
Thí sinh thi đánh giá năng lực đợt 1 tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)
ẢNH: NGỌC LONG
Sáng 30.3, gần 120.000 thí sinh bước vào kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Chia sẻ với Thanh Niên tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cơ sở Q.5, Nguyễn Ngọc Minh Anh, học sinh lớp 12 Toán 2 Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết em chỉ tự học là chính. Minh Anh kể, phần khó nhất với em là tiếng Việt và ít thử thách nhất là sử, do nữ sinh từng đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn này.
Thí sinh lo lắng kiến thức thi Đánh giá năng lực
Một điểm đáng chú ý, theo Minh Anh, là thầy cô trên lớp khuyên em phải đọc lại sách giáo khoa bậc THCS chứ không chỉ THPT, "do kiến thức ở sách cấp 2 là nền tảng còn cấp 3 chỉ đào sâu thêm" trong chương trình mới. Điều này vô cùng quan trọng vì kiến thức trong đề thi đánh giá năng lực không hỏi nâng cao mà hỏi trải đều, trải rộng các lĩnh vực khác nhau, Minh Anh chia sẻ.

Cán bộ phòng thi hướng dẫn cho thí sinh
ẢNH: NGỌC LONG
"Vào phòng thi, em sẽ làm toán và những môn yêu cầu tư duy logic nhiều trước vì đầu giờ là thời điểm em tỉnh táo nhất. Sau đó, em sẽ tiếp tục làm hết những câu dễ, câu nào khó bỏ qua tới cuối giờ mới quay ngược lại để làm", nữ sinh học tổ hợp toán, văn, tiếng Anh và sử cho hay.
Hà Đức Cường, học sinh lớp 12A5 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM), thì cho rằng trở ngại lớn nhất khi luyện thi đánh giá năng lực là phải ôn lại nhiều kiến thức cũ đã được học trong 3 năm THPT, "sau đó là tới kiến thức cấp 1, cấp 2 (tiểu học, THCS-NV)". Khó khăn nhất, theo nam sinh, là những câu hỏi suy luận ở phần tiếng Anh, tìm từ và sửa lỗi chính tả ở phần tiếng Việt. Cường cũng lo lắng trước những câu hỏi môn lý, hóa, sinh ở phần suy luận khoa học.

Hà Đức Cường, học sinh lớp 12A5 Trường THPT Trần Khai Nguyên, cho biết đã dành hàng tháng trời ôn luyện cho kỳ thi đánh giá năng lực
ẢNH: NGỌC LONG
"Có những câu chỉ nằm ở mức độ thông dụng, đọc hiểu nhưng lúc em đọc xong đề em cũng không hiểu vì chưa từng học qua môn đó. Bạn bè em có những người học tổ hợp có lý, hóa đọc vào đôi lúc cũng không hiểu luôn vì những thông tin đó có thể nằm ngoài chương trình học của tụi em", Cường nói. "Sắp tới vào phòng thi em sẽ làm câu dễ trước, câu khó khoanh tròn lại để sau. Riêng môn toán, khoa học tự nhiên em cũng để sau vì chiếm nhiều thời gian suy nghĩ, vận dụng và bấm máy tính".
Trong đợt 1 thi đánh giá năng lực năm 2025, thí sinh được dự thi ở 25 tỉnh, thành là Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk và TP.HCM.

Trao đổi trước khi vào phòng thi
ẢNH: NGỌC LONG
Năm nay, đề đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Tuy nhiên, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực lần đầu được điều chỉnh nhằm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, hai điểm đáng chú ý là bài thi điều chỉnh nội dung và số câu hỏi của các nhóm lĩnh vực kiến thức và yêu cầu thí sinh dự thi tất cả 11 nhóm lĩnh vực.
Năm nay, hơn 100 trường ĐH và CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển. Trước đó, vào năm 2024, kỳ thi đã giúp ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển được hơn 9.200 sinh viên, chiếm hơn 38% tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn hệ thống. Điểm tối đa của bài thi đánh giá năng lực là 1.200 và điểm từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi.