Chính sách giáo dục mới từ tháng 4: Sinh viên sư phạm và giáo viên cần biết

Khắc phục tình trạng "nợ" tiền hỗ trợ cho sinh viên sư phạm

Từ ngày 20.4, Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116 (năm 2020) của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm sẽ có hiệu lực.

Để khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm không được hưởng hoặc chậm được hưởng chính sách hỗ trợ, Nghị định 60 điều chỉnh quy định phương thức hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm. Cụ thể, nhà nước thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách. Trường hợp địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên cần thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thì thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo trực thuộc hoặc đặt hàng với cơ sở đào tạo giáo viên.

Chính sách giáo dục mới từ tháng 4: Sinh viên sư phạm và giáo viên cần biết - Ảnh 1.

Nghị định sửa đổi nhằm khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm bị "nợ" tiền hỗ trợ

ẢNH: N.D

Điểm đáng chú ý tại nghị định này là việc thu hồi kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, hằng năm, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học tập của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách sinh viên được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học cho UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng để thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, sinh viên thuộc đối tượng bồi hoàn kinh phí phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan ra thông báo thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.

Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí.

Sinh viên phải bồi hoàn kinh phí (không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định; đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học), nếu thuộc đối tượng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc từ trần sẽ được xóa kinh phí bồi hoàn; nếu thuộc đối tượng hưởng chính sách miễn hoặc giảm học phí theo quy định của Chính phủ sẽ được miễn hoặc giảm mức bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí tương ứng.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của sinh viên sư phạm, ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú quyết định miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng chính sách.

Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ

Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Thông tư số 05 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông và dự bị ĐH, có hiệu lực từ 22.4.

Theo đó, thông tư quy định thời gian thực dạy của giáo viên THCS, THPT là 35 tuần thay vì 37 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục như quy định cũ. Đồng thời, bổ sung 2 tuần dự phòng để giáo viên hoàn thành các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông.

Trong khi đó, thời gian làm việc trong năm học của giáo viên trường dự bị ĐH là 42 tuần. Trong đó, số tuần giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học là 28 tuần còn số tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học là 12 tuần; số tuần chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học là 2 tuần.

Thông tư 05 cũng nêu rõ mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ (bao gồm cả việc kiêm nhiệm công việc chuyên môn, công tác Đảng, đoàn thể, các tổ chức khác và một số vị trí việc làm khác).

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao