Tiếp sức mùa thi 2025: Ứng dụng ChatGPT để ôn thi

AI là gia sư hay con dao hai lưỡi ?

Suốt vài tháng qua, Trần Cẩm Hà, học sinh Trường THPT Trường Chinh (TP.HCM), liên tục nghe bạn bè bàn tán về ChatGPT, một công cụ hỗ trợ học tập mới. Ban đầu chỉ là sự tò mò, nhưng dần dà, Hà bắt đầu tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ việc học.

"Tụi em đang trong giai đoạn ôn thi tốt nghiệp THPT nên thường nhờ đến ChatGPT để tìm kiếm các dạng đề chưa từng gặp. Nhờ đó, em có thể mở rộng kiến thức và làm quen với nhiều dạng bài hơn", Hà chia sẻ.

Thế nhưng càng sử dụng, nữ sinh này càng nhận ra mình không chỉ chạy đua với khối lượng kiến thức khổng lồ, mà còn với chính công nghệ. Những câu hỏi như "Liệu mình có đang học đủ nhanh để theo kịp tốc độ AI hỗ trợ?", "Vì sao ChatGPT có thể trả lời dễ dàng còn mình thì không?"… liên tục lặp lại, đã tạo ra áp lực vô hình cho cô gái.

Tận dụng ChatGPT ôn thi hiệu quả không phụ thuộc - Ảnh 1.

Áp lực mùa thi khiến người trẻ phải dùng công nghệ trợ giúp quá trình ôn tập

ẢNH: PHƯƠNG VY

Tận dụng ChatGPT ôn thi hiệu quả không phụ thuộc - Ảnh 3.

Hà nói rằng đôi khi cô rơi vào vòng luẩn quẩn của việc tra cứu nhanh, chép đáp án, nhưng lại không thật sự hiểu sâu vấn đề. Càng đến gần kỳ thi, áp lực càng đè nặng khiến nữ sinh rơi vào trạng thái căng thẳng. "Khối lượng kiến thức quá nhiều, thời gian lại có hạn. Em luôn trong tình trạng lo lắng, đôi khi mất cả sự tập trung. Có những hôm em thức trắng đêm để nhồi nhét bài vở, nhưng càng học lại càng quên", Hà thở dài.

Nguyễn Trương Mỹ Uyên, học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP.HCM), cũng tận dụng AI trong học tập, đặc biệt với môn toán và tiếng Anh. "Mỗi mùa thi, tần suất em sử dụng AI càng nhiều hơn. Có quá nhiều bài tập mà thầy cô không thể sửa hết cho tụi em, nên em thường nhờ ChatGPT giải thích những bài chưa hiểu", Uyên chia sẻ.

Với môn toán, AI giúp Uyên tạo ra bài tập tương tự để luyện tập, đồng thời kiểm tra đáp án nhanh chóng. Trong môn tiếng Anh, AI giúp Uyên tra cứu nhanh ngữ cảnh sử dụng từ vựng, tiết kiệm thời gian hơn so với việc tìm kiếm thủ công trên internet. Đặc biệt, AI còn hỗ trợ Uyên luyện nói và viết, giúp ích rất nhiều cho việc chuẩn bị kỳ thi IELTS.

Tuy nhiên, Uyên cũng nhận thức được mặt trái của việc quá phụ thuộc vào AI. "Đôi khi em lạm dụng nó để đối phó với những môn mình yếu. Ví dụ như môn văn, em viết rất chậm và hay bí ý tưởng, nên nhiều lần em chỉ lập dàn ý rồi nhờ AI viết giúp. Dần dần, em nhận ra mình đang lười suy nghĩ hơn, mất đi khả năng diễn đạt của chính mình", Uyên thẳng thắn thừa nhận.

Bùi Phan Thanh Trúc, học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), cho rằng AI là con dao hai lưỡi. "Mặt tốt là nó giúp tụi em tra cứu tài liệu, kiểm tra bài làm, gợi ý hướng giải. Nhưng mặt xấu là nếu quá phụ thuộc, tụi em sẽ dần mất đi khả năng tư duy độc lập, lười suy nghĩ và sáng tạo hơn", Trúc bày tỏ.

Tận dụng ChatGPT ôn thi hiệu quả không phụ thuộc - Ảnh 2.

Cẩm Hà sử dụng công nghệ trong quá trình ôn thi

ẢNH: PHƯƠNG VY

Để sử dụng AI trong mùa thi đúng cách

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), sự xuất hiện của ChatGPT và AI là một bước đột phá trong kỷ nguyên số. Đây là công cụ giúp con người tiếp cận tri thức dễ dàng hơn; nhưng nếu không biết cách sử dụng, nó có thể trở thành con dao hai lưỡi.

"Có hai nhóm học sinh sử dụng ChatGPT. Nhóm thứ nhất biết tận dụng công cụ này để nâng cao tư duy và tiếp thu kiến thức. Nhóm thứ hai chỉ dùng AI để đối phó với bài kiểm tra, sao chép câu trả lời mà không thực sự hiểu bài. Nếu lệ thuộc vào công nghệ một cách thụ động, tư duy sẽ dần mai một", ông Phú nói.

Ông Phú cho rằng nhà trường không cấm học sinh sử dụng ChatGPT, vì dù có cấm, các em vẫn có thể dùng ở nhà. Thay vào đó, thầy cô cần có năng lực công nghệ để nhận diện đâu là sản phẩm của AI, đâu là bài làm thực sự của học sinh.

"Học sinh cần biết cách biến A thành A'. Tức là phải có sự chỉnh sửa, sáng tạo để tạo ra sản phẩm mang dấu ấn cá nhân. Ngược lại, nếu chỉ sao chép, các em sẽ dần mất đi khả năng tư duy độc lập. Tôi cho rằng học tập là để phát triển bản thân chứ không phải để đối phó với thầy cô. Các em chỉ nên sử dụng khi thật sự cần thiết. Kết quả phải đến từ sự nỗ lực của chính mình. Đừng lấy thành quả của người khác làm của mình. Chỉ khi tự lao động và cố gắng, chúng ta mới thấy thành quả xứng đáng và cảm thấy hạnh phúc thực sự trên con đường học tập", ông Phú chia sẻ.

Anh Trần Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường ĐH Durham (Anh), cho rằng AI có thể giúp học sinh tiếp cận thông tin nhanh chóng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được sử dụng hợp lý.

"Khi câu trả lời sẵn có chỉ cần vài cú nhấp chuột, học sinh có thể mất đi sự kiên nhẫn trong việc tự tìm tòi và giải quyết vấn đề. Điều này có nguy cơ làm suy giảm khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và kỹ năng tự học", anh Vũ nhận định.

Theo anh Vũ, để tự học hiệu quả mà không phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, học sinh cần phát triển những kỹ năng cơ bản như quản lý thời gian, học tập có kế hoạch, ghi chép cẩn thận và đọc tài liệu giấy để rèn luyện khả năng tư duy sâu. Khi gặp bài khó, các em nên thử tự giải quyết trước khi nhờ đến AI để rèn luyện kỹ năng tự học.

Tiến sĩ Giang Thiên Vũ, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nhấn mạnh: "AI hay ChatGPT là công cụ hỗ trợ học tập, nhưng nếu lạm dụng nó để giải quyết mọi vấn đề, khả năng tư duy sẽ dần mai một. Học sinh cần học cách điều khiển công nghệ, chứ đừng để công nghệ điều khiển mình".

Đối với Cẩm Hà, dù công nghệ có hiện đại đến đâu, nữ sinh vẫn tin rằng khả năng tự học mới là giá trị cốt lõi. "ChatGPT rất tiện lợi, nhưng em không dám phụ thuộc. Em luôn cố gắng tự tìm câu trả lời trước khi nhờ đến nó. Với em, ChatGPT chỉ là công cụ hỗ trợ giúp tiết kiệm thời gian và hệ thống hóa kiến thức, chứ không thể thay thế quá trình tư duy của bản thân", Hà nói và cho rằng ChatGPT có thể giúp rút ngắn quãng đường học tập, nhưng vượt qua kỳ thi vẫn là một hành trình mà mỗi học sinh phải tự bước đi bằng chính đôi chân của mình.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao