Phát hiện 18 cây chè cổ thụ 200 năm tuổi trên núi Tam Đảo

Đoàn khảo sát gồm các nhà khoa học của Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên, các nghệ nhân Hội Chè La Bằng... mới đây đã công bố hình ảnh quần thể chè cổ thụ được phát hiện trên núi Tam Đảo, thuộc địa phận xã La Bằng, H.Đại Từ.

Phát hiện 18 cây chè cổ thụ 200 năm tuổi trên núi Tam Đảo- Ảnh 1.

Một trong số những cây chè cổ thụ được phát hiện trên đỉnh núi Tam Đảo

ẢNH: N.N

Quần thể này có 18 cây chè cổ thụ, sinh sống trên độ cao hơn 1.300 m so với mực nước biển, có vanh gốc cây từ 0,8 - 1,3 m.

Trực tiếp tham gia khảo sát này, PGS-TS Hà Duy Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi, Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên, cho biết qua khảo sát, đo đếm một số chỉ tiêu, đặc biệt là đo vanh gốc, với cây chè khoảng 1 - 1,3 m thì độ tuổi cây khoảng hơn 200 năm. Những cây chè có vanh gốc nhỏ hơn, khoảng 0,8 m trở lên thì tuổi từ 150 - 200 tuổi. 

Cũng theo PGS-TS Hà Duy Trường, để xác định chính xác tuổi cây chè cổ thụ này phải sử dụng công nghệ khoan thân cây để lấy vân gỗ đánh giá. Còn hiện nay, đoàn khảo sát xác định tuổi cây qua đánh giá cảm quan kết hợp với thông tin trao đổi với người dân địa phương, nghệ nhân trồng chè đều có chung nhận định quần thể chè cổ thụ ở núi Tam Đảo trên 200 tuổi.

Phát hiện 18 cây chè cổ thụ 200 năm tuổi trên núi Tam Đảo- Ảnh 2.

Lá chè cổ thụ được phát hiện trên đỉnh núi Tam Đảo

ẢNH: N.N

"Chúng tôi đánh giá đây là một dòng chè shan rất quý, cần phải được bảo tồn", ông Trường nói. 

Năm 2024, Thái Nguyên công bố phát hiện quần thể chè cổ thụ trên núi Bóng, thuộc xã Minh Tiến, H.Đại Từ với những cây chè có vanh gốc lên tới 1 m, cao từ 20 - 25 m.

Theo đánh giá và nghiên cứu của Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi, Hội Chè Thái Nguyên, quần thể chè cổ thụ trên núi Bóng có độ tuổi trên 200 năm. Đây cũng là dòng cây chè cổ thụ rất quý và hiếm, có những đặc điểm sinh học rất giống với chè trung du đang trồng tại Thái Nguyên.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội Chè Đại Từ, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã chè La Bằng, cho biết việc phát hiện 18 cây chè cổ thụ trên núi Tam Đảo là sự kiện sẽ tạo ra bước phát triển mới để nâng tầm giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên.

"Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh Thái Nguyên quan tâm đến việc bảo tồn, công nhận quần thể chè cổ thụ này là cây di sản để quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu chè kết hợp khai thác du lịch, đây chính là tiềm năng, thế mạnh của Thái Nguyên", bà Hải nói.

Phát hiện 18 cây chè cổ thụ 200 năm tuổi trên núi Tam Đảo- Ảnh 3.

Một cây chè cổ thụ trên núi Tam Đảo có vanh gốc lên tới hơn 1,3 m

ẢNH: N.N

Cũng theo PGS-TS Hà Duy Trường, qua thu thập mẫu lá chè cổ thụ ở núi Tam Đảo và núi Bóng thì lá cây chè ở Tam Đảo nhỏ và dài còn chè ở núi Bóng thì bản lá rất to. "Bước đầu, chúng tôi nhận định, đây là 2 giống chè khác nhau, để xác định chính xác giống chè này thì phải tiến hành phân tích nguồn gen", ông Trường nói.

Trong tháng 2 vừa qua, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển ngành chè giai đoạn 2025 - 2030. Nghị quyết đặt mục tiêu trong 5 năm tới, Thái Nguyên có 24.500 ha trồng chè, sản lượng chè búp tươi đạt 300.000 tấn/năm. 

Đến năm 2023, Thái Nguyên có ít nhất 250 sản phẩm trà (chè sau chế biến) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 5 sao, trong đó có ít nhất 6 sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao; 100% sản phẩm trà và sản phẩm từ chè được thương mại điện tử trên các nền tảng số. Đến năm 2030, Thái Nguyên đưa cây chè thành "cây tỉ đô", phấn đấu tổng giá trị sản phẩm thu được từ cây chè đạt 25.000 tỉ đồng.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao