Bất chấp một số thông tin về việc Moscow và Kyiv đạt được một số thỏa thuận ngừng bắn có giới hạn, hai bên vẫn tiếp tục tấn công lẫn nhau, đặc biệt bằng UAV. Hôm qua (30.3), CNN đưa tin Ukraine phát động tấn công vào một số khu vực của Nga. Cùng ngày 30.3, Kyiv cáo buộc Moscow đã sử dụng UAV tấn công bệnh viện, trung tâm thương mại, khu dân cư ở vùng Kharkiv (Ukraine).
Ukraine tăng nhanh sản lượng UAV
Khả năng cuộc chiến sẽ còn kéo dài cũng được Tổng thống Mỹ Donald Trump ám chỉ mới đây khi cho biết ông tin rằng Nga muốn chấm dứt cuộc chiến với Ukraine, nhưng cho rằng Moscow có thể đang "trì hoãn" sau khi Điện Kremlin tranh cãi về các thỏa thuận được thực hiện với Nhà Trắng.

Binh sĩ Ukraine sử dụng bộ đeo điều khiển FPV tác chiến
Ảnh: Reuters
Trong tình hình như vậy và viễn cảnh bị Mỹ gây áp lực bằng cách siết chặt viện trợ cũng như sự hạn chế trong nguồn lực từ bên ngoài, Ukraine đang đẩy nhanh năng lực sản xuất UAV. Điều này càng trở nên quan trọng khi trên chiến trường Ukraine, UAV không chỉ tiết kiệm về chi phí mà còn đang dần vượt qua vị thế của các loại vũ khí truyền thống.
Trang The Kyiv Independent dẫn nguồn tin từ chính quyền Ukraine cho hay nước này trong năm 2025 có thể sản xuất được 5 triệu UAV dạng FPV thông qua hơn 150 cơ sở chế tạo. UAV loại FPV cho phép người điều khiển nhìn thấy những gì mà drone đang thấy, tương tự như những gì phi công nhìn thấy phía trước khi điều khiển máy bay truyền thống. Nhiều tổ chức phân tích đánh giá mục tiêu vừa nêu là hoàn toàn khả thi. Năm 2024, Ukraine ban đầu dự kiến chỉ sản xuất được 1 triệu UAV cỡ nhỏ nhưng kết quả thực tế đã đạt sản lượng đến hơn 2 triệu chiếc. Việc sản xuất UAV tại các cơ sở quy mô nhỏ cũng giúp hạn chế nguy cơ bị tấn công so với các nhà máy quy mô lớn, đồng thời việc di dời cơ sở sản xuất cũng linh hoạt hơn.
Theo một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ), việc tăng nhanh số lượng UAV giúp Ukraine giảm thiểu số lượng binh sĩ chiến đấu trực tiếp bằng các hệ thống không người lái tự động. Nhờ đó, Ukraine có thể tăng cường khả năng bảo toàn lực lượng quân nhân, khắc phục các lỗ hổng như mệt mỏi, căng thẳng vì phải chiến đấu trực tiếp lâu dài trên chiến trường.
Đột phá AI
Không chỉ tăng cường về số lượng, Ukraine còn đẩy nhanh về chất lượng tác chiến của UAV. Đầu tiên là việc Ukraine đã sản xuất thành công loại FPV cơ bản để biến đổi cho các nhiệm vụ khác nhau: trinh sát, tấn công cảm tử, ném bom, tiếp sóng (đóng vai trò trung gian mở rộng vùng kết nối giữa UAV với trung tâm điều khiển)…

Cấu trúc và khả năng tùy biến của UAV do Ukraine phát triển
Nguồn: CSIS
Không những vậy, các FPV của Ukraine còn phát triển các mô đun độc lập tích hợp camera và cụm chip xử lý tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường năng lực tác chiến. Cách thức phát triển dạng mô đun và dễ dàng tùy biến như vậy khiến cho việc sản xuất hàng loạt dễ dàng và linh hoạt hơn.
Cụ thể, FPV trang bị các hệ thống nhận dạng mục tiêu tự động (ATR) tích hợp AI cho phép tự động hóa nhận dạng thiết bị và phát hiện đối tượng, nên người điều khiển cũng hạn chế mệt mỏi, căng thẳng hơn trong quá trình điều khiển. Nhờ đó, các UAV của Ukraine khi tác chiến có thể mở rộng phạm vi nhận dạng mục tiêu từ 300 m lên mức 1 km và thậm chí lên đến 2 km trong điều kiện tối ưu, đồng thời tăng cường tính chính xác khi tấn công. Phần mềm được hỗ trợ bởi AI cũng giúp ứng phó mồi nhử và ngụy trang vốn có thể đánh lừa mắt người. Do thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn, các hệ thống này thường có thể đạt được mục tiêu chỉ bằng cách sử dụng 1 hoặc 2 UAV cho mỗi mục tiêu thay vì 8 - 9 chiếc như trước.
Bên cạnh đó, Ukraine tăng cường tận dụng các công nghệ mã nguồn mở và các mô hình thị giác máy tính hiện có để đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển trong khi vẫn giữ chi phí thấp. Nước này cũng theo đuổi cách tiếp cận đào tạo các mô hình AI nhỏ trên các bộ dữ liệu nhỏ thay vì phát triển các mô hình lớn. Cách tiếp cận này cho phép xử lý tích hợp nhanh chóng và hiệu quả trên sức mạnh tính toán hạn chế của các chip nhỏ và rẻ tiền, có thể nhanh chóng cập nhật, đào tạo lại và nâng cấp để thích ứng với các điều kiện chiến trường thay đổi. Việc đào tạo vận hành các UAV được trang bị các tính năng tự động cũng dễ dàng hơn. Ukraine cũng đã mã hóa phần mềm AI trên bo mạch nhằm duy trì lợi thế công nghệ.
Nếu như năm 2024, Ukraine chỉ sở hữu khoảng 10.000 UAV tích hợp AI trong tổng số hơn 2 triệu chiếc, thì tỷ lệ UAV tích hợp AI dự kiến tăng nhanh trong năm 2025 đồng thời tổng số UAV cũng tăng nhanh, nên năng lực tác chiến sẽ được nâng cao.
Tuy nhiên, theo CISI thì Ukraine vẫn còn cần thêm thời gian để phát triển các mô hình phối hợp tác chiến tự động dựa trên AI giữa các UAV. Nếu đạt được bước tiến này thì hiệu quả tấn công bầy đàn của UAV còn tăng cao hơn nữa.
Cần thêm nhiều loại vũ khí tự hành
Theo CSIS, việc phát triển các UAV tích hợp AI là chưa đủ. Muốn tăng cường sức mạnh toàn diện, UAV cần phát triển thêm các loại phương tiện mặt đất không người lái (UGV) và phương tiện trên biển không người lái gồm cả phương tiện nổi (USV) lẫn ngầm (UUV) tích hợp AI. Các loại phương tiện này cũng cần khả năng kết nối, phối hợp tác chiến với nhau.