44% trẻ em rối loạn lo âu nhưng lại đi khám tiêu hóa

Có trẻ ghi nhật ký chi tiết kế hoạch tự tử

Tại hội thảo "Tương lai cho thế hệ vươn mình" do Báo Nhân Dân tổ chức sáng nay 4.4, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết, bức tranh về sức khỏe tâm thần của trẻ em hiện nay rất nhức nhối, trong đó, tình trạng rối loạn lo âu là phổ biến nhất.

44 % Trẻ em rối loạn lo âu khám bệnh lý tiêu hóa - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai nêu những vấn đề nhức nhối về sức khỏe tâm thần của trẻ em hiện nay

ẢNH: BÙI GIANG

Theo thống kê, có tới 29% trẻ em Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung (có ít nhất một rối loạn tâm thần). Phổ biến nhất về vấn đề sức khỏe tâm thần chính là rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu có nhiều hình thái khác nhau như: trẻ con chịu nhiều áp lực học tập, kỳ vọng từ cha mẹ...

"44% trẻ em có vấn đề lo âu không đến khám tại phòng khám tâm thần mà khám bệnh lý tiêu hóa, như đau bụng thường xuyên khó kiểm soát, táo bón kéo dài, rối loạn giấc ngủ, đau đầu kéo dài… Sau khi điều trị, các bệnh lý này không cải thiện, khi đưa tới Khoa Tâm thần thì chúng tôi phát hiện các cháu mắc rối loạn lo âu", bác sĩ Mai nói.

Một vấn đề nghiêm trọng ở lứa tuổi vị thành niên, theo bà Mai, chính là hiện có khoảng 1/4 số trẻ em bị trầm cảm.

Trầm cảm ở trẻ em khác người lớn, các em không mang phong thái trầm buồn mà kích thích, cãi bố mẹ, chống đối, kích động… Có trẻ còn có ý tưởng tự sát và có trẻ lên kế hoạch tỉ mỉ chi tiết cho việc này.

"Chúng tôi từng tiếp nhận trẻ có ghi nhật ký chi tiết kế hoạch tự tử của mình. Đó là điều khiến chúng tôi rất đau lòng", bác sĩ Mai chia sẻ.

Ngoài trầm cảm, lo âu, theo bác sĩ Mai, trẻ còn có hành vi tự làm đau bản thân như dùng dao lam rạch tay, thân thể khi không nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ cha mẹ.

"Có những em đến khám thổ lộ muốn sống với giới tính khác. Đây là một dạng rối loạn bản đại giới tính và là điều phổ biến trong xã hội hiện nay, nhưng trẻ không có cơ hội chia sẻ vì cha mẹ gạt đi, trách mắng vì tư duy sai lệch. Những đứa trẻ này khi không được chia sẻ, sẽ có những hành động không kiểm soát, rất nguy hiểm", bà Mai nói.

Bắt nạt học đường ngày càng tinh vi

Bà Mai cũng chia sẻ, một vấn đề nóng hiện nay mà các bác sĩ không còn sử dụng từ "bạo lực học đường" mà là "bắt nạt học đường". Tình trạng này ngày càng trở nên tinh vi khi có sự hỗ trợ của mạng xã hội. Có trường hợp bạo lực bạn và phát trực tiếp trên mạng xã hội, hỏi cộng đồng mạng rằng "muốn tao đánh vào chỗ nào"...

Nhiều em đến khám trong tình trạng hoảng loạn. Trong khi đó, theo bà Mai, cha mẹ hầu như chỉ quan tâm đến điểm số, các thầy cô giáo phàn nàn nhiều nhưng lại không quan tâm đến đời sống học đường của con. Nhiều cha mẹ cho con đi khám cũng không hề nắm bắt được con em mình bị bắt nạt học đường. "Thực tế, những tổn thương tinh thần do bắt nạt học đường không thể cân đo đong đếm được", bác sĩ Mai nói.

Theo bác sĩ Mai, một vấn đề nổi cộm hiện nay chính là rối loạn phát triển thần kinh. Khi trẻ lớn cần quá trình tăng trưởng về chiều cao, cân nặng và hình thành kỹ năng, cảm xúc, hành vi. Tuy nhiên, cha mẹ gần như không để ý tới việc này một cách đầy đủ.

"Có nhiều em học tập rất tốt, nhưng lại bị thiếu những kỹ năng mà cha mẹ lại cho rằng con em mình IQ thấp. Thực tế, các rối loạn học tập chiếm 36% trong rối loạn phát triển", bà Mai cho biết.

Bà Mai cũng chỉ ra rằng, vấn đề tăng động, giảm chú ý hiện nay cũng bị nhầm lẫn với tự kỷ. Có nhiều cha mẹ đưa con đi khám khi ở lớp con phá lớp, không hợp tác, xé sách, đánh bạn… Khi tới khám, các bạn trẻ đó có trao đổi với bác sĩ là các con không kiểm soát được cảm xúc, hành vi. Nhưng hầu hết cha mẹ đưa con đi can thiệp ở thời điểm này đã quá muộn.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao