4 thay đổi trong cách ngủ giúp cải thiện sức khỏe lâu dài

Dựa trên các ý kiến chuyên gia và các kết quả nghiên cứu, tạp chí The Healthy gợi ý những thay đổi trong thói quen ngủ có thể mang lại kết quả tích cực cho sức khỏe của bạn.

Chủ động ngủ bù trước thời gian biểu eo hẹp

Nếu bạn biết mình không thể ngủ đủ 7 đến 8 tiếng trong vài ngày tới vì áp lực công việc chẳng hạn thì bạn có thể ngăn chặn một số tác động tiêu cực bằng cách "tích lũy" giấc ngủ trước đó.

Trong một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Sleep, những người thực hiện ngủ theo cách "tích lũy" đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra nhận thức so với những người trải qua một tuần thiếu ngủ mà không ngủ bù.

4 thay đổi trong cách ngủ giúp cải thiện sức khỏe lâu dài - Ảnh 1.

Ngủ một giấc ngắn vào giữa buổi chiều giúp tỉnh táo hơn

Ảnh: AI

Ngủ một giấc ngắn vào giữa buổi chiều

Theo một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Academic Medicine, khi cho các bác sĩ nội trú năm nhất nghỉ ngơi vào giữa buổi chiều trong 20 phút thì nhóm dành thời gian để ngủ tỉnh táo hơn và đạt điểm cao hơn trong các nhiệm vụ trí tuệ so với nhóm nghỉ ngơi nhưng vẫn thức.

Như vậy, để có một cú hích năng lượng, hãy lên kế hoạch cho giấc ngủ ngắn trong khoảng thời gian từ 13 giờ đến 14 giờ. Tuy nhiên, không nên ngủ quá 30 phút vì điều đó có thể làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm hoặc gây ra hiện tượng "quán tính giấc ngủ", khiến bạn thức dậy với cảm giác uể oải.

Giấc ngủ ngắn này cũng giúp bạn ghi nhớ thông tin mới tốt hơn, đem lại lợi ích nếu bạn có một sự kiện quan trọng được lên lịch vào buổi chiều hôm đó.

Tư thế ngủ tốt nhất là tư thế thoải mái nhất, trừ nằm sấp

Theo The Healthy, mặc dù chỉ có khoảng 8% người ngủ ở tư thế nằm ngửa, nhưng đây là lựa chọn lành mạnh nhất vì nó cho phép đầu, cổ và cột sống của bạn được nghỉ ngơi ở vị trí trung tính. Nó cũng lý tưởng để ngăn ngừa chứng ợ nóng.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí Nature and Science of Sleep cho thấy tư thế nằm nghiêng được nhiều người ưa thích nhất và cũng giúp giảm trào ngược axit, ngăn ngừa đau lưng, đau cổ. Ngoài ra, bạn ít có khả năng ngáy hơn ở tư thế này vì nó giữ cho đường thở thông thoáng.

4 thay đổi trong cách ngủ giúp cải thiện sức khỏe lâu dài - Ảnh 2.

Ngủ nằm nghiêng là một trong những tư thế ngủ tốt cho sức khỏe

Ảnh: AI

Tiến sĩ Michael Grandner, giám đốc Chương trình nghiên cứu về giấc ngủ và sức khỏe tại Đại học Arizona (Mỹ), cho biết: "Tư thế ngủ tốt nhất là tư thế thoải mái nhất cho bạn và cơ thể bạn sẽ tự nhiên di chuyển vài lần trong đêm dù bạn có nhận ra hay không".

Tuy nhiên, nằm sấp thường gây khó chịu cho hầu hết mọi người và có thể gây khó thở vào ban đêm, khiến bạn thức giấc, chuyên gia Michael Grandner cảnh báo.

Tắt các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi ngủ

Việc sử dụng bất kỳ loại thiết bị công nghệ nào trong vòng một giờ trước khi ngủ cũng gây ra nhiều vấn đề cho đồng hồ sinh học của cơ thể, ức chế việc giải phóng hormone gây buồn ngủ melatonin và khiến bạn khó ngủ hơn.

Các nghiên cứu được công bố năm 2015 trên tạp chí Chronobiology International cho thấy việc tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và có những tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.

Tiến sĩ Michael Grandner cho rằng có 3 cách mà công nghệ cản trở giấc ngủ lành mạnh. Thứ nhất, ánh sáng kích thích tín hiệu ban ngày trong não, khiến bạn khó ngủ hơn. Thứ hai, việc lướt mạng vô tận kích thích cả về tinh thần lẫn thể chất. Thứ ba, chúng gây xao nhãng đến mức thời gian trôi qua mà không mang lại bất kỳ lợi ích thư giãn thực sự nào.

Chính vì những lý do trên, các chuyên gia khuyên rằng cần tắt tivi, máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính xách tay hoặc các thiết bị điện tử khác ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao