Kỷ niệm không quên với vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Trong thời gian công tác ở Báo Thanh Niên, tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.

Kỷ niệm không quên với vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ- Ảnh 1.

Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang

Ảnh: Tư liệu

Vào đầu năm 2008, tôi nhận được một lá thư từ TP.HCM gửi tới tòa soạn Báo Thanh Niên ở Hà Nội. Thật cảm động, khi mở thư ra, tôi nhận được bản nhạc phổ bài thơ Tiếng lục lạc của tôi do nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vừa phổ xong. "Tiếng lục lạc vó ngựa/Đi quanh câu hát này/Người không làm vua nữa/Về thôn trang đi cày/Người từng mặc áo vải/Trước khi khoác chiến bào/Người từng ăn cơm độn/Và nếm mùi gian lao/Những tráng đinh ngày ấy/Vác cuốc, gươm theo người/Từng đóng thuyền vượt phá/Giờ ngủ yên cuối trời/Chỉ còn tiếng lục lạc/Theo mây trắng trở về/Không còn trên lưng ngựa/Bao người trai ra đi/Chỉ còn tiếng lục lạc/Heo hút ngày mưa về/Bao người vợ hóa đá/Bồng con vẫn đứng nghe".

Kỷ niệm không quên với vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ- Ảnh 2.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Ảnh: Tư liệu

Tôi không biết gì về nhạc lý, không đọc được bản nhạc, nên khi đó đã mạo muội gọi điện thoại vào TP.HCM để quấy phiền Lư Nhất Vũ, trước tiên là cảm ơn tấm thịnh tình của vợ chồng nhạc sĩ đối với bài thơ của tôi, thứ hai là xin được nhạc sĩ Lư Nhất Vũ chơi đàn và hát cho tôi nghe (qua điện thoại) bản nhạc phổ thơ này.

Nhạc sĩ đã chiều tôi. Tiếng đàn piano thánh thót vang lên trong một buổi sáng thanh bình khiến tôi xúc động, ông hát khá say mê mặc dù tuổi tác đã cao. Lời bài thơ hầu như được ông giữ nguyên vẹn khi phổ nhạc.

Sau đó ít tháng, tôi lại xúc động khi nhận được lá thư của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại cho tôi nghe câu chuyện về vợ ông là nhà thơ Lê Giang (mà trong thư ông gọi là "nàng") đã giục giã ông phổ nhạc bài thơ của tôi: "Mùng 2 tết, nàng đưa Tạp chí Văn nghệ Quân đội Xuân 2008 cho tôi, nàng cẩn thận làm dấu trang 88 có bài thơ Tiếng lục lạc của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nàng sôi nổi: Anh phổ nhạc bài thơ này đi, bài thơ rất hạp với "gu" tụi mình. Thường ngày, nàng hay giới thiệu những bài thơ nàng thích khi phát hiện đây đó cho tôi và thằng con trai, xúi hai cha con phổ thơ. Tôi bèn làm mấy ngón dương cầm, nàng than tiếng dương cầm không lột tả nổi tiếng lục lạc. Nàng xăng xái: "Để em ra chợ cái đã!". Có lẽ nàng đi chợ đã về? Tại vì, bỗng dưng từ tầng 3, tầng 4 tiếng lục lạc xa xa gần gần, nhỏ nhỏ to to mỗi lúc, mỗi lúc, của những đường gươm, nhát cuốc, của câu thơ: "Những tráng đinh ngày ấy/Vác cuốc, gươm theo người/Từng đóng thuyền, vượt phá/Giờ ngủ yên cuối trời". Và, tiếng lục lạc hiện tại đã vang lên theo bước chân của nàng - con ngựa chiến đã già (nàng tuổi Ngọ). Nàng lần từng nấc thang. Tôi đón nàng và rước tiếng lục lạc luýnh qua luýnh quýnh. Người vợ đã không hóa đá. Người vợ nói em mới mua có hai vòng lục lạc to và vừa thì ông già bán lục lạc bị tiếng tu huýt đuổi chạy, tiếc quá...".

Kỷ niệm không quên với vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ- Ảnh 3.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và ca sĩ Ngọc Ánh

Ảnh: Ca sĩ cung cấp

Mấy năm sau, tôi và một số nhà thơ may mắn có dịp được "hầu rượu" nhạc sĩ Lư Nhất Vũ khi ông ra chơi Hà Nội. Ông lại kể chuyện về "Nàng thơ Lê Giang" cho chúng tôi nghe trong tiếng cười sảng khoái, hồn nhiên cố hữu ở nơi ông.

Giờ thì ông đã đi về miền mây trắng cùng những tráng đinh một thời giữ nước, để lại bao nhiêu thương tiếc trong lòng người thân và bạn bè văn nghệ sĩ. Xin vĩnh biệt ông - người nhạc sĩ của những bài ca đi cùng năm tháng được người dân cả nước mến mộ.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tên thật là Lê Văn Gắt, sinh năm 1936 tại Bình Dương. Ông có nhiều ca khúc được khán thính giả yêu thích: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bài ca Đất phương Nam, Hãy yên lòng mẹ ơi, Chiều trên bản Mèo...

Ông cũng là tác giả loạt công trình nghiên cứu về dân ca Nam bộ như: Tìm hiểu dân ca Nam Bộ (1983), (1986), Nhạc và Đời (1989), 300 điệu lý Nam Bộ (2002), Hò trong dân ca Việt Nam (2004), Hát ru Việt Nam (2005), Lý trong dân ca người Việt (2006); Nói thơ - Nói vè - Thơ rơi Nam Bộ (2010); Hành khúc giải phóng (2011); Đi tìm kho báu vô hình (2014); Vi vu tình đời (2022). Ông được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Nhạc sĩ có nhiều công trình sưu tầm và nghiên cứu thể loại dân ca Việt Nam. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật 2001; Giải thưởng về Văn học - Nghệ thuật TP.HCM 1997 - 1998…

Có rất nhiều bài dân ca được bố Vũ và má Năm (Lê Giang) biên tập cho tôi hát, được thu âm và quay hình cho nhiều chương trình về dân ca.

Tôi gắn bó với má Năm và bố Vũ như con gái ruột của 2 người, sự thân thiết lan qua cả ba mẹ tôi, cũng đến chơi nhà bố Vũ và má Năm cùng ăn cơm, hàn huyên tâm đắc, vui vẻ.

Biết bao kỷ niệm ùa về khi nghe tin bố Lư Nhất Vũ đã về với "Trời xanh mây trắng", để lại một kho tàng âm nhạc vĩ đại, những nghiên cứu sưu tầm dân ca quý báu, để lại bao thương tiếc cho gia đình, các nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ và khán giả khắp cả nước…

Ca sĩ Ngọc Ánh

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao