Đa dạng nỗ lực làm mới
Vào cuối năm 2024, nam ca sĩ Thể Thiên - cháu trai cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - khiến khán giả bất ngờ khi làm mới 2 ca khúc nổi tiếng là Một cõi đi về và Diễm xưa trong album đầu tay Trần thế. So với các bản thu âm "kinh điển", với màu sắc điện tử, phần thể hiện này đã giúp ca khúc trở nên quen thuộc với khán giả trẻ. Lối đi này cũng được Hà Lê thực hiện thành công ở album Ở trọ, khi khoác lên những "chiếc áo mới" như reggae, world music… cho các ca khúc. Cũng không thể không nhắc đến nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và các bản phối mang màu sắc chill-out, new age... qua giọng ca Nguyên Thảo, từ đó đã đưa nhạc Trịnh vào cõi rất riêng.

Các sản phẩm làm mới nhạc Trịnh được đón nhận đặc biệt trong thời gian qua
ẢNH: TƯ LIỆU
Cách làm mới này cũng được Giang Trang bền bỉ thực hiện hơn 10 năm qua, để từ các album như Lênh đênh nhớ phố, Hạ huyền, Hạ huyền 2 và Trịnh cuối, nữ ca sĩ đã không ngừng mang tinh thần bán cổ điển, dân gian đương đại đến jazz, blues, rock… vào sản phẩm của mình. Ở album Trịnh cuối khép lại quãng thời gian gắn bó với âm nhạc Trịnh Công Sơn, cô đã cộng tác với các tài năng trẻ tại TP.HCM để mang những màu sắc mới vào các bản nhạc, qua đó tái hiện đời sống một thời của đô thị này. Đây đồng thời là một sự sáng tạo cộng sinh, để từ giai điệu, lời hát của cố nhạc sĩ, một bối cảnh mới đã được hiện lên.

Danh ca Cẩm Vân (giữa) và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gồm ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (trái) và NTK Trịnh Vĩnh Tâm
ẢNH: HÒA PHẠM
Không chỉ nghệ sĩ trẻ, các giọng ca gạo cội từng tạo dấu ấn cũng không giữ yên "ngai vàng" mà họ đã có. Vượt khỏi biên giới VN, Cẩm Vân và Hồng Nhung đã kết hợp với các ê kíp chuẩn quốc tế của Pháp, Đức, Mỹ để cho ra đời 2 dự án đĩa than Vết lăn trầm và Bống là ai?. Đều mang màu sắc blues, jazz ballad… qua nỗ lực làm mới này, khán giả được thưởng thức những bài hát tuy khá quen thuộc nhưng lại lạ lẫm. Chẳng hạn ở Bống là ai?, Hồng Nhung vẫn với cách hát đậm đặc tính "dương" nhưng kết hợp thêm nét tinh tế và độ từng trải.
Cẩm Vân nổi tiếng với cách thể hiện nhạc Trịnh "nhiệt huyết", "máu lửa" nhưng trong đĩa than vừa ra mắt sau 17 năm rời xa thị trường băng đĩa, chị đã khai phá thêm những "vùng đất mới" trong các thể loại nhiều ngẫu hứng cũng như tập trung hơn vào quãng trầm rè và sạn. Qua 8 bài hát từng làm nên tên tuổi có chất lượng âm thanh đặc biệt và được phối mới tinh tế bởi nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam, nữ danh ca đã hát như nói, trải lòng trong những chiều sâu mà chị thừa nhận bản thân trưởng thành theo thời gian với nhạc Trịnh Công Sơn.
Từ hiểu đến làm thành công
Không quá khó thấy thành công của các sản phẩm đều đến từ sự hiểu và nắm bắt được tinh thần nhạc Trịnh. Các nghệ sĩ không khoác lên nhạc Trịnh bằng chiếc áo không phù hợp, mà là đi sâu để tìm những chi lưu khác trong dòng chảy này.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam lý giải việc muốn Cẩm Vân đổi cách hát mới cũng dựa trên cảm nhận về nhạc Trịnh của mình: "Với tôi, nhạc Trịnh như một lời tự sự nhỏ nhẹ, một chia sẻ tâm tình như kiểu "du ca" của Bob Dylan với người Mỹ vậy. Thêm vào đó với định dạng đĩa than, tệp khán giả là những người muốn thưởng thức âm thanh tinh tế, thì càng phải làm sao để phát huy những nét đặc biệt của nhạc cụ, giọng hát… Ở thời điểm này, giọng chị Cẩm Vân đặc biệt dày và ấm ở âm vực trầm, do đó trong quá trình sản xuất, ê kíp đã có những điều chỉnh để khai thác thêm khía cạnh này".

Danh ca Cẩm Vân tập luyện cùng nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam
ẢNH: TVTMUSIC
Và để có được thành công thì nỗ lực này không hề dễ dàng. Danh ca Cẩm Vân cho biết: "Thật sự tôi cũng đang rất hồi hộp, không biết album có được đón nhận không, nhưng với bản thân thì có thể nói đây là dự án vô cùng thú vị, hy vọng qua đây khán giả sẽ thấy một Cẩm Vân mới hơn trong cách hát nhạc Trịnh". Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam bộc bạch thêm: "Phối lại, hát lại nhạc Trịnh rất dễ rơi vào lối mòn mà rất nhiều người từng thực hiện. Để tìm ra một cách gì mới, có dấu ấn riêng không phải dễ. Các bản phối trong Vết lăn trầm nhằm mục đích làm sao khi nghe thính giả vẫn phải nhận ra được sự da diết, truyền cảm của Cẩm Vân, nhưng vẫn thấy thú vị với những điều mới mà chỉ có chị có thể mang lại".
Ngoài ra, với các dự án được thực hiện đặc biệt, các nghệ sĩ cùng ê kíp cũng không chỉ làm nổi bật giọng hát, mà các nhạc công, nhạc cụ đều có được "đất diễn" riêng, biến đây thành cuộc đối thoại thật sự giữa âm nhạc và giọng hát. Trong Trịnh cuối, Giang Trang có những giây phút cho kèn đồng, guitar sắc lạnh "lên tiếng"; trong khi ở Vết lăn trầm, nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam cũng tận dụng triệt để chất lượng âm thanh vượt trội của định dạng đĩa than, của phòng thu tiêu chuẩn quốc tế, để từ đó "các bản phối cũng thiên về acoustic để không chỉ giọng hát của ca sĩ mà các nhạc công đều có "đất diễn", từ đó phô bày trọn vẹn nét đẹp âm thanh của từng nhạc cụ". Từ đây nhạc Trịnh không còn bó hẹp trong một bài hát, lời ca, giai điệu mà đã thả mình để đồng sáng tạo trong nhiều chiều kích khác.