Dạy học 2 buổi/ngày: Lo hợp thức hóa dạy thêm

BỖNG DƯNG… DẠY 2 BUỔI/NGÀY SAU THÔNG TƯ 29

Một phụ huynh có con học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Văn Huyên (H.Hoài Đức, Hà Nội) phản ánh tới Báo Thanh Niên cho biết sau khi Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thì nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày mặc dù đầu năm học không có thông báo gì về kế hoạch này.

Theo vị phụ huynh, việc ép học buổi 2 được thực hiện theo cách sắp xếp các tiết học văn hóa buổi sáng sang buổi chiều để học sinh (HS) phải có mặt cả 2 buổi; tăng số tiết các môn toán, văn, tiếng Anh. Trước khi có quy định mới về dạy thêm thì nhà trường không tổ chức dạy 2 buổi mà tổ chức dạy thêm tại trường…

Trong khi đó, ghi nhận ở một số trường THCS tư hoặc trường THCS chất lượng cao tại Hà Nội vì đã thu học phí cao nên dù tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng không phân biệt đâu là buổi 1, buổi 2 bởi chương trình giáo dục của các trường này công khai ngay từ thông báo tuyển sinh, thời khóa biểu cả ngày đều là chính khóa.

Dạy học 2 buổi/ngày: Dạy học 2 buổi/ngày: - Ảnh 1.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cần phải có hướng dẫn và giám sát cụ thể

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là thời khóa biểu trong một ngày học ở các trường tư sẽ không lấp đầy bằng các môn toán, văn, tiếng Anh... mà đan xen nhiều hoạt động trải nghiệm, thực hành, năng khiếu về thể thao, nghệ thuật… Nhiều trường cam kết không giao bài tập về nhà cho HS theo cách truyền thống mà khuyến khích tự học bằng cách yêu cầu đầu tư thời gian nhiều cho việc chuẩn bị bài trước khi vào học bài mới và tự hoàn thành, nghiên cứu bài sau khi học.

Dù vậy, không phải chỉ vì có thu học phí cao mới có thể thực hiện được dạy học 2 buổi/ngày. Bằng chứng là lâu nay các trường THCS ở tỉnh miền núi Lào Cai và mới đây là Yên Bái cũng áp dụng mô hình này mà không thu thêm tiền của HS. Bà Nguyễn Thu Hương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, cho biết toàn tỉnh hiện có 132/179 trường THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (đạt 73,7%). Các trường triển khai thực hiện dạy học 5 ngày/tuần phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên (GV); được sự thống nhất, đồng thuận của cán bộ quản lý, GV, nhân viên, HS, cha mẹ HS.

Đặc biệt, trong các ngày tổ chức dạy học 2 buổi phải thực hiện nguyên tắc buổi sáng dạy không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết; đảm bảo tỷ lệ HS đi học chuyên cần...

LO DẠY THÊM TRỞ LẠI VỚI VỎ BỌC KHÁC

Nhiều hiệu trưởng trường trung học cũng cho rằng để tổ chức thành công dạy 2 buổi/ngày, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành quy định khung về thời gian học tập, sinh hoạt của HS để các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch. Theo ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày phải có hướng dẫn và giám sát cụ thể, bởi nếu không sẽ "hợp lý hóa" dạy thêm, học thêm.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT), phân tích: Khi tổ chức dạy 2 buổi/ngày, ngoài chương trình chính khóa, các trường có thể tổ chức cho GV của mình hoặc kết hợp với đơn vị bên ngoài để tổ chức các hoạt động giáo dục, các chủ đề học tập nhằm giúp HS có cơ hội tiếp cận với việc thực hành, trải nghiệm theo các chủ đề khác nhau, gắn kiến thức môn học với thực tiễn cuộc sống. Ví dụ, cho HS học về năng lực số để trở thành công dân số. Học giáo dục STEM, hướng nghiệp, khám phá bản thân, học tiếng Anh với người nước ngoài...

Tuy nhiên, điều này làm nảy sinh nhiều ý kiến lo ngại sẽ "bật đèn xanh" cho tình trạng đưa các chương trình liên kết vào nhà trường. Đại diện Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc có học các nội dung, môn học liên kết này hay không hoàn toàn là do tự nguyện của HS và phụ huynh, nhà trường không được đưa ra bất cứ yêu cầu bắt buộc nào. Dù vậy, bài học nhãn tiền những năm gần đây về tình trạng ép HS học liên kết khi lồng ghép, đan cài các môn học này vào thời khóa biểu chính khóa, thu phí cao ở bậc tiểu học khiến dư luận khó có niềm tin vào cái gọi là "tự nguyện" nếu không có cách thức quản lý rành mạch hơn.

Vụ trưởng Thái Văn Tài khẳng định việc Bộ GD-ĐT khuyến khích dạy học 2 buổi/ngày không phải để dạy thêm, học thêm mà để góp phần giãn thời gian cho người học. Thay vì trước đây cứ học 5 tiết đến 12 giờ, thậm chí 12 giờ 30, thì nay học 2 buổi để các em đỡ áp lực. Thông tin về khảo sát của Bộ GD-ĐT, ông Tài cho biết hầu hết địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Bộ Chính trị quyết tâm tuyển GV để đủ theo định mức rồi, nên tỷ lệ trường THCS, THPT đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày chiếm tỷ lệ khá nhiều, ở THCS là khoảng 60%, THPT là 80%.

Dạy học 2 buổi/ngày: Dạy học 2 buổi/ngày: - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, nếu tổ chức đúng, học 2 buổi/ngày không thể vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Trong đó, buổi chiều, tổ chức các hoạt động giáo dục khác cho học sinh

ẢNH MINH HỌA: NHẬT THỊNH

Trong trường hợp các trường sử dụng buổi 2 trong ngày để giãn thời lượng dạy học chính khóa thì bắt buộc tất cả HS sẽ phải học. Còn với các nội dung nằm ngoài chương trình chính khóa như chủ đề khác nhau nhằm hình thành năng lực, kỹ năng, giúp HS có thêm trải nghiệm thì tổ chức dạy học theo nhu cầu của người học. Trong trường hợp này, sẽ không tổ chức dạy học, hoạt động theo biên chế lớp ở buổi chính khóa mà dưới các hình thức câu lạc bộ, các lớp linh hoạt cho HS ở nhiều lớp, khối lớp khác nhau nhưng có chung nhu cầu, theo ông Tài.

Ông Tài cho biết thêm nếu các trường bố trí chia chương trình chính khóa ở cả 2 buổi/ngày thì đương nhiên tất cả HS bắt buộc phải tham gia và trường hợp này, nhà trường không được thu tiền học buổi 2 của HS. Về học phí khi tiến hành dạy học 2 buổi/ngày, ông Tài nói được quản lý theo Nghị định 24/2021 của Chính phủ và HĐND tỉnh sẽ xác định nội dung, mức thu trên địa bàn. Có nội dung miễn phí và có nội dung phải thu phí.

HỌC SINH PHẢI ĐƯỢC TRẢI NGHIỆM NHIỀU HƠN

PGS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ ông ủng hộ chủ trương học 2 buổi/ngày đối với cấp THCS và THPT. Việc này có thể giúp nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường thời gian HS tương tác với GV, bạn bè trong môi trường giáo dục được kiểm soát để phát triển toàn diện, không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng mềm.

"Tất nhiên, Bộ GD-ĐT phải có hướng dẫn để việc học 2 buổi/ngày giúp HS có cơ hội học tập và trải nghiệm nhiều hơn, chứ không phải để tăng áp lực học tập. Thậm chí, phải để phụ huynh thấy con học 2 buổi thì về cơ bản sẽ không phải mang bài tập về nhà làm, để dành thời gian tương tác chất lượng với các thành viên gia đình và kéo gần khoảng cách cha mẹ, con cái", ông Nam nêu quan điểm.

Cũng theo ông Nam, khi chuyển sang dạy học 2 buổi/ngày, Bộ GD-ĐT phải đảm bảo quyền lợi của GV (thu nhập, chế độ, đãi ngộ) sẽ tăng lên tương ứng cùng khối lượng công việc. Tuy nhiên, để thực hiện thành công quyết định này, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp để kịp thời điều chỉnh và hoàn thiện các biện pháp gỡ khó.

PGS Nguyễn Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục Hà Nội, dẫn các quy định hiện hành và cho rằng không thể hiểu theo cách dạy học 2 buổi/ngày thì buổi thứ 2 vẫn xếp HS vào lớp để dạy các môn văn hóa. Do vậy, nếu tổ chức đúng thì học

2 buổi/ngày không thể vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Trong nhà trường có rất nhiều hoạt động giáo dục khác nhau. Nếu tổ chức dạy học buổi sáng, thời lượng chương trình chỉ khoảng 28 - 29 tiết/tuần. Buổi chiều, chúng ta có thời gian để tổ chức các hoạt động giáo dục khác cho HS như hoạt động trải nghiệm, đọc sách tại thư viện, hoạt động tự học... Ngoài ra, còn có các hoạt động tại sân chơi, bãi tập, nhà đa năng với các trang thiết bị được đầu tư…

Định hướng của Bộ GD-ĐT khi dạy 2 buổi/ngày

Theo dự kiến xây dựng hướng dẫn dạy 2 buổi/ngày của Bộ GD-ĐT (áp dụng với những trường có đủ điều kiện thực hiện) sẽ có nội dung buổi sáng và buổi chiều.

Cụ thể, buổi sáng tổ chức dạy các môn học/hoạt động giáo dục có trong chương trình với cách sắp xếp thời khóa biểu khoa học, phù hợp tâm sinh lý HS, tránh quá tải, giảm áp lực học tập cho HS để nâng cao giờ học chính khóa. Tổ chức các hoạt động giáo dục tăng cường dưới hình thức chuyên đề theo môn học hoặc tích hợp liên môn tạo cơ hội cho HS trải nghiệm kiến thức môn học và hình thành phẩm chất năng lực. Nội dung này do GV nhà trường thực hiện theo chức năng nhiệm vụ.

Buổi chiều tổ chức cho HS học tập và tham gia các hoạt động theo nhu cầu người học (tự nguyện) với hình thức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng và đa dạng hình thức triển khai như phụ đạo cho HS chưa đạt, bồi dưỡng HS giỏi và HS cuối cấp (theo Thông tư 29); các hoạt động học tăng cường tiếng Anh (với người nước ngoài, theo các chuẩn quốc tế...) để thực hiện chủ trương từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai; học tăng cường hình thành năng lực số, kỹ năng công dân số (AI, tin học chuẩn quốc tế...); các kỹ năng sống cần thiết như hướng nghiệp, an toàn giao thông, kỹ năng sinh tồn...


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao