Để tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đâu là giải pháp của các bên?
HỌC TRÁI BUỔI HOẶC SÁNG THỨ BẢY
Tính đến hết học kỳ 1 năm học 2024-2025, TP.HCM có 556 trường tiểu học. Báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy tất cả các trường đảm bảo nội dung và số tiết quy định khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo kế hoạch giáo dục trong Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học. Tuy nhiên, số lớp học thực hiện dạy học đảm bảo đủ thời lượng 2 buổi/ngày mới đạt tỷ lệ 84%, còn số học sinh (HS) tiểu học đảm bảo đủ thời lượng 2 buổi/ngày chỉ đạt 81%.
Các đơn vị có 100% HS đảm bảo đủ thời lượng học 2 buổi/ngày gồm: Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.6, Q.7, Q.8, Q.10, Q.11, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Bình, Q.Phú Nhuận, H.Hóc Môn, H.Nhà Bè, H.Cần Giờ.

Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (Q.8, TP.HCM) có sĩ số trung bình 44,45 học sinh/lớp
ẢNH: THÚY HẰNG
Q.12, một trong những quận, huyện chưa thể thực hiện 100% HS được học 2 buổi/ngày, có những trường rất đông HS, sĩ số mỗi lớp đều hơn 40 em. Để đảm bảo thực hiện các môn học theo Chương trình GDPT 2018, đề án nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế và các hoạt động giáo dục khác để phát triển toàn diện, theo nhu cầu của HS thì tùy điều kiện thực tế, các trường bố trí cho HS học trái buổi hoặc sáng thứ bảy.
Tại Trường tiểu học Kim Đồng, Q.12, năm học này có tổng cộng 2.721 HS với 64 lớp, sĩ số trung bình 43 HS/lớp (riêng khối 1 sĩ số trung bình 35 em/lớp). Sĩ số như vậy đã giảm vì đã có thêm trường tiểu học. Các năm trước, có thời điểm trường này hơn 3.000 HS, trung bình 48 em/lớp.
Q.Gò Vấp cũng là nơi có sĩ số HS cao do áp lực gia tăng dân số cơ học. Để đảm bảo tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018, theo đúng quy định, các trường tiểu học có nhiều giải pháp như tổ chức "lớp học động", "lớp học chạy", tổ chức dạy học trực tuyến một số tiết ở một số lớp...
Tại Trường tiểu học Bình Thuận, Q.Bình Tân, đầu năm học tổng số HS là 1.700 em, sĩ số trung bình 41 HS/lớp, không đủ phòng học để tổ chức học 2 buổi/ngày. HS học trái buổi, học sáng thứ bảy để có thể học hết Chương trình GDPT 2018 và các chương trình của nhà trường, các môn tin học quốc tế, tiếng Anh…
Q.8, nơi đạt tỷ lệ 100% HS được học 2 buổi/ngày, có những trường tiểu học có sĩ số rất đông. Một trong số đó là Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, P.16, với tổng số HS 1.556, 35 lớp học; sĩ số trung bình 44,45 em/lớp. Tất cả các em đều được học 2 buổi/ngày, trong đó có 10 lớp không tổ chức bán trú, 25 lớp có bán trú.
PHỤ ĐẠO MIỄN PHÍ CHO HS HỌC CHẬM
Sĩ số dù đông hay thưa đều đòi hỏi cao về năng lực của cán bộ quản lý trong tổ chức hoạt động giáo dục, tổ chức giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018, đảm bảo quyền lợi người học.
Tại Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, Q.8, dù sĩ số đông song được quản lý rất quy củ. Trong quá trình học, HS học chậm, xếp loại chưa đạt đều được phụ đạo miễn phí. GV chủ nhiệm sẽ báo cáo số HS còn học chậm tới khối trưởng, ban giám hiệu để xây dựng kế hoạch, nội dung phụ đạo miễn phí cho các em. Giờ phụ đạo thường vào cuối giờ buổi chiều một số ngày trong tuần, hoặc buổi trưa, trong lúc chờ phụ huynh tới rước.
Tại Trường tiểu học Bình Thuận, Q.Bình Tân, cơ sở phòng học không đủ để tổ chức 2 buổi/ngày cũng như bán trú, nhưng từ thứ hai đến thứ sáu, HS được đảm bảo học đủ các môn trong Chương trình GDPT 2018. Cụ thể, lớp 1 được học 6 buổi/tuần; lớp 2 học 5 buổi/tuần; lớp 3 học 7 buổi/tuần; lớp 4, 5 học 8 buổi/tuần. Ngày thứ bảy, HS được học STEM, kỹ năng sống, Anh văn bản ngữ, tin học quốc tế trên tinh thần tự nguyện.
Nhà trường cũng tổ chức phụ đạo cho HS học chậm vào các giờ trái buổi, với thời lượng 2 tiết/tuần. Đại diện nhà trường cho biết các GV phải khắc phục khó khăn, cố gắng đảm bảo hết chương trình cho HS, không thể chủ quan, bởi nếu dạy chậm thì không có thời gian để bù chương trình.
Tại Trường tiểu học Kim Đồng, Q.12, để có đủ phòng học, HS khối 3, 4, 5 được bố trí học trái buổi. Cụ thể, sáng từ thứ hai đến thứ bảy các em học các môn trong Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, nhà trường thỏa thuận với phụ huynh, các em sẽ học một buổi chiều trong tuần, bố trí ở phòng bộ môn, học các môn như tiếng Anh, tin học quốc tế.
"Lớp đông đòi hỏi GV phải nỗ lực, đặt cái tâm của mình vào từng HS. Đặc biệt là quan tâm HS học chậm, HS có mức đánh giá chưa đạt. GV thống nhất với phụ huynh phụ đạo miễn phí cho một nhóm từ 5-7 HS, khoảng 30-45 phút cuối giờ học, vào một số ngày trong tuần", cô Phạm Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, cho biết.
Theo cô Ngân, nhà trường đã tuyên truyền, quán triệt tới tất cả GV tuyệt đối tuân thủ Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm, đảm bảo không có GV nào vi phạm quy định. "Tôi thường nói với GV hãy đặt cái tâm mình lên hàng đầu và phải có lòng tự trọng. Mưu sinh có nhiều cách, nhưng không phải bằng việc đi ngược lại các quy định, thông tư, văn bản", cô Ngân cho hay.

Để tiếp tục tăng tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, hoàn thành hiệu quả Chương trình GDPT 2018, TP đang xây dựng trường lớp mới
ảnh: Thúy Hằng
GIẢI PHÁP TĂNG TỶ LỆ HS HỌC 2 BUỔI/NGÀY
Về thời lượng giáo dục ở cấp tiểu học, Chương trình GDPT 2018 quy định rõ: "Thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút. Cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT".
Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết để tiếp tục tăng tỷ lệ HS tiểu học được học 2 buổi/ngày, hoàn thành hiệu quả Chương trình GDPT 2018, TP đang xây dựng trường lớp mới theo đề án 4.500 phòng học mới. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, tham mưu các giải pháp thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục, phát triển hệ thống trường học ngoài công lập trong thời gian sắp tới.
Không để dạy thêm "núp bóng" cơ sở trông trẻ ngoài giờ
Cô Phạm Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, Q.12, TP.HCM, cho hay trường không đủ phòng học để tổ chức học 2 buổi/ngày, trong khi cha mẹ HS phải đi làm cả ngày, do đó đa số các em sau giờ học được phụ huynh gửi đến những cơ sở "bán trú vệ tinh" gần trường học. Cô Ngân đề xuất cơ quan chức năng, khu phố, phường xã tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở bán trú bên ngoài trường học, không để dạy thêm "núp bóng" cơ sở trông trẻ ngoài giờ, bởi như thế là vi phạm Thông tư 29.
Sẽ thay đổi hướng dẫn học 2 buổi/ngày
Tại hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp và thực hiện Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm vào tuần qua, nhiều ý kiến của các sở GD-ĐT kiến nghị Bộ cần có chỉ đạo cụ thể về dạy học 2 buổi/ngày để có sự chỉ đạo thống nhất, thực hiện có hiệu quả Thông tư 29. Bộ GD-ĐT phản hồi: Một trong những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Thông tư 29 là việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, chưa khai thác và sử dụng hết hiệu suất về cơ sở vật chất và định biên GV được giao cho nhà trường để thực hiện các nội dung dạy học chính khóa, chưa khai thác hết nguồn lực để dạy học theo nhu cầu người học theo quy định.
Bên cạnh đó, công văn hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018, cần phải thay đổi, điều chỉnh.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với quy định dạy thêm, học thêm với HS tiểu học. Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết trong thời gian sớm, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn, giải đáp rõ hơn về việc này để thống nhất trong thực hiện.
Tuệ Nguyễn