Tối 4.4, liên quan thương chiến với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social: "Trung Quốc đã đánh sai nước cờ. Họ hoảng loạn - Đó (đánh sai cờ - NV) là điều họ không nên mắc phải lúc này!".
Quyết liệt "ăn miếng trả miếng"
Nội dung trên được ông Trump đưa ra sau khi Trung Quốc cùng ngày 4.4 đã thông báo sẽ đánh thuế bổ sung 34% đối với toàn bộ hàng hóa Mỹ kể từ ngày 10.4. Mức 34% cũng là mức thuế đối ứng mà ông Trump đưa ra với Trung Quốc (chưa kể các khoản thuế khác được cộng dồn). Trước đó, đối phó những lần tăng thuế của Washington đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đáp trả tương tự nhằm vào hàng hóa Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc liên tục “ăn miếng trả miếng” bằng các biện pháp thương mại
Ảnh: Reuters
Kết quả, ước tính cộng dồn các khoản thuế trước đó đã được Tổng thống Trump áp đặt gần đây thì Mỹ tăng thuế trung bình đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên hơn 50%. Trong khi đó, mức thuế 34% mới nhất của Trung Quốc sẽ đẩy mức thuế trung bình đối với hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc lên khoảng 50%.
Không chỉ tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ, Trung Quốc còn có một loạt động thái khác để trừng phạt thương mại nhằm vào đối thủ. Cụ thể, Bắc Kinh cũng công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu các loại đất hiếm gồm samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium sang Mỹ, có hiệu lực ngay trong ngày 4.4. Các loại đất hiếm này là thành phần quan trọng trong sản xuất linh kiện bán dẫn. Đồng thời, Trung Quốc còn bổ sung 30 công ty Mỹ vào danh sách bị cấm vận thương mại hoặc hạn chế xuất khẩu.
Tháng 12.2024, Trung Quốc cũng đã thông qua danh sách gồm 700 mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu. Trong đó có nhiều mặt hàng mà Mỹ rất cần để phát triển các sản phẩm quan trọng, đặc biệt về công nghệ. Điển hình danh sách này bao gồm đất hiếm cùng một số linh kiện công nghệ cơ bản mà lâu nay Washington vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Bắc Kinh. Danh mục hạn chế xuất khẩu trên có hiệu lực từ ngày 1.12.
Trước đó, từ tháng 8.2023, Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với gallium và gecmani. Trong đó, gallium được sử dụng trong chất bán dẫn hỗn hợp, thường được sử dụng để nâng cao tốc độ truyền và tăng hiệu quả của radar.
Mỹ bắt đầu thu thuế 10%, phá vỡ các chuẩn mực thương mại toàn cầu
Không chỉ Mỹ - Trung thiệt hại trong thương chiến
Giữa thương chiến lần này, Bắc Kinh đã chuyển đi thông điệp mạnh mẽ trước Washington. Trong cuộc họp báo vào tháng 3 vừa qua, phát ngôn viên Lâm Kiếm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thể hiện thái độ cứng rắn trước việc Mỹ bổ sung tăng thuế đối với Trung Quốc.
Cụ thể, ông Lâm Kiếm nhấn mạnh: "Bất cứ ai sử dụng áp lực tối đa đối với Trung Quốc đều là chọn nhầm người và tính toán sai. Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề fentanyl, thì điều đúng đắn cần làm là tham khảo ý kiến của Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi để giải quyết mối quan tâm của nhau. Nếu Mỹ âm mưu một chương trình nghị sự khác và nếu chiến tranh là những gì nước Mỹ muốn, có thể là một cuộc chiến tranh thuế quan, một cuộc chiến thương mại hoặc bất kỳ loại chiến tranh nào khác, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu cho đến cùng".
Những ngày qua, Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh các thông điệp tương tự. Mặt khác, Trung Quốc vẫn đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 5%, bằng với năm 2024.
Trong khi đó, thương chiến lan rộng khiến cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đứng trước các dự báo ảm đạm. Với Mỹ, rủi ro tăng cao chính là vấn đề lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng. Cũng vì rủi ro lạm phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa tiếp tục cắt giảm lãi suất - điều mà ông Trump chỉ trích đã hạn chế sự phát triển của giới doanh nghiệp. Nỗi lo suy thoái cũng ngày càng lớn hơn.
Ngược lại, Trung Quốc cũng đối mặt thách thức lớn hơn khi kinh tế nước này vẫn đang có nhiều khó khăn: sức mua kém, thị trường bất động sản chưa khởi sắc… Trong phân tích gửi đến Thanh Niên, Standard & Poor's (S&P) Ratings, nhà xếp hạng tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới, dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc là mức 4,1% vào năm 2025 và 3,8% vào năm 2026. Con số này thấp hơn đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2025 mà Trung Quốc đã đề ra.
Không những vậy, theo S&P Ratings, đối với hầu hết các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thì một rủi ro lớn là sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc. Dù chính phủ Trung Quốc gần đây công bố một loạt chương trình kích thích kinh tế nhưng có thể không đủ sức giải quyết trọn vẹn các thách thức về chính sách thuế của Mỹ. Khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại thì các lĩnh vực công nghiệp, tiêu dùng ở nước này đều giảm sút, dẫn đến tác động không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực. Tình hình này dẫn đến khó khăn lớn hơn cho khu vực - vốn đồng thời có kim ngạch xuất khẩu khá lớn vào Mỹ nhưng lại đang bị Washington tăng cường áp thuế.
Rõ ràng, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều là những động lực then chốt của kinh tế toàn cầu, nên nếu hai nền kinh tế quan trọng này gặp khó khăn thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực trên diện rộng.
Ông Trump ân hạn thêm 75 ngày cho TikTok
Thay vì giữ hạn chót ngày 5.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định gia hạn thêm 75 ngày nữa để hoàn tất thương vụ TikTok tại Mỹ. Như vậy, công ty mẹ TikTok là ByteDance sẽ có thời hạn đến giữa tháng 6 để tìm đối tác phù hợp nhằm bán lại quyền quản lý TikTok tại Mỹ nếu muốn hoạt động ở quốc gia này, theo Reuters.
Trong bài đăng trên nền tảng WeChat ngày 5.4, ByteDance thông tin: "Chúng tôi vẫn đang đàm phán với chính phủ Mỹ nhưng chưa đạt được thỏa thuận. Hai bên vẫn còn khác biệt ở nhiều vấn đề quan trọng. Theo luật Trung Quốc, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải qua các thủ tục phê duyệt liên quan". Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho hay nước này luôn tôn trọng quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp và phản đối những hành vi đi ngược lại nguyên tắc thị trường.
Trí Đỗ
Bang California "mở lối đi riêng" về thuế?
Fox News ngày 5.4 đưa tin Thống đốc bang California (Mỹ) Gavin Newsom chỉ đạo tìm giải pháp kêu gọi các nước đưa tiểu bang này vào danh sách miễn trừ khi áp thuế trả đũa Mỹ.
Trong thông báo ngày 5.4, ông Newsom nhấn mạnh: "Mức thuế của Tổng thống Donald Trump không đại diện cho toàn bộ người Mỹ. Thay mặt cho 40 triệu người đang sống tại California, bang trụ cột của nền kinh tế Mỹ và bang sản xuất chủ lực tại Mỹ, tinh thần của chúng tôi là ủng hộ các mối quan hệ thương mại ổn định trên toàn cầu".
Đài Fox News dẫn các nguồn thạo tin nói rằng tuyên bố của ông Newsom là phản ứng trực tiếp đối với sắc lệnh ông Trump áp thuế đối ứng lên các quốc gia, được công bố ngày 2.4. Một số quốc gia đã và đang cân nhắc áp thuế nhập khẩu từ Mỹ để đáp trả Washington.
Thống đốc Newsom đã chỉ đạo các quan chức chính quyền tiểu bang tìm kiếm cơ hội mở rộng thương mại, đồng thời "nhắc nhở các đối tác thương mại trên toàn thế giới rằng California vẫn là một đối tác ổn định".
Chính quyền California lo ngại hoạt động sản xuất sẽ bị ảnh hưởng khi các nước áp thuế trả đũa quyết sách của ông Trump. Trong đó, ngành xuất khẩu hạnh nhân, mặt hàng chủ lực tại bang này, có thể tổn thất hàng tỉ USD khi các đối tác của Mỹ áp thuế.
Theo Sở Nông nghiệp và Lương thực California, hạnh nhân chiếm khoảng 20% trong số hơn 23 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản của bang này, chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn bang. California cũng chiếm 80% sản xuất hạnh nhân toàn cầu, theo Fox News. California là tiểu bang có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất trên toàn nước Mỹ, đạt khoảng 4.100 tỉ USD năm 2024, theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.
Bảo Hoàng