Lò bánh mì Pháp ở TP.HCM: Trao tương lai bằng nghề nghiệp

Trong căn bếp lớn bao phủ mùi bơ, sữa của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM), hơn 10 học viên có mặt từ 4 giờ, chuẩn bị cho ra những mẻ bánh Pháp đủ loại.

 - Ảnh 1.

Chị Bảo Quyên (đứng giữa, hàng đầu) và các học viên lớp bánh mì Pháp

Ảnh: Phan Diệp

Với mong muốn mở ra cánh cửa hy vọng cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, dự án Lò bánh mì Pháp - La Boulangerie Francaise ở TP.HCM mở lớp dạy nghề làm bánh. Với mức phí tượng trưng 150.000 đồng, học viên được lo ăn ở miễn phí, thực tập ở những nhà hàng 5 sao, và "đổi đời" nhờ có công việc ổn định sau 1 năm học nghề.

Dự án Lò bánh mì Pháp tại TP.HCM, được triển khai từ năm 2017, là sự hợp tác giữa Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức và Viện Hợp tác phát triển châu Âu (IECD). Qua dự án, hơn 130 bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn từ 18 đến 23 tuổi trên khắp cả nước đã được trao tay nghề làm bánh Pháp.

 - Ảnh 2.

Tạo hình là một trong những công đoạn khó trong kỹ thuật làm bánh

Ảnh: Phan Diệp

Lê Thị Huyền (22 tuổi, quê Bạc Liêu) là một trong số đó. Từ những thao tác vụng về và mẻ bánh thủng lỗ chỗ, giờ đây Huyền trở thành giáo viên đứng lớp, hướng dẫn các học viên khóa sau.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, vì hoàn cảnh khó khăn nên cô gái không tính chuyện thi đại học. Khi đó, qua lời giới thiệu của một người bạn, Huyền đăng ký và được dạy nghề làm bánh Pháp. Sau kỳ thực tập tại một khách sạn ở Phú Quốc, Huyền quyết định quay lại trường giảng dạy cho học viên khóa sau. "Mình cũng gặp một chút khó khăn khi truyền đạt sao cho dễ hiểu, nhưng nhờ sự giúp đỡ của mọi người, mình đã tự tin hơn", Huyền nói và cho biết với công việc này, cô có thu nhập ổn định, lo được cuộc sống của bản thân ở TP.HCM và giúp đỡ gia đình.

Đứng kế bên Huyền là Lê Đức Anh Tuấn (22 tuổi, quê ở Đồng Nai) với những động tác tạo hình bánh uyển chuyển, chính xác. Trước tháng 5.2024, Tuấn là nhân viên phục vụ bàn ở Phú Quốc. Một lần, Tuấn được nếm thử bánh của một chủ tiệm từng là học viên dự án nên tìm hiểu để nộp hồ sơ. Hiện, Tuấn đã học nghề được 10 tháng.

Còn nhớ, lần đầu tiếp xúc với bột làm bánh, chàng trai khá lúng túng. Nhưng giờ, Tuấn đã tự tay làm ra những chiếc bánh được khách hàng đón nhận như: bánh baguette truyền thống, sourdough, soft bread, croissants, và pain au chocolat. Ngoài ra, Tuấn còn thấy rất vui vì được học kỹ năng sống, giao tiếp và cả ngoại ngữ vào buổi chiều, sau khi kết thúc giờ học làm bánh ở bếp.

Từng được anh chị khóa trước giúp đỡ trong suốt quá trình học, giờ đây, Tuấn nhiệt tình hướng dẫn các học viên khóa sau, thể hiện tinh thần của dự án là "tiếp nối và đáp đền". "Mình thật sự hạnh phúc vì được học, được làm công việc yêu thích và chia sẻ lại cho những bạn mới", chàng trai nói. Sắp tới, sau 12 tháng học tập tại trường, Tuấn sẽ có kỳ thực tập 6 tháng tại các nhà hàng, khách sạn uy tín.

Thông thường, mỗi năm dự án có 2 đợt tuyển sinh vào đầu và giữa năm. Ứng viên có thể nộp hồ sơ trước 3 tháng qua các kênh mạng xã hội của dự án, trải qua phỏng vấn và bài đánh giá đầu vào.

Chị Đoàn Bảo Quyên, điều phối sư phạm của dự án, chia sẻ: "Mục tiêu của dự án là mang đến cho các bạn trẻ chưa có định hướng nghề nghiệp một cơ hội học nghề và phát triển trong ngành làm bánh, nơi nhu cầu tuyển dụng nhân lực đang ngày càng cao. Ngành bánh có tiềm năng phát triển nhanh, mức lương ổn định và cơ hội nghề nghiệp lớn. Dự án này không chỉ giúp các bạn phát triển bản thân mà còn tạo ra tương lai tươi sáng hơn cho gia đình và cộng đồng".

 - Ảnh 3.

Sản phẩm bánh đạt chất lượng do học viên làm ra sẽ được bán tại trang web La Boulangerie Francaise hoặc cung cấp cho khách hàng trong một số quán cà phê, tiệm bánh, nhà hàng, khách sạn ở TP.HCM. Lợi nhuận của sản phẩm được sử dụng để duy trì chương trình đào tạo. Đặc biệt, một số bánh còn được gửi tặng cho các cơ sở từ thiện, giúp mang lại niềm vui cho những hoàn cảnh khó khăn.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao