Truyền thông 'bẩn' với drama tình ái thách thức pháp luật?

Có thể thấy hàng triệu người, trong đó phần lớn là giới trẻ, đã chọn "cắm chốt" xem livestream để theo dõi cuộc đối chất phanh phui tình cảm - đời tư, tranh cãi và cả những phát ngôn phản cảm giữa ViruSsPháo. Nhưng đằng sau ồn ào ấy, dư luận đang dấy lên nghi vấn về một một chiến dịch truyền thông "bẩn" được dàn dựng tinh vi, nhằm trục lợi từ chính sự tò mò và "lệch chuẩn" về thị hiếu thích "hóng" chuyện của một bộ phận không nhỏ cư dân mạng.

Truyền thông 'bẩn' với drama tình ái thách thức pháp luật?- Ảnh 1.

Drama tình ái giữa Pháo và ViruSs được livestream đối chất trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội thu hút hàng triệu người xem

ẢNH: CHỤP MÀN HÌHH

Trước đó, có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà những dòng trạng thái úp mở được tung ra liên tục trong nhiều ngày, ngay trước khi diễn ra buổi livestream "đối chất" triệu view. Và cũng có thể thấy, không phải ngẫu nhiên mà bài rap Sự nghiệp chướng của Pháo với nội dung công kích nặng nề nhân vật nam bất ngờ bùng nổ với lượt xem, nghe. Nhiều ý kiến cho rằng tất cả diễn ra như một vở kịch được dàn dựng có chủ đích: thu hút sự chú ý, tạo xung đột, thổi phồng cảm xúc và cuối cùng là... kiếm tiền từ sự hiếu kỳ - thông qua tương tác trên mạng xã hội.

Không khó để thấy, đây là hình mẫu điển hình của truyền thông thao túng: lấy đời tư làm mồi câu, lấy ca từ phản cảm làm chiêu trò gây sốc để đổi lấy lượt xem, lượt nghe, lượt theo dõi. "Drama", theo đó, được dựng lên nhằm phục vụ mục đích thương mại - là lợi nhuận kếch xù khi sau mỗi lượt livestream, số lượt theo dõi của các bên đều tăng vọt, kéo theo là lợi ích tài chính từ quảng cáo hay các hợp đồng thương mại...

1 đêm 2 buổi live liên quan đến ViruSs thu hút hàng triệu lượt xem

Vấn đề không chỉ dừng lại ở sự phản cảm. Hiện tượng này còn có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định hiện hành về hoạt động livestream và cung cấp nội dung trên nền tảng mạng xã hội.

Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, chỉ các nền tảng đã được Bộ TT-TT cấp phép mới được phép cung cấp tính năng livestream có phát sinh doanh thu. Việc ViruSs và Pháo thực hiện livestream trên nền tảng chưa rõ giấy phép, chưa xác thực danh tính người dùng, nếu có phát sinh lợi ích thương mại mà không công khai hoặc sai quy định, hoàn toàn có thể xem xét là hành vi vi phạm pháp luật.

Không dừng lại ở khía cạnh pháp lý, nội dung buổi phát sóng còn tiềm ẩn vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm quyền riêng tư và có dấu hiệu kích động. Việc công khai đời sống tình cảm để tranh cãi, công kích lẫn nhau trên sóng livestream – với hàng triệu người theo dõi không chỉ phản văn hóa mà còn góp phần định hình hành vi ứng xử lệch lạc trên mạng xã hội cũng như tư duy lệch chuẩn về việc làm gì để được quan tâm và nổi tiếng.

Thật đáng lo ngại khi bộ phận không nhỏ giới trẻ lại đang bị dẫn dắt và thậm chí hào hứng với những thứ giải trí vô bổ, độc hại ấy.

Nhìn lại loạt drama trong showbiz thời gian qua, có thể nói đây không còn là hiện tượng nhất thời mà là biểu hiện của một sự khủng hoảng chuẩn mực xã hội trong thời đại số, khi những nền tảng này bị chi phối bởi những người không đại diện cho bất kỳ giá trị đạo đức hay trí thức nào.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã nêu rõ vai trò và trách nhiệm của các nền tảng cung cấp dịch vụ lẫn người dùng, đặc biệt là những người có sức ảnh hưởng. Nhưng có lẽ, mức xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Với trường hợp của ViruSs và Pháo, thiết nghĩ cơ quan hữu quan cần khẩn trương vào cuộc để kiểm tra tính pháp lý của nền tảng livestream, xác minh việc xác thực tài khoản, theo dõi dòng tiền phát sinh và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đồng thời, phải sớm có cơ chế giám sát nội dung trên các nền tảng, yêu cầu gỡ bỏ ngay các nội dung đi ngược thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Việc lạm dụng truyền thông "bẩn", nếu không bị chặn đứng, sẽ biến môi trường mạng thành nơi thúc đẩy sự giả tạo, lệch chuẩn và làm thui chột những giá trị sống lành mạnh.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao