
Những người tập trung bên ngoài một nhà thờ ở Texas sau tang lễ của bệnh nhi Daisy Hildebrand hôm 6.4.
ẢNH: REUTERS
Reuters ngày 7.4 dẫn lời giới chức Sở Y tế bang Texas (Mỹ) cho hay một bệnh nhi vừa tử vong tại bệnh viện với tình trạng suy phổi do sởi, với tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi và không có bệnh nền.
Đây là trường hợp tử vong thứ 2 của trẻ em tại Texas kể từ khi dịch sởi bùng phát vào cuối tháng 1. Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Robert F. Kennedy Jr. cho biết bệnh nhi tên là Daisy Hildebrand.
Bộ trưởng Kennedy Jr. hôm 6.4 cho biết vắc xin là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh sởi. Ông từng có quan điểm chống vắc xin và nói rằng tiêm vắc xin là lựa chọn cá nhân.
"Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sởi là vắc xin MMR", ông viết trên mạng xã hội X và cho biết đã có 642 trường hợp mắc bệnh sởi được xác nhận, trong đó có 499 trường hợp ở Texas.
Ông đã đến Texas để thăm và an ủi gia đình bệnh nhi Hildebrand và cho biết lực lượng thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã được điều động đến Texas theo yêu cầu của Thống đốc Greg Abbott.
Vắc xin phòng bệnh sởi có hiệu quả 97% sau hai mũi tiêm. CDC cho biết vắc xin là "biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh sởi", căn bệnh lây lan qua không khí khi người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho. Giới chức CDC cho hay 97% các trường hợp bệnh sởi ở Mỹ trong năm nay là người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa rõ tình trạng tiêm vắc xin.
Liên quan tình trạng sởi tại các nơi khác, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc hôm 3.4 ra thông báo chung cho hay các ca sởi ở châu Âu tăng vọt trong năm ngoái lên mức cao nhất kể từ năm 1997.
Một phân tích của WHO và UNICEF cho thấy có 127.352 ca mắc bệnh sởi được ghi nhận ở khu vực châu Âu vào năm 2024, gấp đôi số ca được ghi nhận vào năm trước đó.
Trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 40% số người mắc bệnh sởi trong khu vực và nửa triệu trẻ em đã không tiêm mũi vắc xin sởi đầu tiên vào năm 2023.
"Bệnh sởi đang trở lại và đó là lời cảnh tỉnh. Không có tỷ lệ tiêm vắc xin cao sẽ không có an ninh y tế", theo Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge.