GẤP ĐÔI NỖI LO
"Gần cả năm học này, nhà tôi ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà, cả hai đứa con đều sắp bước vào 2 kỳ thi quan trọng. Cậu út thi vào lớp 10, cậu lớn thi tốt nghiệp THPT. Vợ tôi làm giờ hành chính, khó đưa đón con đi học, nên hầu như tôi phụ trách hết khâu đưa đón các con đi học chính khóa, học thêm. Thông tư 29 được triển khai, giáo viên (GV) dạy cháu ở trên lớp không dạy thêm ở ngoài được, chúng tôi lại chạy đôn đáo đi tìm trung tâm dạy thêm", anh Nguyễn Trung Thành (trú Q.8, TP.HCM) nói.

Phụ huynh có con học lớp 12 đi nghe chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên để đồng hành cùng con
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Ngày Báo Thanh Niên tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi tại Trường THPT Marie Curie (Q.3) hồi cuối tháng 2, dù không phải là phụ huynh của trường, anh Thành vẫn nghỉ làm, dành cả buổi sáng đến nghe các thầy cô tư vấn và hỏi thêm thông tin vào cuối giờ.
Anh Thành tâm sự: "Có nhiều thứ đổi mới trong kỳ thi năm nay, khiến người làm cha mẹ vốn đã lo cho việc học hành của con, giờ tiếp tục lo gấp bội. Chúng tôi lo không biết đề thi vào lớp 10 của TP.HCM, đề tốt nghiệp THPT với chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ra sao. Quy chế tuyển sinh ĐH 2025 với nhiều điểm mới, từ việc quy đổi điểm tương đương, tới việc chỉ đăng ký ngành mà không đăng ký tổ hợp môn, phương thức tuyển sinh… chúng tôi cũng thấy rối, sợ có gì sơ suất trong quá trình đăng ký thì ảnh hưởng lớn tới kết quả. Như năm ngoái, con của anh bạn tôi, dư điểm vào ngành cháu thích, nhưng không hiểu lúc đăng ký đặt nguyện vọng kiểu gì mà ngành mình muốn học thành rớt, ngành đăng ký cho có lại đậu".
ĐẬU ĐH KHÔNG KHÓ, CHỈ LO KHÔNG ĐÚNG NGÀNH
Anh Trịnh Minh Linh, phụ huynh HS Trịnh Hiếu Phương, lớp 12A3 Trường THPT Trương Định (TP.Gò Công, Tiền Giang), bộc bạch như vậy. Vợ chồng anh Linh là GV tiểu học ở H.Tân Phú Đông, phải đi phà vào đất liền. Để con thuận tiện đi học THPT, 3 năm qua Phương sống ở nhà ông bà ngoại, chỉ được gặp cha mẹ vào cuối tuần.
"Năm nay thi cử nhiều thay đổi, nhiều ngành mới, tổ hợp mới, chương trình GDPT mới. Lo lắng cho con nhưng cũng chỉ biết động viên con. Tôi đọc báo, theo dõi tin tức về thi cử để tư vấn thêm cho con", anh Linh chia sẻ.
Hiếu Phương yêu thích công nghệ thông tin, muốn vào Trường ĐH Công nghệ thông tin hoặc Trường ĐH Khoa học tự nhiên của ĐH Quốc gia TP.HCM. Anh Linh từng gợi ý cho con theo ngành sư phạm như cha mẹ, nhưng cuối cùng anh tôn trọng lựa chọn của con.
Người cha bộc bạch: "Tôi nói ngành con chọn điểm chuẩn thường rất cao, cạnh tranh với nhiều HS rất giỏi, nhưng đã quyết định thì con cần cố gắng nhiều hơn. Tôi không lo con không đậu được ĐH nào, chỉ lo nếu con không đậu được ngành con muốn, trường con thích thì tội nghiệp. Tôi đã chứng kiến nhiều bạn đã tốt nghiệp ra trường với ngành học mình không đam mê, để rồi lại đi làm trái ngành, nhiều năm tiếc nuối, rất xót xa".
Ủng hộ sáng chủ nhật không học thêm
Để giảm bớt căng thẳng cho các con là HS cuối cấp, nhiều cha mẹ chọn cách đồng hành, lắng nghe. Chị Phạm Thúy Hà (trú Q.4, TP.HCM) ngày nào cũng nấu bữa sáng rồi cùng ăn với con trai đang học lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3. Khi cả nhà cùng ngồi ăn sáng, trò chuyện, vợ chồng anh chị hỏi thăm việc học của con, khuyên con ăn uống đầy đủ, không khí gia đình vui vẻ giúp con thấy mình có hậu phương ủng hộ, sẽ an tâm hơn.
Vợ chồng anh Nguyễn Trung Thành (Q.8), có con học THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6), ủng hộ con dành ra sáng chủ nhật không học thêm, để cả nhà ra ngoài chơi, đi uống cà phê, ăn món con thích… nhằm giảm bớt căng thẳng trong chuyện học tập.
CHA MẸ CHƯA HỌC HẾT CẤP 2, CHỈ MONG ĐỜI CON KHÔNG KHỔ
40 tuổi, có con gái đang học lớp 12D3 Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), thời gian này chị Nguyễn Thị Minh Hương (P.Long Chánh, TP.Gò Công) thường xuyên mất ngủ. Con gái Nguyễn Lan Anh chong đèn học bài, ôn thi thâu đêm, có hôm ngủ gục luôn trên bàn học, chị Hương cũng chập chờn theo con. "Mẹ nào ngủ yên được khi thấy con thâu đêm suốt sáng học bài. Tôi khuyên con học vừa vừa thôi, giữ sức khỏe, vào đi ngủ chút nhưng chưa xong bài là nó nhất định còn ngồi học", chị Hương tâm sự.
"Tôi pha sữa cho con, chuẩn bị sẵn hết cơm, không bắt con làm việc nhà gì thời gian này, vì nói thật là đến ăn con cũng không có thời gian. Có hôm tôi để cơm đó mà con mải học, chẳng kịp ăn, chỉ uống mỗi ly sữa rồi đi học tiếp, mình xót ruột lắm mà không biết làm sao", chị Hương nói thêm.

Phụ huynh (phải) trao đổi với tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội&nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), sau chương trình Tư vấn mùa thi tại Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) vào cuối tháng 3
ảnh: Đào Ngọc Thạch
Vợ chồng chị Hương là lao động tự do, chưa ai học hết THCS. Thời gian này vừa lo con cái, vừa chăm mẹ già gần 90 tuổi đã đãng trí, chị Hương không đi làm được, chỉ có chồng đi giao hàng thuê. Cuộc sống của hai vợ chồng từ sáng sớm tới khuya muộn quay cuồng quanh nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhà cửa, chuyện sức khỏe của mẹ, chuyện học hành, thi cử của con. Nghe con nói muốn thi đậu ĐH vào ngành sư phạm tiểu học, chị Hương ngày đêm cầu mong con đạt được để con được vui, không đổ sông đổ bể những ngày cố gắng.
"Vợ chồng tôi không được học hành đến nơi đến chốn nên cả đời vất vả. Giờ thấy con ham học thì rất mừng. Tôi không dám đặt áp lực gì thêm cho con, chỉ mong con khỏe mạnh, đậu được ngành con thích, ra trường có việc làm đúng như con mong đợi. Bản thân tôi cũng rất nóng ruột mà không dám nói ra với ai, bởi giờ tôi thấy nhiều cơ quan, công ty tinh giản, sáp nhập, thất nghiệp nhiều quá, nhiều người học xong rồi lại phải làm nghề tay trái, ước mơ dang dở…", chị Hương trải lòng.
Đủ áp lực với học sinh cuối cấp
Đinh Tấn Dũng, HS lớp 12A14 Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), mong muốn thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hoặc ngành điện - điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Dũng cho biết mọi thời gian trong ngày của em bây giờ dành để học. Học chính khóa, học thêm toán, vật lý, tiếng Anh, học IELTS. Dũng cho biết không có thời gian cho các môn thể thao, giải trí mà em vốn rất yêu thích. Hiện Dũng rất căng thẳng vì chỉ còn rất ít thời gian là tới ngày thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn còn quá nhiều thứ phải học.
"Ba mẹ không đặt cho em gánh nặng tâm lý, nhưng tự bản thân em thấy lo lắng, chỉ biết tự động viên mình cố lên và những đánh đổi thời gian hôm nay dành cho việc học tập sẽ được kết quả xứng đáng", Dũng cho biết.
Còn Trần Nguyễn Phương Vy, HS lớp 12P Trường THPT Marie Curie, cho biết bên cạnh áp lực học tập, áp lực điểm số, áp lực khi kỳ thi đến sát, Vy cảm nhận rõ áp lực từ bạn bè quanh mình. Xung quanh ai cũng "vắt chân lên cổ" để học, nhiều bạn cũng chỉ có 24 giờ như mình nhưng học được rất nhiều, làm được rất nhiều thứ, vẫn đạt thành tích cao, điều này gia tăng thêm nỗi lo âu trong Vy.