Thực phẩm chức năng, thực dưỡng trị ung thư
"Sau khoảng 1 tháng áp dụng thực dưỡng và dùng thực phẩm chức năng, uống sữa, tôi sụt mất 10 kg, suy kiệt. Vết mổ hậu môn nhân tạo do ung thư đại tràng bị loét rộng không liền", nam bệnh nhân cho biết về tình trạng sức khỏe bản thân trước khi ông được chuyển đến Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Người bệnh ung thư cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ
ẢNH: LIÊN CHÂU
Theo nam bệnh nhân, do lo ngại khối u phát triển mạnh nếu ăn thịt và duy trì chế độ dinh dưỡng thông thường nên ông đã áp dụng thực dưỡng; đồng thời, chi khoảng 30 triệu đồng mua dùng thực phẩm bổ sung, sữa, là các sản phẩm được quảng bá có tác dụng nâng cao thể trạng tăng cường miễn dịch...
Tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, sau đợt điều trị, nam bệnh nhân đã bình phục, tăng cân, ăn ngon miệng và vết loét đã khô, liền.
"Nhờ có bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai điều trị, hướng dẫn chế độ ăn, tôi đã bình phục. Tôi ăn uống đầy đủ và không còn kiêng thịt", nam bệnh nhân chia sẻ.
"Với bệnh ung thư, càng ăn nhiều, càng tẩm bổ nhiều thì càng nuôi dưỡng cho tế bào ung thư khiến khối u phát triển, đó là suy nghĩ sai lầm của một số bệnh nhân ung thư mà chúng tôi đã gặp", PGS-TS-bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bên lề hội thảo về dinh dưỡng với người bệnh ung thư tổ chức hôm nay 5.4.
Theo thông tin tại hội thảo, trên 85% người bệnh ung thư bị giảm cân hoặc suy dinh dưỡng trong suốt quá trình mắc ung thư; 50% người bệnh đã có thiếu hụt về dinh dưỡng khi mới bắt đầu chẩn đoán ung thư.
Suy dinh dưỡng làm gián đoạn, giảm hiệu quả điều trị, tăng biến chứng và thậm chí gây tử vong. Ước tính trên thế giới có tới 10 - 20% người bệnh ung thư tử vong vì hậu quả của suy dinh dưỡng hơn là do bệnh ung thư. Tại Việt Nam, con số có thể lớn hơn.
Nhịn đói, ung thư vẫn phát triển, di căn
Trước thực tế tiếp nhận một số bệnh nhân ung thư đến bệnh viện suy kiệt, chỉ còn "da với xương", sau thời gian thực dưỡng bằng gạo lứt muối vừng, bác sĩ Phương lưu ý: "Nếu không ăn thì khối u vẫn tiếp tục phát triển và vẫn hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể để phát triển và di căn, chứ không phải nhịn ăn là khối u dừng lại".
"Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ điều trị luôn phối hợp đa chuyên khoa và bác sĩ dinh dưỡng để giúp bệnh nhân ung thư được điều trị hiệu quả nhất. Tùy loại ung thư, tùy giai đoạn bệnh, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể về dinh dưỡng. Ví dụ, cần kiêng thực phẩm chứa i ốt, với bệnh nhân ung thư tuyến giáp điều trị i ốt 131", bác sĩ Phương cho biết.
"Người mắc ung thư ăn uống đầy đủ để có thể trạng tốt, các tế bào miễn dịch khỏe, chống lại ung thư. Nếu không ăn, khối u vẫn lấy dinh dưỡng, khiến cơ thể suy kiệt, suy mòn", bác sĩ Phương lưu ý.