Vở kịch nói Ngàn năm tình sử (tác giả Nguyễn Quang Lập) từng được sân khấu IDECAF dàn dựng cách đây khoảng chục năm, nay tác giả Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương, và đạo diễn Vũ Hùng dàn dựng - là vở báo cáo tốt nghiệp Khoa Đạo diễn Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM của anh. Tương lai, vở có thể biểu diễn bán vé bởi có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Lê Trung Thảo (vai Lý Thường Kiệt), NSƯT Tú Sương (vai Thuận Khanh), Chí Bảo (Thái sư Lý Đạo Thành), Hoài Thanh (Nguyên phi Ỷ Lan), Lệ Trinh (Thượng Dương hoàng hậu)…

NSƯT Trung Thảo vai Lý Thường Kiệt, NSƯT Tú Sương vai Thuận Khanh trong vở Ngàn năm tình sử
ẢNH: H.K
Khán giả bất ngờ vì với thời lượng gọn ghẽ chỉ trong 2,5 tiếng, vở đã chuyển tải đầy đủ, súc tích nội dung cần thiết, trong khi hiện nay nhiều vở kịch nói lẫn cải lương đều kéo dài 3 tiếng hoặc hơn. Cuộc đời Lý Thường Kiệt trải dài từ tuổi thanh xuân với hoài bão phục vụ đất nước, đến khi trở thành người được thái sư lẫn nhà vua tin cậy; rồi nội chiến thâm cung, và cuộc xâm lăng của quân Tống… đã cuốn ông đi đến khi tóc bạc. Vận mệnh của ông gắn liền vận mệnh đất nước, để lại khúc anh hùng ca bên sông Như Nguyệt và bài thơ thần bất hủ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư…". Nhưng xen vào bản anh hùng ca vĩ đại đó là bản tình ca dang dở với nàng Thuận Khanh, sự cô đơn không còn gia đình ruột thịt, để cuối đời ông cay đắng thốt lên: "Ta đã thắng bao nhiêu trận chiến, nhưng cuối cùng vẫn thua ngay chính bản thân mình", làm khán giả phải rơi nước mắt…
Vũ Hùng có ngôn ngữ đạo diễn rất rõ. Những lớp diễn đặc sắc như đánh Tống, tái ngộ Thuận Khanh đều gây ấn tượng tuyệt đẹp. Dàn diễn viên từ chính tới phụ, kể cả quân sĩ, hơn 50 người đều rất chuyên nghiệp. Cải lương hiện lên sang trọng, giàu tính thẩm mỹ. Vở diễn xứng đáng đi vào học đường để thành bài học lịch sử hấp dẫn, cảm động và bồi đắp thêm tình yêu cải lương cho lớp trẻ.