóng cửa, mất gần 12% giá trị so với mức hồi tháng 12.2024.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 3% giá trị vào thời điểm đóng cửa và còn 2.481,12 điểm, trong khi chỉ số Kosdaq giảm 3,01% còn 672,85 điểm. Diễn biến mới đã buộc giới quản lý thị trường ở Hàn Quốc cho phép quay lại việc bán khống sau thời gian cấm kéo dài.
Các thị trường khác ở châu Á cũng bị ảnh hưởng, như chỉ số S&P/ASX 200 ở Úc giảm 1,74%. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục mất 0,71% giá trị, và chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông giảm 1,2% trong những giờ giao dịch cuối ngày. Còn chỉ số Taiex của Đài Loan giảm mạnh đến 4,2%.
Chứng khoán châu Âu cũng theo xu hướng chung sau khi Tổng thống Trump cho biết sẽ áp thuế quan đối ứng không phân biệt, gây lo ngại thương chiến bùng nổ và dẫn đến suy thoái kinh tế trên diện rộng. Các chỉ số toàn châu Âu STOXX 600 giảm 1,2%, DAX ở Đức và CAC 40 ở Pháp lần lượt giảm 1,1% và 1,3%.
Tổng thống Trump muốn dùng giảm thuế để thuyết phục Trung Quốc bán TikTok cho Mỹ
Viễn cảnh thuế quan dồn dập đã buộc Ngân hàng Goldman Sachs hạ thấp dự báo GDP cho Mỹ và khu vực sử dụng euro, và bổ sung dự báo giảm lãi suất cho cả hai khu vực này, theo Reuters dẫn thông báo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Giá vàng hôm qua cũng tăng lên mức cao kỷ lục khi được giao dịch với giá 3.127,92 USD/oz.
Mỹ tự tin về thỏa thuận TikTok
Hôm qua (giờ VN), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng sẽ đạt được thỏa thuận mua lại TikTok từ công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) trước hạn chót ngừng hoạt động là vào ngày 5.4. "Chúng tôi có nhiều người mua tiềm năng", ông Trump nói với các nhà báo trên Không lực Một. Nhà lãnh đạo khẳng định TikTok thu hút sự quan tâm đặc biệt, và bản thân ông muốn TikTok tiếp tục được hoạt động tại Mỹ. Nếu ByteDance không bán lại TikTok cho Mỹ vào ngày 5.4, nền tảng này sẽ chấm dứt hoạt động ở nước này.