50 năm đất nước thống nhất: Những tiết học cảm xúc

HỌC MỸ THUẬT KẾT NỐI VỚI LỊCH SỬ

"Hòa bình và Tương lai" là tên chủ đề hội thi vẽ được thầy Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên (GV) mỹ thuật Trường THCS Tân Bình, Q.Tân Bình, khởi xướng cho các em học sinh (HS). Trong đó, HS được khuyến khích thể hiện cảm xúc về hòa bình qua các tác phẩm nghệ thuật. Tại buổi triển lãm tranh vẽ, đông đảo phụ huynh và người dân đã đến dự, nhiều người xúc động khi xem những bức tranh không chỉ đẹp mà còn chứa đựng thông điệp sâu sắc ở lứa tuổi HS.

Không chỉ vậy, thầy Tuấn Anh còn mời các nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh đến chia sẻ với thế hệ HS hôm nay về những kỷ niệm và bài học từ chiến tranh. Các nhân chứng lịch sử đã kể lại nhiều câu chuyện xúc động về những người đã hy sinh vì nền độc lập, thống nhất của nước nhà. Nhiều HS đã rơi nước mắt khi nghe về những khó khăn, thử thách mà thế hệ ông bà, cha anh đã vượt qua.

Tiết học mỹ thuật KẾT NỐI lịch sử: Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Thuận Kiều sinh hoạt, học tập tại Nhà truyền thống Tân Thới Nhất, ghi nhớ công ơn những người đã ngã xuống cho Tổ quốc

ẢNH: PHƯƠNG HÀ

Tháng 4 này kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, thầy Tuấn Anh muốn HS hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, ý nghĩa của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

"Dạy mỹ thuật phải gắn liền với lịch sử, đó là tâm niệm của tôi. Học mỹ thuật không chỉ là học kỹ năng vẽ tranh mà các em cần hiểu về nguồn cội và di sản văn hóa của dân tộc. Vì thế, trong các tiết học, tôi kết hợp giảng dạy nghệ thuật với lịch sử văn hóa dân tộc. HS được tìm hiểu về các biểu tượng văn hóa, di tích, sự kiện lịch sử và ý nghĩa từ các sự kiện…", thầy chia sẻ.

TIẾT HỌC MỞ Ở ĐỊA CHỈ ĐỎ

Từ tháng 3 cho tới hết tháng 4, Trường tiểu học Thuận Kiều, Q.12, tổ chức nhiều hoạt động ở các di tích lịch sử, nhằm giáo dục cho HS về ý nghĩa của hòa bình, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

Ngày 20.3 vừa qua, nhà trường tổ chức cho HS khối 3 chăm sóc di tích lịch sử, dâng hương tại Nhà truyền thống Tân Thới Nhất. Các em cũng được làm lễ kết nạp Đội tại đây.

Mới đây, ngày 3.4, trường tổ chức hội thi kể chuyện theo sách với chủ đề "Tự hào trang sử Việt" nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với các câu chuyện về Bác Hồ, những gương anh hùng lịch sử trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Cô Lê Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Kiều, cho biết ngày 11.4, HS của trường cùng tới dâng hương, dâng hoa, nghe thuyết minh về truyền thống đấu tranh cách mạng tại Khu truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (tại H.Bình Chánh, TP.HCM). Ngoài ra, một cách giáo dục lịch sử tự nhiên, dễ khắc ghi kiến thức trong tâm trí HS là lồng ghép kiến thức lịch sử trong các cuộc thi mà HS yêu thích. Vì vậy, ngày 18.4, trường tổ chức hội thi Rung chuông vàng để HS tìm hiểu về lịch sử Chiến dịch Hồ Chí Minh và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước cũng như giai đoạn xây dựng đất nước độc lập, tự do, giàu mạnh…

Tiết học mỹ thuật KẾT NỐI lịch sử: Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - Ảnh 2.

Những tiết dạy học mỹ thuật kết nối lịch sử của thầy Nguyễn Tuấn Anh

ẢNH: TUẤN ANH

TỰ HÀO, XÚC ĐỘNG KHI BƯỚC GIỮA THÁNG TƯ

Thầy Nguyễn Tuấn Anh bộc bạch thầy cảm thấy rất tự hào, xúc động khi đang sống, giảng dạy ở TP.HCM trong những ngày tháng 4 này. "Không khí hòa bình và sự phát triển nhanh chóng của thành phố giúp tôi cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc truyền tải kiến thức và giá trị lịch sử cho thế hệ trẻ. Mỗi ngày trôi qua, tôi nhìn thấy nỗ lực của HS trong học tập và rèn luyện. Các em không chỉ học kiến thức từ sách vở mà còn thể hiện tinh thần yêu nước từ những việc nhỏ bé mình làm hằng ngày. Đó là đến trường chăm chỉ học, sống có khát vọng, năng động với hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện. Điều này khiến tôi cảm thấy tự hào về vai trò của mình, không chỉ là một người thầy mà còn là một người dẫn dắt, giúp các em nhận thức rõ hơn về giá trị của cuộc sống", thầy chia sẻ.

Với cô Lê Thị Thoa, mỗi độ tháng 4 về lại mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt cho các thầy cô tại TP.HCM. Đặc biệt, trong tháng 4 này, dấu mốc 50 năm đất nước thống nhất, được chứng kiến sự thay da đổi thịt của TP.HCM nói riêng, VN nói chung, thì những cảm xúc này càng mạnh mẽ hơn.

"Là những người trực tiếp giảng dạy về lịch sử, giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, các thầy cô giáo cảm nhận sâu sắc niềm tự hào về quá khứ hào hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc giáo dục HS về ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, về giá trị của hòa bình, độc lập và sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Thông qua các bài giảng lịch sử, văn học, các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, chúng tôi mong các em HS hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của ngày 30.4, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông trong tâm hồn các em", cô Thoa bộc bạch.

Theo cô Thoa, bên cạnh niềm tự hào, đội ngũ nhà giáo cũng đối diện với những thách thức của ngành giáo dục trong giai đoạn mới, như yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ số hiện đại… Tuy nhiên, tinh thần của tháng 4 lịch sử là động lực để thầy cô kiên trì với nghề, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp trồng người, xây dựng các thế hệ HS có đủ phẩm chất, năng lực, tiếp bước cha ông góp sức xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Những buổi đồng diễn ý nghĩa

Ngày 27.3, hơn 1.000 HS, GV Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM, có tiết mục thể dục đồng diễn, tạo hình lá cờ đỏ sao vàng khổng lồ trên sân trường, mở đầu ngày hội giáo dục thể chất "ĐTH vận hội" chủ đề "Noi gương thể dục của Bác".

50 năm đất nước thống nhất: Những tiết học  cảm xúc - Ảnh 1.

Tiết mục thể dục đồng diễn, tạo hình lá cờ đỏ sao vàng của hơn 1.000 HS, GV Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM

ảnh: Thúy Hằng

Tại ngày hội, ngoài các môn thể thao, HS tham gia nhiều trò chơi vận động tại các trạm. Tên các trạm được đặt theo chủ đề lịch sử, ôn lại những năm tháng hào hùng của quân và dân ta, chào mừng 50 năm đất nước thống nhất, như "Em là chiến sĩ", "Vượt rào", "Rà mìn", "Tải đạn", "Bánh xe thần tốc", "Tổng tiến công".

Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cho biết ngày hội nhằm tăng cường giáo dục truyền thống, lịch sử cho HS trong dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại của dân tộc.

Trước đó, hơn 200 HS lớp 5 Trường tiểu học Phú Thọ, Q.11, đồng diễn ngày hội toàn thắng trước Bia tưởng niệm liệt sĩ an ninh T4, tại P.8, Q.11. Trường cũng tổ chức đồng diễn tái hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 trong chiến dịch "Em là chiến sĩ giải phóng quân Thành phố Bác Hồ". Các hoạt động này góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ kiến thức lịch sử, niềm tự hào, biết ơn thế hệ cha anh đã ngã xuống cho Tổ quốc.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao