Hôm qua (10.4), tại Trường ĐH Y Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 111/2017 ngày 5.10.2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe và góp ý nội dung sửa đổi nghị định.
NHIỀU KHÓ KHĂN CHO TRƯỜNG NGOÀI CÔNG LẬP
Theo tiến sĩ (TS) Vũ Văn Hoàn, Viện Chiến lược và chính sách y tế, viện này đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá tình hình 5 năm triển khai Nghị định 111 và nhận thấy nghị định đã cụ thể hóa quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, các tiêu chí, các điều kiện cụ thể để triển khai tổ chức những nội dung liên quan thực hành trong các trường ĐH và bệnh viện. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa trường và bệnh viện vẫn còn "rất nhiều cái vướng". Đặc biệt, tình hình rất khó khăn với các trường ngoài công lập hoặc các trường mới đào tạo ngành y.

Một buổi thực hành của sinh viên ngành y ở bệnh viện tại TP.HCM
ẢNH: PHẠM HỮU
Chẳng hạn, thoạt nhìn, các trường ngoài công lập có các chương trình, kế hoạch bài bản, chi tiết hơn so với nhiều trường công lập. Nhưng đi sâu phân tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy các trường ngoài công lập lệ thuộc gần như hoàn toàn vào bệnh viện vì họ không có giảng viên tại các bệnh viện, nơi được dùng làm cơ sở thực hành của sinh viên (SV) y khoa trường mình.
Do sự tham gia của giảng viên trường ĐH vào bệnh viện rất hạn chế, cộng thêm việc nơi thực hành rất xa trường ĐH, có trường chỉ cử được giảng viên đi theo quản lý, rất nhiều trường hoàn toàn phó thác việc dạy thực hành cho bệnh viện. "Đây là một vấn đề chúng ta cần quan tâm vì nó quan trọng với chất lượng đào tạo thực hành", TS Vũ Văn Hoàn khuyến cáo.
QUÁ ĐÔNG SINH VIÊN, NGƯỜI HỌC KHÔNG THỂ NGHE THẦY NÓI GÌ
Cũng theo TS Vũ Văn Hoàn, có nhiều quy định trong Nghị định 111 tưởng như đều đảm bảo được, nhưng lại nảy sinh ở một số trường hợp cục bộ. Ví dụ, quy định về tỷ lệ SV/giảng viên thực hành, với các bệnh viện ở các tỉnh thì không khó khăn gì; nhưng các cơ sở thực hành trọng điểm tại các khu vực thì lại khó đảm bảo, do quá đông SV. Nếu giảm được số SV xuống, để các thầy có thể "thư giãn hơn" thì chất lượng đào tạo cũng sẽ tốt hơn.
Còn có tình trạng về tình hình chung thì đảm bảo tỷ lệ SV/giường bệnh (hoặc ghế răng với chuyên ngành răng hàm mặt), nhưng ở một số bệnh viện lớn, do SV dồn vào một số thầy rất giỏi, thành thử tiết học lâm sàng quá đông SV, rốt cuộc người học không thể nào nghe thầy nói được gì!
Cơ sở vật chất khó khăn của các bệnh viện cũng là một vấn đề, khi các bệnh viện thường phải ưu tiên không gian dành cho khám chữa bệnh nên các văn phòng của bộ môn cũng bị thu hẹp đáng kể.
"Về quy định trường ĐH phải đảm bảo 20% giảng viên tham gia vào các cơ sở thực hành, để vừa hướng dẫn vừa cung cấp dịch vụ, điều này vô cùng khó khăn. Chỉ có các trường lớn đã được thành lập từ lâu, có mối quan hệ tốt mới có thể đảm đương được phần này. Còn các trường ngoài công lập, 100% là không", TS Vũ Văn Hoàn cho biết.

Ông Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại hội thảo
ảnh: Quý Hiên
CÓ SỰ DỄ DÃI TRONG ĐÀO TẠO THỰC HÀNH CỦA NGÀNH Y
Ông Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng cho rằng với sự phát triển rất nhanh của các trường ĐH, đặc biệt là trường tư ra đời rất nhiều, nên vấn đề tổ chức đào tạo thực hành trong ngành y xuất hiện nhiều bất cập. Thực tế là có sự quá tải trong các cơ sở thực hành.
Qua đánh giá của một số nhà chuyên môn cho thấy hiện nay có sự dễ dãi trong đào tạo thực hành của ngành y, có sự buông lỏng trong tổ chức đào tạo thực hành cho SV. Vẫn có tình trạng SV muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Một số trường, khi thực hành không có thầy sát một bên, thành ra cứ nhờ bác sĩ ở một khoa nào đó theo dõi, bác sĩ đó bận nhiều việc, rồi cái gì cũng cho qua. "Cứ lâu dần như thế thì chất lượng đào tạo thực hành bị giảm sút, trong khi ngành y là ngành khoa học thực hành, không thực hành nghĩa là người học sẽ không biết làm gì", ông Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tri Thức kể, khi còn làm ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ông thường nói vui với SV là đi thực hành đừng có vô hội trường ngồi đọc sách, bởi SV thường ngại ra gặp bệnh nhân. Đã vậy, SV lại đông, bệnh nhân thì ít, người bệnh thường ở trạng thái khó chịu, hay la lối, và không thích SV. Cho nên SV cứ vô hội trường đọc sách, hết giờ thực hành thì đi về, cũng có điểm danh, nhưng không đi ra giường bệnh.
"Tôi vẫn thường nói đọc sách thì ra quán cà phê mà đọc, sẽ thích hơn là vô ngồi trong hội trường bệnh viện đọc sách. Đã vô bệnh viện là phải thực hành", ông Nguyễn Tri Thức chia sẻ. Ông cũng cho rằng để đảm bảo được chất lượng đào tạo thực hành thì phải ưu tiên học viên là số một, học viên là trung tâm, là tiêu chuẩn cho mọi quy định. Mục tiêu là đào tạo được các bác sĩ thực thụ, nghĩa là SV phải rất giỏi về thực hành chứ không chỉ giỏi lý thuyết. Nhằm đảm bảo được chất lượng thực hành thì phải để SV không đông quá, không ảnh hưởng đến chất lượng điều trị ở bệnh viện, không ảnh hưởng đến người bệnh.
"Bộ Y tế mong muốn các trường ĐH lớn như các trường đại học y, dược ở Hà Nội, Huế, ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Y dược Thái Nguyên, ĐH Y dược Cần Thơ…, phải là những trường chủ lực trong đào tạo nhân lực cho ngành y. Với các trường này, vừa rồi Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế quán triệt về kiểm soát chất lượng đào tạo thực hành. Bộ Y tế mong muốn các trường lớn phải là tinh túy, phải là những đơn vị dẫn dắt và không được dễ dãi trong công tác đào tạo thực hành", ông Nguyễn Tri Thức nói.
Đừng đào tạo thực hành theo kiểu "tráng men"
Theo GS Lê Quang Cường, Phó chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, ông vẫn thường nghe các bệnh viện phàn nàn thời gian qua, việc mở ngành tương đối thuận lợi nên nhiều SV quá, trong khi bệnh viện mãi mới xây thêm được một cơ sở, không kịp thêm không gian cho SV thực hành. Muốn giải quyết thì phải tác động từ chính sách vĩ mô. Như vậy, khi tham mưu chính sách cho Chính phủ, ngành y tế cần bám sát xu hướng thế giới.
Một sai lầm hiện nay trong sự phối hợp trường - bệnh viện là để cho hai bên thương thảo với nhau. "Đây là công việc của quốc gia chứ không phải công việc của trường hay của bệnh viện. Chúng ta tưởng tượng, bệnh viện hay trường ĐH giống như 2 cái bánh của một chiếc xe đạp trong chương trình đào tạo. Chúng ta không thể nào quy định riêng cho bánh xe đạp phía trước, bánh xe đạp phía sau, mà phải đưa ra được cơ chế làm sao bệnh viện và trường ĐH đều phải cùng tạo nên một chương trình thực hành chung", GS Lê Quang Cường nói.
GS Lê Quang Cường góp ý thêm: "Chúng tôi đồng ý là phải có một đơn vị thực hành chính, nhưng chúng ta phải quy định rất chặt chẽ tỷ lệ người học/giường bệnh rất cụ thể chứ không phải kiểu nói chung. Vấn đề nữa là hiện nay chúng ta đào tạo không chỉ cho các bệnh viện T.Ư mà còn cho các bệnh viện tỉnh, thậm chí cho cả trạm y tế xã… Vì vậy cần nghiên cứu để đề xuất quy định các cơ sở đào tạo ở khu vực nào thì nên thực hành ở những khu vực đó và xung quanh. Tránh chuyện tuy đào tạo ở nơi rất xa rồi dồn lên đến bệnh viện T.Ư, cái đó chỉ gọi là "tráng men" thôi chứ thực sự không học được. Để làm được chuyện đó, chúng ta phải bổ sung điều khoản về đầu tư vật chất cho các cơ sở y tế được công nhận là bệnh viện thực hành, là nơi cơ sở thực hành ở tuyến dưới".