Tháng giêng hằng năm, nhiều đình làng ở Bình Định rộn vang tiếng trống hát bội (còn gọi là hát bộ, hát tuồng). Hát bội còn được biểu diễn trong lễ cầu ngư và các lễ hội truyền thống ở Bình Định. Riêng làng Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, H.Tuy Phước, Bình Định), quê hương của Hậu tổ tuồng Đào Tấn, hơn 100 năm qua, tiếng trống hát bội chưa bao giờ thiếu vào mùa xuân hay ngày giỗ cụ Đào dịp rằm tháng 7.
Ngoài đoàn tuồng Đào Tấn (đoàn hát chuyên nghiệp thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định), tỉnh Bình Định có 9 đoàn tuồng tư nhân đang hoạt động, biểu diễn khắp các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên. Nhiều năm qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát bội.
CÁI NÔI CỦA NGHỆ THUẬT TUỒNG
Hát bội xuất hiện từ thời nhà Trần (1225 - 1400), sau đó thịnh hành ở miền Trung. Đến thế kỷ 16, Đào Duy Từ (1572-1634) là con trai của một kép hát, dù vô cùng tài năng nhưng vẫn bị loại khỏi kỳ thi do triều đình Đàng Ngoài tổ chức. Vì vậy, ông bỏ vào Đàng Trong. Thời gian đầu ở Đàng Trong, Đào Duy Từ dừng chân tại Bình Định và đã góp phần phát triển nghệ thuật hát bội tại đây nên được hậu thế tôn vinh là ông tổ của nghệ thuật hát bội Bình Định.

Binh khí thường xuyên xuất hiện trên sân khấu hát bội Bình Định
ẢNH: ĐOÀN TUỒNG ĐÀO TẤN

Các nghệ sĩ trẻ đoàn tuồng Đào Tấn biểu diễn trích đoạn Phàn Định Công đề cờ
ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Đến thế kỷ 19, trong thời gian làm Tổng đốc An Tĩnh (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh), Đào Tấn (1845-1907) lập Học bộ đình Nghệ An, dắt con em từ Bình Định ra dạy hát bội để biểu diễn cho dân, quan lại địa phương xem. Khi về hưu, cụ Đào Tấn dời Học bộ đình về làng Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, H.Tuy Phước, Bình Định), xây dựng trường hát tại đây và có thêm 18 học trò được cụ dạy hát bội. Từ đó, làng Vinh Thạnh thành cái nôi của hát bội ở Bình Định. Học trò cụ Đào Tấn có 5 người thành lập gánh hát riêng, các thế hệ sau học trò cụ Đào thành lập 30 gánh hát khác.
Cụ Đào Tấn để lại cho hậu thế hàng ngàn bài thơ, từ, hơn 40 vở hát bội, trong đó có các vở nổi tiếng như: Tân dã đồn, Quần trân hiến thụy (soạn năm 1878), Vạn bửu trình tường (soạn theo sắc chỉ vua Tự Đức, gồm 216 hồi, trong đó Ngô Quý Đồng soạn 28 hồi, Vũ Đình Phương 36 hồi, còn lại do cụ Đào Tấn soạn), Cổ thành, Hộ sanh đàn, Diễn võ đình, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan…
NGHE TIẾNG TRỐNG CHẦU, ĐÂM ĐẦU MÀ CHẠY
Theo nhà văn Lê Hoài Lương (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định), thời hoàng kim, ngoài những sân khấu tạo lập theo hợp đồng từ nhà quan quyền, phú hộ đến cộng đồng làng xã, trên đất Bình Định có đến 12 trường hát cố định. Duy nhất ở Bình Định có hát Văn Miếu hằng năm để vinh danh những nghệ nhân hát bội được chính quyền phong chánh ca, phó ca.

Các nghệ sĩ đoàn tuồng Đào Tấn biểu diễn vở Quang Trung đại phá quân Thanh
ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Biểu diễn trích đoạn Lã Bố hý Điêu Thuyền trên sân khấu hát bội Bình Định
ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Chuyện người Bình Định mê hát bội được thể hiện qua nhiều câu ca dao như: Hát bội làm tội người ta/Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con…; Tai nghe trống chiến không khiến cũng đi/Nghe tiếng trống chầu, đâm đầu mà chạy… hay câu: Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình/Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi…, và Cửu Vị đóng Lý Phụng Đình/Dù chồng có đánh thì mình cũng đi.
Bầu Đông trong câu ca là Chánh ca Đông, học trò của cụ Đào Tấn tại Học bộ đình Vinh Thạnh; còn Cửu Vị tên thật là Phan Hiền (ở H.Tây Sơn, Bình Định), nghệ sĩ hát bội xuất sắc được chính quyền phong hàm cửu phẩm.
Trong cuốn Đào Tấn và hát bội Bình Định, nhà thơ Quách Tấn cho rằng trước năm 1954, cứ 10 người ở Bình Định thì có 6 - 7 người nghiện hát bội. Mỗi khi có hát bội, người cầm chầu thường là người có uy tín, chức sắc và phải am hiểu tuồng tích, đánh trống khen chê cho đúng lúc, đúng nơi. Một tiếng "thùng" gõ vào giữa mặt trống là khen hay, hai tiếng liền nhau là khen rất hay, một tiếng "rụp", "cắc" hay "cắc… cắc" là lời chê hát không hay hoặc múa không đẹp... Người cầm chầu còn phải thưởng tiền cho diễn viên mỗi khi hát hay. Nhiều chức sắc, người quyền quý, phú hộ, cường hào… vẫn tranh cầm chầu, một phần vì mê hát bội hoặc cũng có thể muốn "làm thầy cho sang".

Một nghệ nhân hát bội biểu diễn tại sân khấu đình làng ở Bình Định
ẢNH: DŨNG NHÂN

Đoàn tuồng Nhơn Hưng (Bình Định) biểu diễn trích đoạn Tế sống Tạ Ngọc Lân trong vở Tam nữ đồ vương
ẢNH: HOÀNG TRỌNG
BÌNH ĐỊNH HÁT TUỒNG VÕ
Bình Định là vùng đất có truyền thống võ thuật nên cũng ảnh hưởng nhiều đến nghệ thuật hát bội. Đề tài yêu thích của hát bội Bình Định gắn liền với các nhân vật anh hùng. Muốn nhập vai các nhân vật này phải biết võ thuật, biết sử dụng binh khí. Vì vậy mới có câu: "Bình Định hát tuồng võ, Quảng Nam hát tuồng văn".
Trong cuốn Góp nhặt dọc đường, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (1924-2013) cho rằng nghệ thuật hát bội có 2 bộ phận chủ yếu cấu thành là hát và múa. Muốn múa đẹp thì phải học võ. Các nghệ sĩ hát bội ở Bình Định ngày xưa, dù nam hay nữ đều phải biết về võ nghệ. Do đó, võ Bình Định đã trở thành thành phần quan trọng trong cơ cấu tổng hợp của hát bội Bình Định, làm cho sân khấu hát bội Bình Định mang sắc thái riêng, nhất là tuồng võ. (còn tiếp)