AFP dẫn số liệu mới nhất do báo chí Myanmar đăng hôm qua 5.4 cho hay trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra ở nước này vào ngày 28.3 đã khiến 3.354 người tử vong, 4.508 người bị thương và 220 người mất tích.
Sự tàn phá thật kinh hoàng
Số liệu thương vong mới được đưa ra cùng ngày quan chức cứu trợ hàng đầu của Liên Hiệp Quốc Tom Fletcher gặp gỡ các nạn nhân tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar nằm gần tâm chấn và đang phải vật lộn với thiệt hại nghiêm trọng do trận động đất hôm 28.3 gây ra. "Sự tàn phá thật kinh hoàng. Thế giới phải đoàn kết ủng hộ người dân Myanmar", ông Fletcher kêu gọi trên mạng xã hội X.
Nắng nóng, mưa lớn làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh tại Myanmar sau trận động đất
Trước đó, ông Titon Mitra, đại diện của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Myanmar, hôm 4.4 cho hay TP.Sagaing (gần tâm chấn động đất) bị tàn phá trên diện rộng, với 80% các tòa nhà bị hư hại, trong đó có 50% bị hư hại nghiêm trọng. Ông Mitra cho biết thêm các chợ thực phẩm không thể buôn bán và các bệnh viện đang quá tải trong khi cơ sở không an toàn về mặt kết cấu, khiến nhiều bệnh nhân phải nhận điều trị ngoài trời trong cái nóng 40 độ C.

Myanmar vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn để khắc phục hậu quả vụ động đất
ẢNH: AFP
Hơn một tuần sau thảm họa động đất, nhiều người dân ở Myanmar vẫn chưa có nơi lánh nạn, hoặc buộc phải ngủ ngoài trời vì nhà cửa bị phá hủy hay lo sợ sẽ có thêm nhiều vụ sập nhà nữa. Kể từ sau trận động đất 7,7 độ Richter đến hôm qua, Myanmar đã trải qua 81 cơn dư chấn có cường độ từ 2,8 - 7,5 độ Richter, theo Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Cục Khí tượng thủy văn Myanmar.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, hơn 3 triệu người có thể đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh 7,7 độ Richter, làm trầm trọng thêm những thách thức trước đó do 4 năm xung đột giữa quân đội và các nhóm nổi dậy có vũ trang ở Myanmar. Ngoài ra, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho hay tính đến nay các nhân viên WFP đã tiếp cận được 24.000 người sống sót, nhưng đang tăng cường nỗ lực để hỗ trợ 850.000 người bằng thực phẩm và tiền mặt trong một tháng.
Nhiều nước tiếp tục hỗ trợ Myanmar
Hải quân Ấn Độ hôm qua thông báo đã chuyển hàng trăm tấn lương thực viện trợ đến Myanmar, một ngày sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing ở Bangkok (Thái Lan), theo AFP. Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên đưa các đội cứu hộ và cứu trợ đến Myanmar sau trận động đất 7,7 độ Richter ngày 28.3.
Trung Quốc lấn lướt Mỹ trong cứu trợ Myanmar vì chính sách của ông Trump
Ngoài ra, AP hôm 4.4 dẫn thông báo từ Đại sứ quán Anh tại TP.Yangon (Myanmar) cho hay Anh đã cam kết tài trợ thêm 6,5 triệu USD để đáp ứng lời kêu gọi từ Ủy ban Khẩn cấp về thảm họa của Myanmar, sau khi đã tài trợ 13 triệu USD. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington sẽ hỗ trợ thêm 7 triệu USD cho Myanmar. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã cam kết viện trợ khẩn cấp 2 triệu USD và cử một nhóm 3 người đến Myanmar để đánh giá cách ứng phó tốt nhất trong bối cảnh Washington cắt giảm mạnh viện trợ cho nước ngoài.
AP còn dẫn số liệu từ chính quyền quân sự Myanmar cho hay nhiều đội tìm kiếm và cứu hộ quốc tế đang có mặt tại hiện trường và 8 đội y tế từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Bangladesh, Bhutan, Philippines, Indonesia và Nga đang hoạt động tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar. Những nhóm từ Ấn Độ, Nga, Lào, Nepal và Singapore thì đang hỗ trợ khu vực Mandalay, còn các nhóm khác từ Nga, Malaysia và ASEAN hỗ trợ khu vực Sagaing.