GIÁ HỌC THÊM MỘT SỐ NƠI TĂNG ĐÁNG KỂ SAU THÔNG TƯ 29?
Trao đổi với PV Thanh Niên, cô T.T.H (giáo viên THPT tại tỉnh Đồng Tháp) cho biết bên cạnh dạy chính khóa, việc dạy thêm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho giáo viên (GV). Trong số những đồng nghiệp của cô, có người thu nhập vài chục triệu đồng/tháng từ dạy thêm, thậm chí có thầy cô thuộc trường chuyên thu nhập đến 70 - 80 triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều so với tiền lương.

Để giảm tình trạng dạy thêm, học thêm, theo nhiều giáo viên, bên cạnh cải thiện chương trình, thời lượng giảng dạy cần có những thay đổi trong việc kiểm tra, đánh giá
ẢNH: THANH DUY
Theo cô T.T.H, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2.2025 nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. Điều này rất được ủng hộ, bởi góp phần gìn giữ hình ảnh cao đẹp, sự tôn nghiêm của GV. Cô cũng rất đồng tình với việc chung tay đẩy lùi dạy thêm, học thêm bằng cách khuyến khích học sinh (HS) không nên học thêm môn ngữ văn do cô dạy, nếu môn này không nằm trong tổ hợp thi đại học.
Cô H. nói thêm khi Thông tư 29 có hiệu lực, các GV trong trường đã tuân thủ nghiêm ngặt, không dạy thêm HS đang được dạy chính khóa. Hiện hoạt động dạy thêm dần trở lại bình thường vì hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh. Vấn đề các GV quan tâm bây giờ là chuyện đóng thuế. Đối với người dạy số lượng nhiều, thu nhập cao, họ sẽ gánh cho HS. Song, trường hợp dạy ít, tiền đóng thuế sẽ chia cho HS, tùy theo thỏa thuận. Có chỗ chia theo tỷ lệ 50/50 giữa GV và HS; có nơi sẽ tính hết cho HS. Vì vậy, sau khi thực hiện Thông tư 29, giá học thêm tại một số nơi đã tăng lên đáng kể.
PHẢI THAY ĐỔI VIỆC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ
Theo thầy N.T.N, GV một trường THPT ở tỉnh Hậu Giang, việc tuân thủ Thông tư 29 đang dần tạo nên một nền giáo dục minh bạch, tiến bộ, củng cố niềm tin của xã hội đối với người thầy. Nhưng lúc này, ở nông thôn, việc học thêm đang lệch cân bằng khá nghiêm trọng, bởi rất ít GV đủ điều kiện đăng ký kinh doanh, chỉ một vài môn là có chỗ học thêm, phần lớn tự học tại nhà. "Đây sẽ là điều thiệt thòi cho HS nông thôn khi cạnh tranh "tấm vé" vào đại học với học sinh thành phố", thầy N.T.N nhận định.
Thầy N. lo lắng với chương trình hiện nay, ví dụ môn địa lý chỉ có 2 tiết/tuần, chỉ đủ để giảng kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Trong khi đó, qua tham khảo các đề thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT, có nhiều câu đòi hỏi có tính vận dụng, nâng cao, không nằm trong sách giáo khoa. "Nếu không đi học thêm, được thầy cô hướng dẫn, hẳn đa số HS khó thể vượt qua", thầy N. nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, cũng theo thầy N., chương trình giáo dục phổ thông hiện nay sử dụng 3 bộ sách. Tuy nội dung yêu cầu chung là giống nhau, nhưng mỗi tác giả lại có cách diễn giải khác nhau. Khâu ra đề thì không vận dụng bộ sách nào cụ thể. "HS học bộ sách nào cũng mông lung nên phải học tràn qua nhau để yên tâm thi cử. Khi đó, khối lượng kiến thức rộng, HS cần khoanh vùng, là lý do khiến nhiều em vẫn đi học thêm", thầy N. bộc bạch.
Theo thầy N., để đẩy lùi tình trạng dạy thêm, học thêm, giáo dục phổ thông cần có những thay đổi trong việc kiểm tra, đánh giá. Đó là đánh giá năng lực của HS, chứ không phải kiểm tra những kiến thức khuôn mẫu. Tránh tình trạng ra đề thi quá khó, đánh đố, để nảy sinh tâm lý có đi học thêm mới làm được. Đặc biệt, phải hạn chế việc ra đề thi dạng thuộc lòng, phụ thuộc vào sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, thầy N. đề xuất tăng tiết học chính khóa để GV có thời gian mở rộng kiến thức tại trường cho HS. "Tăng tiết học chính khóa có thể mang đến nhiều công việc hơn cho GV nhưng bằng sự tận tụy với nghề, hết lòng với học trò, các thầy cô giáo sẽ luôn đón nhận bằng tinh thần cởi mở và trách nhiệm", thầy N. nói.
Tương tự, cô T.T.H cho rằng với chương trình hiện nay, môn ngữ văn có 3 tiết/tuần. Thời gian này đủ để GV dạy những nội dung trong sách giáo khoa. "Nếu HS chỉ có nhu cầu đậu tốt nghiệp THPT thì đảm bảo không cần phải học thêm. Tuy nhiên, với nguyện vọng thi đại học, các em cần điểm cao để tăng tính cạnh tranh đầu vào thì cần thêm thời gian ôn luyện, làm quen với phương pháp giải đề và các dạng đề thi khác nhau", cô H. chia sẻ.

Học sinh tại một cơ sở dạy thêm sau Thông tư 29
ảnh: Nhật Thịnh
MỘT SỐ NGHỊCH LÝ CẦN GIẢI QUYẾT
Ông Trần Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Tâm (Hậu Giang), cho biết thực hiện Thông tư 29, các thầy cô nghỉ dạy thêm trong trường, HS đổ ra các trung tâm bên ngoài. Một mặt nào đó, điều này gây khó khăn trong công tác quản lý HS. "Không khéo, nhiều em lơ là việc học. Bởi trước đây, khi dạy thêm trong trường, nhà trường luôn quản lý sát sao HS, có vấn đề gì sẽ phối hợp nhanh với phụ huynh, gia đình chấn chỉnh kịp thời. Trong khi đó, các trung tâm dạy thêm phần lớn chỉ tập trung vào dịch vụ, kinh doanh", ông Hòa bày tỏ quan điểm.
Từ đây, ông Hòa cho rằng nếu không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường thì cần có giải pháp đẩy lùi dạy thêm, học thêm, thay vì để hoạt động bên ngoài càng khó kiểm soát hơn. Theo ông Hòa, điều này trước hết phải đến từ giảm áp lực học tập, giảm lượng kiến thức mà HS phải tiếp cận trên lớp.
"Thực tế, khi áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông 2018, những tiết học chính khóa không nhẹ hơn mà ngược lại còn nặng nề hơn chương trình cũ. Việc giảm tải chương trình là cần thiết", ông Hòa nhấn mạnh.
Cũng theo vị hiệu trưởng, những quy định mới về dạy thêm, học thêm còn đang gây ra một nghịch lý. Cụ thể, Trường THPT Lương Tâm hiện có khoảng 20 phòng học bỏ không vào buổi chiều, GV trong khu tập thể có nhiều, nhưng không tổ chức dạy thêm trong trường. Trong khi đó, HS phải tìm chỗ học thêm bên ngoài, nhiều nơi thu tiền học phí bao gồm cả tiền cơ sở vật chất. "Tôi cảm thấy hơi lãng phí và đồng tình với đề xuất tăng tiết chính khóa để tận dụng nguồn lực của trường hiệu quả hơn. Nhưng điều này phải chờ, vì cần phải có tính pháp lý, văn bản chính thống thì mới thực hiện được", ông Hòa nói.
Vấn đề trên khiến ông Hòa băn khoăn, bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới, cấu trúc đề thi mới, hình thức thi mới. Năm nay lại áp dụng Thông tư 29 trong thời gian triển khai năm học. "Những quy định mới về việc dạy thêm, học thêm khiến HS lớp 12 bị hạn chế thời gian ôn tập nhiều. Trong khi đó, công thức tính điểm thi tốt nghiệp năm nay là lấy kết quả của 3 năm học lớp 10, 11, 12. Nếu lớp 10, 11 các em học chưa tốt thì rất dễ hỏng tốt nghiệp", ông Hòa chia sẻ.
Không bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày
Tại họp báo Chính phủ chiều 6.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với THPT và THCS theo hướng nơi nào có điều kiện thì khuyến khích việc này. Thực tế hiện nay, cấp tiểu học thì gần như 100% học 2 buổi/ngày. Còn với THCS, THPT thì số trường học 2 buổi/ngày tăng lên nhiều so với 5 - 15 năm trước. Qua khảo sát, nơi nào tổ chức tốt việc dạy học 2 buổi/ngày thì chất lượng giáo dục toàn diện của trường, lớp đó cũng khá hơn và tốt hơn. Tuy nhiên cũng có một số bất cập, như buổi 2 có nơi lại dạy kiến thức văn hóa là chính, tạo áp lực cho học sinh. Chủ yếu học kiến thức chứ chưa phải là kỹ năng và nội dung khác.
Do đó, thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá lại hoạt động này và có hướng dẫn thực hiện với từng cấp học, lớp học. Quan điểm là nâng cao chất lượng học chính khóa, giảm áp lực học tập cho học sinh nhưng các em vẫn được phát triển phẩm chất, năng lực và đào tạo toàn diện đức, trí, thể, mỹ. Không phải chỉ là học kiến thức phổ thông mà còn phát triển về thể chất và tâm hồn, thể dục, thể thao, ngoại ngữ, tin học…
"Chưa bắt buộc cấp THCS và THPT phải học buổi 2, nơi nào có điều kiện thì nên tổ chức nhưng phải đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu đã nêu. Phải đảm bảo phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh. Đặc biệt đối với buổi 2 phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh; còn buổi 1 thì thực hiện các giờ chính khóa", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.
Mai Hà