Từ vụ mất thẻ tín dụng bị người lạ 'quẹt' hơn 25 triệu đồng: Phải làm gì?

Mất thẻ tín dụng, bị người khác sử dụng hơn 25 triệu đồng

Trên Facebook, dân mạng chia sẻ nhiều về bài viết kể chuyện một người bị mất thẻ tín dụng. Sau đó điện thoại báo thẻ tín dụng được thanh toán số tiền 25.090.000 đồng tại một cửa hàng điện thoại ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội).

Từ đây, nhiều người lo ngại việc thẻ tín dụng bị "lọt" vào tay người khác trong các trường hợp như: làm mất, bị đánh cắp

Đã từng có những câu chuyện tương tự khi bị mất thẻ tín dụng, và rồi cái kết là người khác sử dụng để thanh toán. Có người sốc khi phát hiện tài khoản "bốc hơi" vài chục triệu đồng, thậm chí sử dụng hết hạn mức được cấp. Cũng có người sau khi mất thẻ tín dụng, vướng vào nợ xấu. Lý do vì không biết khoản nợ từ thẻ tín dụng mà bản thân không hề sử dụng.

Mất thẻ tín dụng, phải làm gì? - Ảnh 1.

Bài viết có nội dung mất thẻ tín dụng, bị người khác sử dụng hơn 25 triệu đồng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Và một trong những điều được quan tâm là: "Cần phải làm gì nếu phát hiện mất thẻ tín dụng?".

Nói về chuyện này, ông Lê Quang Thương, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần ở Q.1 (TP.HCM), hướng dẫn: "Trường hợp bị mất thẻ tín dụng, phải lập tức báo về ngân hàng theo số hotline. Đó là cách nhanh nhất để được hệ thống khóa thẻ. Người chủ thẻ gọi đến ngân hàng, ngân hàng sẽ xác thực những thông tin liên quan. Nếu xác thực đúng là chủ thẻ, ngân hàng sẽ nhanh chóng khóa thẻ".

"Nếu mất thẻ tín dụng mà không báo khóa thẻ, người khác nhặt được sử dụng một cách vô tội vạ, thì khoản nợ ấy chủ thẻ phải chịu. Bởi hiện nay, đa phần thẻ tín dụng không cần mật khẩu để sử dụng", ông Thương nói thêm.

Ông Thương cho biết thẻ tín dụng thường không yêu cầu nhập mật khẩu khi thanh toán, đặc biệt với hình thức quẹt thẻ hoặc thanh toán không tiếp xúc vì giúp tối ưu hóa tốc độ thanh toán và nâng cao trải nghiệm mua sắm. Đặc biệt là nhanh chóng, tiện lợi khi thanh toán tại các điểm bán hàng.

Ngoài ra, ông Thương cho biết thẻ tín dụng có cơ chế hoạt động khác với thẻ ghi nợ. Thẻ tín dụng là hình thức chi tiêu trước, trả sau. Ngân hàng cấp trước một khoản tín dụng, rồi cuối kỳ chủ thẻ mới thanh toán. Do đó, trách nhiệm xác minh, bảo vệ rủi ro chủ yếu thuộc về ngân hàng phát hành thẻ. Nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn (như người nhặt được tự ý sử dụng), chủ thẻ tín dụng có thể khiếu nại và không phải chịu trách nhiệm cho khoản giao dịch không hợp lệ, miễn là báo ngay lập tức cho ngân hàng.

"Ngoài ra, việc có cần nhập mật khẩu khi sử dụng thẻ tín dụng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại giao dịch, thiết bị thanh toán và chính sách của từng ngân hàng… Hiện nay, cũng có ngân hàng ở trong nước phát hành thẻ tín dụng cần mật khẩu khi sử dụng, người dùng có thể chủ động đăng ký để tăng lớp bảo mật", ông Thương nói.

Nhặt được thẻ tín dụng của người khác, tuyệt đối không tự ý sử dụng

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Hà Nội), cho biết khi nhặt được thẻ tín dụng của người khác, tuyệt đối không tự ý sử dụng thẻ.

"Khi vô tình nhặt được thẻ tín dụng của người khác, quan trọng nhất là không tự ý sử dụng thẻ này cho bất kỳ mục đích nào. Dù có cảm thấy hứng thú hoặc cần thiết, hãy kiềm chế và không thực hiện bất kỳ giao dịch nào bằng số tiền này mà không có sự xác nhận từ ngân hàng hoặc chủ thẻ. Việc sử dụng thẻ tín dụng này có thể làm phức tạp tình hình và gây ra các hậu quả khó lường", luật sư Bình nói.

Điều cần làm, theo luật sư Bình, đó là: "Khi vô tình nhặt được thẻ tín dụng của người khác và không biết phải xử lý như thế nào, hãy liên hệ ngay với ngân hàng phát hành thẻ tín dụng đó để được hỗ trợ. Ngân hàng có thể cung cấp hướng dẫn cụ thể và giúp giải quyết vấn đề một cách an toàn và hiệu quả. Đừng ngần ngại thông báo ngay cho ngân hàng để họ có thể can thiệp và ngăn chặn các hoạt động gian lận tiềm ẩn".

Cũng theo luật sư Bình: "Pháp luật cũng đã quy định rõ ràng, khi nhặt được tài sản đánh rơi, phải trả lại cho người bị mất hoặc trình báo với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Cần lưu ý rằng việc lừa đảo gần đây rất tinh vi, có thể việc nhặt được thẻ tín dụng lại là cái bẫy của kẻ gian. Khi không thể chắc chắn được chủ nhân của tài sản mình nhặt được là ai thì hãy đến cơ quan chức năng gần nhất, tránh bị mắc bẫy của những kẻ lừa đảo".

Mất thẻ tín dụng, phải làm gì? - Ảnh 2.

Nếu lỡ bị mất thẻ tín dụng, phải lập tức báo về ngân hàng để được khóa thẻ

ẢNH: THANH NAM

Một vấn đề được nhiều người quan tâm: "Nếu nhặt thẻ tín dụng của người khác, tự ý sử dụng thì đối diện với những rủi ro pháp lý nào?".

Luật sư Bình trả lời: "Dù nhặt thẻ tín dụng của người khác chứ không phải lén lút đánh cắp thẻ, nhưng nếu tự ý tiêu tiền trong thẻ thì tùy vào mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị khởi tố hình sự tội danh chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)".

Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có hành vi chiếm giữ tài sản có thể bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra đối tượng vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm.

"Nếu trường hợp tài sản có giá trị cao từ 10 triệu đồng trở lên hoặc một số trường hợp đặc biệt khác có thể bị xử lý về hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản: phạt tiền từ 10 - 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm", luật sư Bình thông tin thêm.

Hành vi tự ý đăng ảnh trích xuất từ camera lên mạng xã hội

Liên quan bài viết với nội dung "mất thẻ tín dụng, bị người lạ quẹt mua iPhone", người đăng đã liên hệ cửa hàng điện thoại kiểm tra camera, trích xuất hình ảnh. Sau đó đăng hình ảnh của người được cho là dùng thẻ tín dụng nhặt được để thanh toán.

Nói về điều này, luật sư Bình cho biết theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý... Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

"Như vậy, hành vi tự ý đăng ảnh trích xuất từ camera lên mạng xã hội là hành vi xâm phạm quyền riêng tư, tùy vào từng tính chất, mức độ vi phạm cũng như hậu quả và đối tượng bị xâm phạm mà người vi phạm sẽ chịu các hình thức xử phạt khác nhau", luật sư Bình nói.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao