Các cơ sở giáo dục mầm non cũng đang rà soát cập nhật điều chỉnh thông tin học sinh (HS) lớp lá - 6 tuổi nếu có trên cơ sở dữ liệu tuyển sinh. Hiện các địa phương của TP.HCM chưa ban hành kế hoạch cụ thể huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh đầu cấp năm học 2025 - 2026, song nhiều trường tiểu học dự kiến những con số đón HS vào lớp 1 ở năm học mới. Đây là thông tin đang được phụ huynh quan tâm.
TRƯỜNG TIỂU HỌC LỚN NHẤT QUẬN 12 DỰ KIẾN NHẬN HƠN 940 HS
Trường tiểu học Lê Văn Thọ, có sĩ số lớn nhất Q.12, ở P.Tân Thới Hiệp với tổng số 4.220 HS ở năm học 2024 - 2025, dự kiến đón hơn 940 HS lớp 1 ở năm học 2025 - 2026, tương đương khoảng 18 lớp. Khu vực này có tỷ lệ người dân nhập cư rất cao, tốc độ gia tăng dân số cơ học lớn, nhu cầu con em đến trường rất lớn, do đó con số HS dự kiến nhập học tiểu học của trường này không giảm so với các năm gần đây.

Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Thọ, Q.12. Năm học 2025 - 2026 trường dự kiến đón hơn 940 trẻ lớp 1
ẢNH: THÚY HẰNG
Trường tiểu học Thuận Kiều, P.Tân Thới Nhất, Q.12 dự kiến năm học mới sẽ tuyển sinh 6 lớp 1.
Hiện tại Q.12 chưa có văn bản phân bổ chỉ tiêu số lượng cụ thể cho các trường; tuy nhiên dự đoán sĩ số HS năm học mới sẽ vượt chuẩn, do số trẻ 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 khá lớn.
TRƯỜNG Ở QUẬN TRUNG TÂM SẴN SÀNG CƠ SỞ VẬT CHẤT
Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1 có thể tiếp nhận 9 lớp 1 năm học mới 2025 - 2026, dự kiến khoảng 315 HS. Đây là ngôi trường vị trí trung tâm tại TP.HCM, được nhiều phụ huynh quan tâm. Trường đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, đội ngũ giáo viên. Tại đây thực hiện 100% dạy học 2 buổi/ngày cho HS, tỷ lệ các lớp bán trú (HS ăn cơm, nghỉ trưa tại trường) luôn cao.
Trường tiểu học Trần Khánh Dư, P.Tân Định, Q.1, có thể tiếp nhận tối đa 170 HS lớp 1. Trường dạy 2 buổi/ngày, có 25 phòng học, các cơ sở vật chất, phòng học bộ môn tiếng Anh, phòng học tin học, phòng học mỹ thuật, nhà thi đấu đa năng…
Là trường "hot" ở khu vực Q.7, Trường tiểu học Lê Văn Tám, P.Tân Phú luôn được nhiều phụ huynh quan tâm. Hiện Q.7 chưa có kế hoạch cụ thể về tuyển sinh đầu cấp cũng như phân bổ chỉ tiêu lớp 1 về các trường ở năm học 2025 - 2026, tuy nhiên nhà trường dự kiến có thể tuyển sinh 7 lớp 1. Nếu sĩ số lý tưởng là 35 HS/lớp thì có khoảng 245 HS lớp 1 ở năm học mới.
Trường tiểu học Lê Đình Chinh, P.16, Q.11 có sĩ số tương đối thấp ở các năm học gần đây. Năm học 2023 - 2024 tổng sĩ số là 890 em, năm học 2024 - 2025 là 888 em. Sĩ số trung bình khối 1 là 25 HS/lớp, còn khối 5 trung bình 30 em/lớp. Dự đoán năm học mới, tổng sĩ số tương đương với năm học hiện tại là gần 900 em, trung bình 180 HS ở một khối lớp. Đây là trường đạt tỷ lệ dạy 2 buổi/ngày 100%, tổ chức bán trú cho HS.

Học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1. Trường này có thể tiếp nhận 9 lớp 1 năm học mới 2025 - 2026, dự kiến khoảng 315 học sinh
ảnh: Thúy Hằng
CHÊNH LỆCH SĨ SỐ GIỮA NỘI THÀNH VÀ NGOẠI THÀNH KHÁ LỚN
Thực tế các năm học qua, chênh lệch sĩ số giữa các trường ở khu vực nội thành và ngoại thành khá lớn. Năm học 2024 - 2025, sĩ số nhiều trường tiểu học tại các quận nội thành như Q.1, Q.3, Q.11… giảm, đặc biệt ở khối lớp 1, lớp 2, có nơi chỉ ngoài 20 em, chưa tới 30 em/lớp. Còn sĩ số trường tiểu học ở Q.12, Q.Bình Tân, Q.Tân Phú vẫn khá lớn, nhiều nơi trên 45 em/lớp.
"Sĩ số 35 HS/lớp là đẹp nhất, nếu ít quá thì lớp trống, tiết học cũng loãng. Ngân sách cấp cho trường được tính trên đầu số lượng HS, nếu HS ít, ngân sách cấp về ít, nhưng trường vẫn phải gồng gánh đủ các chi phí rất lớn. Nếu trường tổ chức bán trú, ít HS thì tiền suất ăn, tiền tổ chức phục vụ, quản lý vệ sinh bán trú thu được cũng ít, nhưng chi phí thuê nhân công, tổ chức bán trú vẫn phải chi trả cao, nên thật sự khó khăn…", hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.11 cho hay.
Có được học tại khu vực không thuộc địa bàn cư trú thực tế ?
Quyết định "Về phê duyệt Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2025 - 2026" của UBND TP.HCM ban hành ngày 28.3 nêu rõ, đối tượng tuyển sinh đầu cấp được chia làm 2 dạng. Dạng 1 là ưu tiên tuyển sinh HS có "nơi ở hiện tại" thuộc địa bàn và trong độ tuổi quy định. Còn dạng 2 là HS có nguyện vọng học tại khu vực không thuộc địa bàn cư trú thực tế.
Với dạng 2, UBND TP.HCM hướng dẫn: Ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp TP.Thủ Đức và các quận, huyện ban hành văn bản xác định rõ các đối tượng được ưu tiên xét tuyển, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân loại. Trong đó, có thể xem xét ưu tiên xét tuyển theo thứ tự các trường hợp đặc thù của mỗi khu vực.
"Mục tiêu ưu tiên này nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón con em và bổ sung nguồn HS cho các địa phương có số lượng trẻ trong độ tuổi tuyển sinh thấp do đặc thù khu vực. Quy định ưu tiên đảm bảo tính minh bạch, công khai. Các trường hợp không thuộc diện ưu tiên sẽ được xem xét sau cùng, dựa trên chỉ tiêu còn lại của các trường và quyết định của Ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp của địa phương", công văn nêu.