Tuyển sinh ĐH 2025: Chiến thuật chọn môn thi để tăng cơ hội trúng tuyển

Từ 14-15 giờ 15 ngày 1.4, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chiến thuật chọn môn thi để tăng cơ hội trúng tuyển". 

Chương trình diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Một trong những điểm mới của quy chế tuyển sinh năm 2025 liên quan đến tổ hợp môn xét tuyển. Năm nay, số lượng tổ hợp môn xét tuyển vào mỗi ngành/chương trình đào tạo không còn giới hạn số lượng. Tuy nhiên, quy chế từ năm nay ràng buộc thêm quy định trọng số với một số môn chủ chốt trong tổ hợp xét tuyển.

Các trường ĐH đã công bố nhiều tổ hợp xét tuyển mới, trong đó có những môn mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên được sử dụng để xét tuyển như: công nghệ, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật

Cũng theo quy chế, năm nay thí sinh khi đăng ký nguyện vọng không cần chọn mã phương thức, mã tổ hợp… chỉ cần xác định rõ chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo và cơ sở đào tạo mong muốn theo học để quyết định đăng ký. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT sẽ sử dụng phương thức và tổ hợp môn có kết quả cao nhất của thí sinh để xét tuyển. Những điểm mới này có tác động ra sao tới thí sinh khi tham gia xét tuyển năm nay?

 - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi để xét tuyển năm nay

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chiến thuật chọn môn thi để tăng cơ hội trúng tuyển", chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH chia sẻ lời khuyên để thí sinh đạt được mục tiêu trúng tuyển vào ngành học mong muốn.

Chương trình diễn ra từ 14-15 giờ, gồm các chuyên gia

Tuyển sinh ĐH 2025: Cách chọn môn thi để vào trường, ngành đúng nguyện vọng - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham dự tư vấn tại Báo Thanh Niên chiều nay

ảnh: Lê Thanh Hải


  • Tiến sĩ Nguyễn Phi Sơn, Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Duy Tân;
  • Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM;
  • Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành;
  • Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Chọn môn thi phát huy thế mạnh khi vào ĐH

Theo tiến sĩ Nguyễn Phi Sơn, Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng Đào tạo ĐH Duy Tân, năm nay quy chế sửa đổi tuyển sinh quy định không giới hạn tổ hợp môn xét tuyển, tạo ra một biên độ lựa chọn môn xét tuyển rộng hơn. Thí sinh sẽ có cơ hội lựa chọn môn học thế mạnh để đăng ký dự thi. Đây là cơ hội cho tất cả thí sinh. Tuy nhiên có quá nhiều tổ hợp môn cũng là một thách thức, thí sinh phải cân nhắc lựa chọn.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cho rằng năm nay có nhiều tổ môn để các em lựa chọn. Các em sẽ có cơ hội chọn môn thi thế mạnh để đạt điểm cao. Nhưng các em cũng phải chọn tổ hợp môn dự phòng nếu môn thế mạnh không may điểm chưa cao. Theo cô Bích, tổ hợp môn gắn liền với nền tảng ngành học nên các em phải xem ngành đó đào tạo gì, yêu cầu môn nào, từ đó chọn môn để có thể phát huy điểm mạnh của mình sau này khi học ĐH.

Cách tính trọng số điểm trong tổ hợp môn

Một học sinh gửi câu hỏi đến chương trình: ''Trọng số tính điểm xét tuyển môn toán hoặc văn không dưới 25% nghĩa là như thế nào? Nếu em muốn xét tuyển vào ngành trí tuệ nhân tạo của ĐH Duy Tân, điểm thi môn toán của em đạt 6 điểm, lý 6,5, hóa 7, vậy có phải môn toán của em thấp hơn 2 môn kia nên không đạt hay không?''.

Tiến sĩ Nguyễn Phi Sơn giải đáp: ''Trọng số tính điểm xét tuyển là tỷ lệ % của một môn học trong tổng các môn trong tổ hợp. Ví dụ tổ hợp gồm 3 môn toán, lý, hóa không có sự phân biệt hệ số thì trọng số điểm các môn là như nhau, mỗi môn 33,3%. Nếu trong đó lý nhân hệ số 2 thì toán còn trọng số 25%. Kết quả 3 môn của em ở trên không chi phối tới trọng số tính điểm xét tuyển nên các em yên tâm.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận xét khi có nhiều tổ hợp môn, các em sẽ tăng sự linh hoạt trong lựa chọn, tiếp cận nhiều tổ hợp đa dạng, phát huy được tối đa nguồn lực và khả năng để xét tuyển được vào nhiều ngành, nhiều trường. Tuy nhiên điều này cũng gia tăng sự cạnh tranh, nên các em cần chuẩn bị tốt hơn, có chiến lược tốt hơn để nâng cao khả năng trúng tuyển. 

Theo thạc sĩ Trị, các trường ĐH cũng sẽ điều chỉnh phương tuyển sinh, tổ hợp nên thí sinh phải đọc kỹ đề án của các trường để biết trường mình định xét tuyển có những phương thức, tổ hợp nào.

Tương tự, thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay sự thay đổi nhằm hỗ trợ thí sinh thuận lợi hơn đảm bảo công bằng hơn. Năm nay, Các trường xuất hiện nhiều tổ hợp mới giúp các em có nhiều lựa chọn hơn. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin xét tuyển của các trường.

Tuyển sinh ĐH 2025: Cách chọn môn thi để vào trường, ngành đúng nguyện vọng - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Phi Sơn, Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Duy Tân

ảnh: Lê Thanh Hải

Lưu ý đặc điểm về tổ hợp môn xét tuyển của các trường 

Theo tiến sĩ Nguyễn Phi Sơn, ĐH Duy Tân năm nay có các tổ hợp gồm 3 môn, có ngành 4 tổ hợp có ngành 6 tổ hợp, tùy vào mục tiêu đào tạo của các ngành. Nhà trường xác định đầu vào thí sinh cần kiến thức nền và kiến thức cần cho tương lai, từ đó đưa ra tổ hợp môn.

Còn thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích giải thích năm nay Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM sử dụng 6 tổ hợp môn xét tuyển cho mỗi ngành, tổ hợp gồm 3 môn trong đó môn văn là môn chính chung cho tất cả các ngành.

Với chương trình đào tạo về ngôn ngữ, kinh tế, truyền thông..., trường cần nền tảng ngôn ngữ, tư duy phân tích, lý luận, trình bày... nên đòi hỏi kiến thức và kỹ năng liên quan đến môn văn. Bên cạnh đó tiếng Anh cũng rất quan trọng. 

Học ngành truyền thông đa phương tiện, chọn tổ hợp nào?

Học sinh gửi câu hỏi: "Em muốn học ngành truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, vậy em có thể xét môn văn, toán, giáo dục kinh tế pháp luật hay không? Ngành này muốn học tốt thì nên học giỏi môn nào? Mức độ cạnh tranh khi xét ngành này ra sao?".

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích giải đáp: ''Ngành truyền thông đa phương tiện của trường có 6 tổ hợp môn: toán, lý, Anh; toán, văn, Anh; toán; văn, tin học; toán, văn, sử; toán, văn, địa; toán, văn, giáo dục kinh tế và pháp luật.

Đây là ngành học xu hướng nên có nhiều thí sinh chọn. Trường đào tạo 3 hướng: Học để làm công việc liên quan đến công nghệ. Nếu các em có kiến thức về công nghệ tin học, mạng máy tính thì chọn tổ hợp toán, văn, tin; Nếu theo hướng sản xuất sản phẩm truyền thông thì cần giỏi ngôn ngữ; Nếu đi sâu về phân tích, đánh giá, thực hành chiến lược truyền thông thi có thể chọn toán, văn, lý hoặc toán, văn, tiếng Anh...

Về mức độ cạnh tranh, các em có 6 tổ hợp và 4 phương thức tuyển sinh nên có nhiều lựa chọn. Mức độ cạnh tranh về công việc thì ngành nào cũng có sự cạnh tranh nên thí sinh cần hiểu rõ mình có thế mạnh gì và nỗ lực rèn luyện để đáp ứng yêu cầu thực tế.

Học sinh khác đặt câu hỏi: ''Các tổ hợp môn có điểm chuẩn khác nhau hay giống nhau? Em học giỏi toán, tiếng Anh nhưng môn văn lại hơi yếu. Em lại thích ngành quan hệ công chúng, vậy có thể xét ngành này bằng điểm toán, lý và một môn khác thay cho môn văn hay không? Ngành này của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM điểm chuẩn khoảng bao nhiêu và học xong cơ hội việc làm ra sao?''.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn: thông tin: Ngành này xét 6 tổ hợp bao gồm toán hoặc văn, các môn còn lại là sử, địa, vật lý... Môn văn là môn nền tảng của ngành quan hệ công chúng nên em cần tập trung học tốt môn văn.

Sau khi tốt nghiệp ngành này, các em có thể làm biên tập viên, MC, các bộ phận lễ tân, ngoại giao hoặc làm ở các đơn vị kinh doanh... 

Trường sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực, xét học bạ (điểm tổ hợp môn năm lớp 12 hoặc điểm trung bình năm lớp 12).

Thạc sĩ Trương Quang Trị thông tin năm 2025 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chú trọng đặc thù các ngành học. Mỗi ngành có yêu cầu và đặc thù riêng. Ví dụ khối khoa học tự nhiên cần môn toán, lý, hoá, sinh còn khối khoa học xã hội phải có môn văn. Trường tính toán để vừa đáp ứng yêu cầu của Bộ GD-ĐT vừa tạo điều kiện cho thí sinh. "Các em cần căn cứ vào ngành học để lựa chọn tổ hợp môn phù hợp nhằm phát huy được khả năng'', thạc sĩ Trị khuyên và thông tin năm nay trường thêm phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn cho hay năm 2025 Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có 61 ngành, tổng số gần 20 tổ hợp xét tuyển. Mỗi ngành có 6 tổ hợp và mỗi tổ hợp 3 môn, với môn toán hoặc văn là môn chính trong các tổ hợp. Đây cũng là 2 môn thi chính nên giúp các em tối ưu hóa sự lựa chọn.

Tuyển sinh ĐH 2025: Cách chọn môn thi để vào trường, ngành đúng nguyện vọng - Ảnh 3.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM

ảnh: Lê Thanh Hải

Điểm môn sinh thấp, có nên theo ngành y đa khoa?

Một học sinh hỏi: ''Nếu môn sinh của em điểm hơi thấp thì có nên xét ngành y đa khoa hay không? Và ngành này có cho xét môn khác thay môn sinh hay không? Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có xét học bạ ngành y đa khoa và điều kiện để xét là gì?''.

Thạc sĩ Trương Quang Trị đưa lời khuyên: ''Ngành y khoa truyền thống yêu cầu môn sinh là môn chính, tổ hợp là toán, hóa, sinh. Nếu điểm sinh hơi thấp thì các em nên cân nhắc lại vì đây là môn cơ bản, liên quan kiến thức cơ thể, bệnh lý, sinh lý con người. Một số tổ hợp môn khác có thể xét vào ngành này bên cạnh toán, hóa, sinh ví dụ toán, sinh, tiếng Anh; toán, hóa, tiếng Anh. Nếu em đam mê ngành này thì cố gắng cải thiện môn sinh, nếu không sẽ không có lợi thế khi xét tuyển và khi học tập sau này. Em cũng có thể xét học bạ nhưng cần đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT''.

Tuyển sinh ĐH 2025: Cách chọn môn thi để vào trường, ngành đúng nguyện vọng - Ảnh 4.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

ảnh: Lê Thanh Hải

Chọn môn thi để tối ưu hóa tổ hợp môn xét tuyển 

Nhiều học sinh hiện băn khoăn chọn môn thi thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất. Tiến sĩ Nguyễn Phi Sơn khuyên: ''Các em phải lựa chọn ngành mình yêu thích và đam mê, sau đó chọn trường có đào tạo ngành đó. Các em xem trường đó có tổ hợp môn nào xét cho ngành của mình. Hai môn còn lại,  môn nào xuất hiện nhiều nhất trong các tổ hợp thì các em lựa chọn 2 môn đó theo thế mạnh của mình, lúc đó mới đạt kết quả cao và có cơ hội trúng tuyển lớn''.

Còn theo thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, thí sinh nên chọn tổ hợp môn có kết quả thi tốt nhất và tổ hợp môn an toàn nhất. Thí sinh cũng nên xem xét tổ hợp mô mình giỏi với tổ hợp của ngành định xét tại trường mong muốn có phù hợp hay không. Nếu không có thì chọn một tổ hợp an toàn hoặc phương thức khác ví dụ dùng điểm trung bình năm lớp 12.

Thạc sĩ Trương Quang Trị nêu ý kiến: ''Các em phải xác định được môn học mà mình có điểm mạnh nhất để tối ưu hóa việc sử dụng tổ hợp xét tuyển. Ngoài ra, nên cân nhắc ngành em chọn có yêu cầu cụ thể về môn học ra sao. Ví dụ y đa khoa bắt buộc phải có môn sinh thì tập trung học thêm môn sinh nếu em muốn đậu. Nếu có thế mạnh cả toán và Anh thì có thể chọn D01 (toán, văn, Anh), A01 (toán, lý, Anh) thì sẽ không bị hạn chế bởi môn mà các em không được tự tin. Thí sinh cũng nên tham khảo điểm chuẩn các ngành ở các năm trước''.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn cho rằng các em nên chọn môn sở trường, thế mạnh, môn mình giỏi nhất. Trước mắt, thí sinh cần tập trung học để có kết quả tốt năm lớp 12, sau đó là kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT, các em còn có thể sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

Tuyển sinh ĐH 2025: Cách chọn môn thi để vào trường, ngành đúng nguyện vọng - Ảnh 5.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Để học tốt ở bậc ĐH 

Một học sinh đặt câu hỏi: ''Năm lớp 10 em nghĩ là chọn các môn xã hội cho dễ học, dễ thi, nhưng thực tế em lại rất yêu thích các ngành kỹ thuật. Vậy em phải làm thế nào để năm nay xét tuyển được vào công nghệ kỹ thuật ô tô khi không học lý, hóa? ĐH Duy Tân có những khối tổ hợp môn nào phù hợp với trường hợp của em?''.

Tiến sĩ Nguyễn Phi Sơn thông tin: ''Nếu em có đam mê thì em sẽ học tốt ngành này. Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô của trường có 6 tổ hợp, trong đó 2 tổ hợp không có lý và hóa gồm: toán, văn, Anh; toán, Anh, tin học. Vì vậy em có thể sử dụng 2 tổ hợp này để xét tuyển vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô của ĐH Duy Tân.

''Em nghe nói học ĐH khác với học phổ thông, các môn trong tổ hợp là nền tảng. Vậy nếu 3 môn trong tổ hợp cao có quyết định là thí sinh sẽ học giỏi ngành học đó ở ĐH hay không?'', một học sinh nêu vấn đề trong chương trình tư vấn.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích giải thích: ''Học ĐH rất khác THPT ở phương pháp, kiến thức và cách tư duy vấn đề. Đồng thời khác về môi trường, địa lý, văn hoá, đời sống. Các em cần nỗ lực tiếp thu, học hỏi những điều tích cực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Nếu THPT em học tốt toán, văn, tiếng Anh khi xét vào ngành luật thì những kiến thức này có thể bổ trợ để giúp em học tốt ĐH. Tuy nhiên không phải ai học giỏi 3 môn trong tổ hợp cũng phát huy được việc học ở ĐH, vì có sự khác biệt về phương pháp, tư duy...''.

Một học sinh băn khoăn: ''Giữa 2 ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử và công nghệ kỹ thuật ô tô, điểm chuẩn, cơ hội việc làm của 2 ngành này khi học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ra sao?''.

Thạc sĩ Trương Quang Trị thông tin: ''Ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử kết hợp với cơ khí và điện tử. Các em được trang bị thiết kế vận hành hệ thống cơ, cơ điện tử, tốt nghiệp làm việc trong lĩnh vực tự động hóa, robot, sản xuất thông minh... Còn ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tập trung vào việc thiết kế chế tạo bảo dưỡng sửa chữa ô tô, làm tại các nhà máy sản xuất ô tô, trung tâm sửa chữa, doanh nghiệp bán phụ tùng ô tô...

''Các em nên chọn ngành mình thực sự yêu thích, đam mê, phù hợp với nguồn lực. Điểm chuẩn năm 2025 ở phương thức xét điểm thi 2 ngành này là 15. Các em có thể xét học bạ trung bình môn lớp 12 từ 18 điểm trở lên hoặc xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM...'', thạc sĩ Trị chia sẻ thêm.

Câu hỏi cuối cùng gửi đến chương trình như sau: ''Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có tổ chức thi môn năng khiếu cho ngành kiến trúc hay không? Với những thay đổi về tổ hợp năm nay thì ngành kiến trúc xét tuyển các môn nào? Nếu không thi năng khiếu thì có xét được hay không?''.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn giải đáp: ''Ngoài kiến trúc, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM còn một số ngành như thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, nghệ thuật số... có xét điểm môn vẽ. Trường có tổ chức kỳ thi năng khiếu, các em cũng có thể sử dụng điểm năng khiếu ở trường ĐH khác để xét vào trường. Tuy nhiên, ngoài tổ hợp toán, văn, vẽ các em còn có thể sử dụng 5 tổ hợp khác không cần điểm môn vẽ''.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao